Cân đo lợi - hại 5 con đường trở thành nhân sự nghề khách sạn

Có bạn gửi câu hỏi về chuyên mục Hỏi - đáp của Hoteljob.vn nhờ tư vấn nên học ngành gì để trở thành nhân viên khách sạn. Thực tế, chọn học ngành gì hay thậm chí không học Đại học thì bạn vẫn có thể là 1 Hotelier. Tuy nhiên, mỗi con đường khác nhau, sẽ đi kèm những lợi - hại riêng...

 

Cân đo lợi - hại 5 con đường trở thành nhân sự nghề khách sạn

Bạn trở thành Hotelier bằng con đường nào? (Ảnh nguồn Mường Thanh Grand Nha Trang)

 

► Học Đại học - Cao đẳng chuyên ngành trong nước

Khoảng 10 năm trở lại đây, khối ngành du lịch luôn thu hút đông đảo sinh viên theo học. Nhu cầu nhân lực ngành dịch vụ du lịch cũng thúc đẩy nhiều trường Đại học - Cao đẳng mở thêm những chuyên ngành như: Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống… Việc chọn học Đại học - Cao đẳng chuyên ngành trong nước chính là “đường quốc lộ” để bạn vào làm việc tại các khách sạn. 

Trong khoảng thời gian 3 - 4 năm theo học, sinh viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức - kỹ năng chuyên môn cần thiết để sau này ra trường dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế. Và thời gian kiến tập, thực tập tốt nghiệp tại khách sạn mong muốn chính là cơ hội giúp bạn vừa học việc vừa thể hiện năng lực bản thân nhằm kiếm 1 suất nhân viên chính thức.

Dù đầu tư kha khá thời gian và tiền bạc nhưng lựa chọn con đường này còn có một cái lợi rõ ràng là sinh viên sẽ sở hữu “tấm bằng tốt nghiệp ĐH - CĐ chuyên ngành”. Ngoài yếu tố về chuyên môn - kinh nghiệm - năng lực thì bằng cấp chính là điều kiện đủ để nhân sự nghề được giao đảm nhận các vị trí từ Trưởng bộ phận trở lên trong nhiều khách sạn xếp hạng 4 - 5 sao. 

Trường nào lấy điểm chuẩn các ngành Khách sạn - Du lịch cao nhất cả nước?


► Đi du học chuyên ngành ở nước ngoài

Nếu ví học Đại học chuyên ngành trong nước chính là “quốc lộ” thì lựa chọn đi du học chuyên ngành ở nước ngoài chính là “đường cao tốc”. Mà bạn biết rồi đấy, cao tốc thì đi sẽ nhanh và thông thoáng hơn…

Hiện nay, có không ít bạn trẻ nhờ gia đình có khả năng tài chính hoặc tự săn học bổng để ra nước ngoài du học ngành Quản trị khách sạn. Với môi trường giáo dục tiên tiến - hệ thống trang thiết bị hiện đại của các quốc gia như: Thụy Sĩ, Mỹ, Úc, Singapore hay Hàn Quốc… sinh viên sẽ được phát huy tính năng động, tự giác và khả năng sáng tạo cá nhân. Một điểm cộng nữa là việc giao tiếp bằng ngôn ngữ bản địa hàng ngày cũng giúp người học nâng cao trình độ ngoại ngữ.

 

Cân đo lợi - hại 5 con đường trở thành nhân sự nghề khách sạn

Nhiều sinh viên chọn ra nước ngoài du học ngành Quản trị khách sạn

 

Nhiều trường đại học quốc tế còn tạo điều kiện cho sinh viên nước ngoài làm thêm 20 giờ/ tuần và thực tập hưởng lương lên đến 60 triệu đồng/ tháng nên bạn vừa có cơ hội thực hành nghề nghiệp vừa có tiền chi tiêu cho nhiều nhu cầu cá nhân. 

Kết thúc thời gian du học, tùy thuộc định hướng bản thân và chính sách định cư mà bạn có thể ở lại quốc gia đó làm việc hoặc về nước. Với một profile hoàn hảo từ bằng cấp quốc tế đến kinh nghiệm từng thực tập trong khách sạn lớn, nếu chọn về nước, bạn sẽ “rộng đường” ứng tuyển vào những khách sạn được quản lý bởi những tập đoàn nước ngoài như Marriott, IHG, Accor… Sở hữu nền tảng như thế, chắc chắn bạn sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến lên những vị trí quản lý cấp cao.

Du học sinh ngành Quản trị nhà hàng - khách sạn về nước nên bắt đầu từ đâu?


► Học Đại học trái ngành

Không giống như ngành Y hay Công nghệ thông tin - nếu không phải là sinh viên chuyên ngành thì khó được tuyển dụng vào làm việc. Tính ra thì nghề khách sạn “khá dễ tính” vì sinh viên ngoại ngữ, sư phạm hay thậm chí là xây dựng - cũng có thể làm nhân viên lễ tân. Với nền tảng có sẵn + một chút ngoại hình + khả năng giao tiếp tiếng Anh và tinh thần ham học hỏi, dù là sinh viên trái ngành thì vẫn có rất nhiều cánh cửa mở ra chào đón bạn đến với nghề khách sạn. 

Là dân tay ngang, cho nên bạn sẽ là người thiếu chuyên môn và yếu về kỹ năng làm nghề. Để làm tốt công việc của mình, bạn sẽ cần phải làm quen và học hỏi từ anh chị đồng nghiệp, cấp trên. Điều quan trọng là không được “giấu dốt” - hãy hỏi tất cả những điều mình không biết hay còn băn khoăn chưa biết đúng sai. Bạn nên tham gia vào những diễn đàn chuyên ngành như: Fanpage Nghề khách sạn, Group Nhà quản lý Khách sạn - Nhà hàng - Du lịch, Group Nghề khách sạn - Tâm Sự… để học hỏi thêm kinh nghiệm từ cộng đồng nhân sự nghề.

Thực tế có không ít nhà quản lý trong ngành hiện nay xuất phát điểm là dân trái ngành, nhưng nhờ sự nỗ lực và tinh thần cầu tiến, sau nhiều năm gắn bó với nghề, giờ họ đã trở thành Giám đốc F&B hay Quản lý nhà hàng cao cấp...

Danh sách cộng đồng Fanpage, Group của Hoteljob.vn nhân sự nghề khách sạn cần biết


► Học nghề ngắn hạn

Chọn học nghề ngắn hạn được xem như là “con đường tắt” hiệu quả để nhiều bạn trẻ nhanh chóng bước chân vào nghề khách sạn. Những khóa học như: nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ buồng phòng, pha chế cà phê - cocktail, kỹ thuật nấu món Âu, làm bánh… sẽ trang bị cho học viên những kiến thức và kỹ năng thực tế để sau này ra nghề là xin được việc làm ngay. 

Khác với học Đại học chuyên ngành, sinh viên có nhiều sự lựa chọn về vị trí việc làm hơn, nếu không làm Receptionist thì vẫn có thể làm sales, nhân viên bộ phận Reservation. Chọn học nghề, bạn học gì - ra sẽ làm công việc nấy. Do đó, các bạn trẻ cần phải xác định rõ là mình muốn làm công việc gì để định hướng chọn nghề học phù hợp. 

 

Cân đo lợi - hại 5 con đường trở thành nhân sự nghề khách sạn

Chọn học nghề, học viên học gì sẽ ra làm công việc nấy

 

Cái lợi dành cho người lựa chọn con đường này là không tốn quá nhiều thời gian cho việc học. Chỉ vài tháng cộng với một khoản phí nhỏ (chỉ là con số lẻ so với học phí Đại học) là bạn đã có đủ hành trang cần thiết để trở thành 1 Hotelier. Thế nhưng, con đường thăng tiến nhiều khi sẽ khó khăn hơn vì thiếu bằng cấp. Vì thế mà trong quá trình làm việc về sau, bạn cần theo học thêm các chứng chỉ quản lý liên quan để làm nền phát triển sự nghiệp.


► Tốt nghiệp cấp 2 - 3 là đi làm luôn

Vì nhiều lý do mà nhiều bạn trẻ chưa hoặc vừa tốt nghiệp cấp 3 là xin việc vào khách sạn làm ngay. Không bằng cấp - không kiến thức - không kỹ năng, chọn con đường này bạn không có nhiều lựa chọn về vị trí việc làm. Những công việc bạn làm chủ yếu sẽ mang tính chất là lao động chân tay như: nhân viên buồng phòng, nhân viên vệ sinh công cộng, nhân viên giặt là, nhân viên bảo vệ… Đi kèm với đó là mức thu thập không cao.

Phải thừa nhận rằng khi vừa tốt nghiệp cấp 2 - 3 là đi làm luôn, bạn có cơ hội được kiếm tiền sớm. Nhưng nếu không thể giao tiếp với khách nước ngoài bằng tiếng Anh hay không biết gõ máy tính 1 văn bản đúng chuẩn là như thế nào cùng với tâm lý an phận thì có lẽ cả đời này bạn chỉ làm tốt công việc mình đã gắn bó từ khi bắt đầu…


Thực tế, có nhiều con đường khác nhau bén duyên dẫn lối bạn đến với nghề khách sạn. Chẳng con đường nào đúng đắn nhất vì đôi khi việc lựa chọn còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, không phải cứ muốn là được. Chỉ mong dù hành trình theo nghề có khó khăn thế nào, một khi bạn đã chọn gắn bó thì đừng vội vàng buông bỏ…

 

Ms. Smile
 

Tags:
Cân đo lợi - hại 5 con đường trở thành nhân sự nghề khách sạn
4.2 (982 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN