Kinh doanh nhà hàng, 3 phần nổi – 7 phần chìm

“Một vốn bốn lời” là điều mà nhiều người vẫn nghĩ khi nói về ngành dịch vụ kinh doanh ẩm thực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kinh doanh nhà hàng không phải là một ngành “dễ xơi”, bên cạnh những thương hiệu nhà hàng thành công cũng có không ít hệ thống nhà hàng buộc phải đóng cửa chỉ sau vài năm hoạt động.

Kinh doanh nhà hàng, 3 phần nổi – 7 phần chìm

Ảnh nguồn Internet

Kinh doanh nhà hàng - 3 phần nổi…

Thị trường ngành nhà hàng đang ghi nhận mức tăng trưởng khá nhanh khi ngày càng có nhiều nhà hàng mới xuất hiện, nhiều hệ thống chuỗi nhà hàng được nâng cấp, mở rộng.

Một trong những tên tuổi đang “làm mưa làm gió” trong ngành dịch vụ ẩm thực hiện nay chính là Golden Gate. Nhận được số vốn đầu tư 2,6 triệu USD từ quỹ Mekong Capital, Golden Gate  thu được thành công vang dội khi đang sở hữu hệ thống gần 200 nhà hàng với 20 thương hiệu trên khắp cả nước. Cùng với đó là mức tăng trưởng doanh thu “khá khủng”: giai đoạn 2010 – 2013 là 25%/năm, giai đoạn 2014 – 2016 là 32%/năm.

Năm 2016, Golden Gate đạt mức doanh thu hơn 2.600 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2015, ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế gần 230 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 năm đầu tư, kết quả kinh doanh của Golden Gate đã giúp Mekong Capital thu lại được khoản lợi nhuận gấp 9 lần số vốn “rót vào” ban đầu, tương đương với mức lãi hơn 800%.

Với đà thành công này, Golden Gate đang có kế hoạch hợp tác với ngân hàng Standard Chartered để nâng mức tổng giá trị của “đế chế” này lên 200 triệu USD vào năm 2018. Ngoài việc tiếp tục mở rộng những chuỗi nhà hàng hiện có, Golden Gate sẽ cho ra đời những thương hiệu nhà hàng mới, phục vụ cho đối tượng khách hàng bình dân.

Bạn muốn tìm hiểu thêm: Giải mã “thành công khủng” của Golden Gate – “Đế chế” sở hữu gần 200 nhà hàng tại Việt Nam

Huy Vietnam – đơn vị sở hữu 5 thương hiệu: Great Bánh mì & Café, Phở 99, Phở Ông Hùng, Món Huế, Cơm Thố Cháy cũng thu được khá nhiều thành công khi sở hữu 200 nhà hàng tọa lạc tại nhiều vị trí đắc địa ở TP. Hồ Chí Minh. Có được thành công này là nhờ vào số vốn 65 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Huy Vietnam đặt mục tiêu sẽ đạt con số 1.000 nhà hàng vào năm 2020.

Chuỗi 4 nhà hàng Con Gà Trống cũng là một trong những thương hiệu được đánh giá thành công hiện nay khi ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng 15%/năm và đang lọt vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư. Chủ sở hữu chuỗi nhà hàng này tiết lộ, một quỹ đầu tư của Singapore đã đề nghị phát triển hệ thống Con gà trống sang Trung Quốc với kế hoạch mở 100 nhà hàng. Trong năm 2017, thương hiệu này đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng 15 – 20 % và sẽ mở rộng thị trường tại nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc vào năm 2018.

…7 phần chìm

Kinh doanh nhà hàng rõ ràng là không hề dễ dàng khi mỗi năm có không ít nhà hàng lẳng lặng “tháo bảng hiệu, đóng cửa”. Từng thành công với chuỗi nhà hàng Âu Lạc Brazil nhưng sau một thời gian dài kinh doanh, bà Nguyễn Thị Nga – chủ nhà hàng này cho biết: “Ngành kinh doanh ẩm thực phải đối mặt với rất nhiều áp lực, 10 nhà hàng mở ra thì có đến 8 nhà hàng phải đóng cửa.” Vì tình hình kinh doanh ngày càng xuống dốc nên bà Nga vừa đóng cửa 2 nhà hàng ở Quận 7 – TP.HCM và Nha Trang và hiện chỉ có 2 nhà hàng đang hoạt động.

“Bề nổi ngành kinh doanh dịch vụ ẩm thực nhìn có vẻ hấp dẫn nhưng khi đã bắt tay vào kinh doanh mới thấy vô vàn khó khăn, rủi ro. Thực tế cho thấy 10 nhà hàng mở ra thì một nửa số đó đã thất bại trong năm đầu tiên kinh doanh.” – bà Tường Vân – đồng sáng lập nhà hàng Món ăn Việt Nam chia sẻ quan điểm.

Kinh doanh nhà hàng, 3 phần nổi – 7 phần chìm

Ảnh nguồn Internet

Từng đặt mục tiêu trở thành chuỗi nhà hàng – cà phê dẫn đầu Việt Nam nhưng đến nay tham vọng của The KAfe ngày càng xa vời khi ngày càng nhiều cửa hàng của hệ thống này đã phải đóng cửa.

Trong số những thương hiệu thức ăn nhanh mà Tập đoàn Liên Thái Bình Dương nhận nhượng quyền thì đến nay mới chỉ có Illy và Dunkins Donuts hòa vốn, còn Dominos Pizza, Popeyes Chicken hay Burger King hiện vẫn còn nợ.

Tuy tạo được dấu ấn khi mới xuất hiện và từng được quỹ đầu tư định giá 2,25 triệu USD nhưng đến nay những đơn vị nhận nhượng quyền kinh doanh cơm kẹp Vietmac vẫn đang loay hoay trên thị trường. Tiêu biểu như công ty Nút áo Tôn Văn, sau 4 năm kinh doanh vẫn đang phải bù lỗ.

Theo các chuyên gia ẩm thực, cái khó nhất trong ngành kinh doanh ẩm thực hiện nay chính là yếu tố mặt bằng. Làm sao để chọn được một vị trí đẹp để tạo nên lợi thế cạnh tranh, gia tăng tính nhận diện thương hiệu luôn là điều khiến nhiều chủ nhà hàng đau đầu. Bên cạnh đó, thường thì thời gian thuê mặt bằng của các nhà hàng chỉ trung bình từ 3 – 5 năm, như vậy thì sẽ không có nhiều thời gian để kiếm lời.

Xem thêm: Kinh nghiệm mở nhà hàng và kinh doanh nhà hàng

Ms.Smile

Tags:
Kinh doanh nhà hàng, 3 phần nổi – 7 phần chìm
4.3 (013 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN