Gọi tên 5 kiểu nhân viên khách sạn thiếu trung thực trong công việc

Bạn đã làm việc tại khách sạn 3 năm nhưng mãi vẫn không được tăng lương hay thăng cấp? Bạn tự tin phục vụ tốt một lúc 5 bàn khách nhưng vẫn không được đánh giá cao năng lực tổng thể trong đợt tổng kết khen thưởng cuối năm? Bạn bất mãn và chán chường muốn “dứt áo ra đi” đến nơi nhìn nhận đúng “giá trị” của mình? Và sự thật là bạn cũng vẫn sẽ lại thắc mắc lí do vì sao mình cứ mãi giậm chân tại chỗ nếu không sớm từ bỏ những thói hư tật xấu và sự thiếu trung thực trong công việc…

kiểu nhân viên khách sạn thiếu trung thực trong công việc
Bạn có phải là một nhân viên khách sạn trung thực? (Ảnh nguồn Internet)

Trung thực quan trọng hơn thực lực!

Có thể bạn không tin nhưng lòng trung thực là thước đo quan trọng, đôi khi là cao nhất, khi đánh giá năng lực làm việc của một nhân viên ngành dịch vụ khách sạn, bên cạnh kiến thức và nghiệp vụ nghề, kỹ năng, kinh nghiệm hay hiệu suất. Trung thực là một dạng biểu hiện của thái độ và đạo đức nghề nghiệp, yếu tố thuộc về bản chất, gần như rất khó đến không thể thay đổi. Do vậy, với ngành dịch vụ nói riêng hay mọi lĩnh vực lao động khác, trung thực được đánh giá cao hơn cả thực lực. Bởi, thực lực nếu cố gắng và quyết tâm có thể tốt hơn mỗi ngày – còn thói quen, bản chất của một người không dễ bị tác động để tốt hơn trong một sớm một chiều được. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí quan trọng khi đánh giá - xếp loại năng lực và hiệu suất làm việc tổng thể của một nhân viên, làm cơ sở cân nhắc khen thưởng hay thăng cấp, thăng tiến cho cá nhân đạt chuẩn.

Những kiểu nhân viên thiếu trung thực trong công việc

Dưới đây là 5 kiểu nhân viên khách sạn điển hình nhất cho sự thiếu trung thực trong công việc:

♦ Lấy đồ dùng khách sạn làm việc riêng

Bao gồm lấy nguyên liệu, thực phẩm hay đồ uống đóng lon/ chai tuồng ra ngoài để bán - lấy khăn trải bàn, dụng cụ ăn uống (dao, muỗng, nĩa, đĩa…) để dùng - sử dụng điện thoại dùng làm việc gọi người quen… Những hành vi này làm khách sạn, nhà hàng mất đi một khoản phí không nhỏ, mất tài sản công.

♦ Lấy tiền tip bỏ túi riêng khi chưa được phép

Mỗi khách sạn - nhà hàng sẽ có quy định cụ thể về văn hóa Tip và chia Tip. Có nơi áp dụng “ai làm người đó hưởng”, tức nhân viên nào phục vụ bàn đó được tip thì nhân viên ấy có quyền nhận và sử dụng số tiền tip đó. Nơi khác thì góp vào quỹ chung rồi chia đều cho nhân viên trong ca/ bộ phận/ cả khách sạn. Cũng có nơi xung quỹ dùng vào sự kiện liên hoan định kỳ hoặc thăm ốm, giúp đỡ cá nhân trong bộ phận/ khách sạn có hoàn cảnh khó khăn hay chi trả cho các khoản bể vỡ, chi phí tổn thất (nếu có) theo quy định.

Do đó, nếu nơi bạn làm có quy định cụ thể về chuyện xử lý tiền Tip của khách thế nào, bạn biết không được phép bỏ túi riêng nhưng vẫn giấu giếm cất đi, kể cả lấy đi một phần, thì đó chính là biểu hiện của sự thiếu trung thực và tham lam.

kiểu nhân viên khách sạn thiếu trung thực trong công việc
Không ít nhân viên ém tiền Tip bỏ túi riêng

♦ Dùng thức ăn, đồ uống của khách order

Không ít nhân viên phục vụ, tiếp thực hay bếp có hành vi “dùng thử” món khách order: vì tò mò, ngon, hấp dẫn… lâu ngày thành quen tay. Một đĩa thức ăn hay ly đồ uống bị mất 1, 2 miếng nhỏ có thể sẽ không có ai biết nhưng nếu lỡ bị camera ghi lại, bị đồng nghiệp, cấp trên hay khách hàng nhìn thấy thì thật xấu hổ.

♦ Báo cáo sai sự thật với cấp trên

Bao gồm lỗi của bản thân, sai phạm của đồng nghiệp hay các sự cố khác liên quan đến khâu phục vụ khách hoặc thực hiện nhiệm vụ, “bán” dịch vụ cho khách hàng… Báo cáo sai sự thật có thể dẫn đến tiếp nhận và hiểu thông tin sai, từ đó đưa ra nhận định sai ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của cá nhân, tổ chức, tác động đến nhìn nhận và đánh giá hiệu suất công việc của cấp trên với nhân viên bị “mắc oan”.

♦ Bán giá dịch vụ cao hơn cho khách

Đó có thể là báo giá phòng, giá món ăn/ thức uống, giá dịch vụ khác không niêm yết cao hơn giá quy định cho khách. Số tiền chênh lệch sẽ được trích đút túi riêng. Đây là một trong những thủ thuật “ăn bớt” quen thuộc nhưng khó kiểm soát bởi các nhân viên liên quan liên kết với nhau để thực hiện. Việc bán giá cao hơn không chỉ không làm tăng doanh thu cho khách sạn, nhà hàng mà còn tăng nguy cơ mất khách do những nơi khác cũng phục vụ tương tự nhưng giá phù hợp hơn.

kiểu nhân viên khách sạn thiếu trung thực trong công việc
Nhân viên mỗi bộ phận sẽ có cách "ăn riêng" tiền doanh thu khách sạn (Ảnh minh họa)

 

Làm việc tốt không khó. Đủ bản lĩnh và ý thức, trách nhiệm để từ bỏ những cám dỗ không tốt, dẫn đến những hành vi tiêu cực, thiếu trung thực mới khó. Là một nhân viên yêu nghề, có tâm và chuyên nghiệp, không ai để mình trở thành phiên bản của 1 trong 5 kiểu nhân viên khách sạn trên đây.

​Ms. Smile

Tags:
Gọi tên 5 kiểu nhân viên khách sạn thiếu trung thực trong công việc
4.8 (588 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN