MỤC LỤC
- + Lập khoản chi cho những bữa tiệc tùng không thể “trốn” trong tháng
- + Phân chia những khoản chi cần thiết hàng tháng
- + Liệt kê những thứ muốn mua, muốn sử dụng nhưng chưa thực sự cần thiết
- + Có bảng chi tiêu cụ thể
- + Tính toán số tiền hợp lý cho các khoản như quần áo, điện thoại mỗi năm
- + Thay đổi thói quen chi tiêu
- + Đặt ra mục tiêu tiết kiệm
- + Tìm việc làm thêm để tăng thu nhập
Giảm giờ làm, giảm thu nhập, nghỉ không lương là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây. Với 75% lương nhận được hàng tháng, trong khoảng chỉ hơn 3 triệu đồng, làm thế nào chi tiêu hợp lý? Tham khảo ngay Tips hay được Hoteljob.vn chia sẻ dưới đây để không phải “thắt lưng buột bụng” hà khắc.
Chi tiêu hợp lý với mức lương 3 triệu đồng – Làm sao có thể?
"Tiền khô cháy túi” là câu ca muôn thưở của không ít người có mức thu nhập trung bình. Lương vừa nhận chưa được bao lâu thì đã bốc hơi nhanh chóng. Nếu bạn muốn chi tiêu thoải mái trong khoản tiền chỉ hơn 3 triệu đồng một tháng, thậm chí có thể tiết kiệm được một khoản be bé thì nhất định phải có kế hoạch tiêu tiền thật chi tiết. Thử tham khảo kế hoạch chi tiêu của một bạn có mức lương trung bình - thấp (khoảng 6 triệu đồng/ tháng theo thỏa thuận nhưng bị giảm còn 3,8 triệu đồng/ tháng mùa dịch) để xem có thể áp dụng cho bản thân không nhé…
+ Lập khoản chi cho những bữa tiệc tùng không thể “trốn” trong tháng
Nhiều người hay than “cháy túi” vì tháng đó có quá nhiều khoản phát sinh phải chi, trong khi lại không thể từ chối tham dự. Tiệc cưới, sinh nhật, đầy tháng, họp nhóm, đi chơi cùng bạn bè, đồng nghiệp… là những bữa tiệc “xã giao” nhất định phải chi. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể biết trước ngày, giờ cụ thể để lên kế hoạch. Và nó diễn ra không thường xuyên, tùy theo tháng. Do đó, kinh nghiệm cho bạn là liệt kê những sự kiện sẽ tham gia trong tháng đó và chi phí tương ứng phải chi là bao nhiêu. Chẳng hạn, tháng này sẽ dự bao nhiêu đám cưới, có ai có con sẽ đầy tháng không, có hẹn họp nhóm với những ai… Tính trước các khoản chi phí rồi chia nhỏ mức lương nhận được sẽ giúp bạn không cảm thấy bị hụt tiền quá nhiều, đồng thời, cân đối lại những khoản chi khác cho hợp lý.
+ Phân chia những khoản chi cần thiết hàng tháng
Những khoản chi cần thiết như tiền nhà, tiền ăn, xăng xe… Bạn tính chi tiết từng khoản hết bao nhiêu tiền trong một tháng. Ví dụ như tiền ăn, nên tính trung bình mỗi ngày mình sẽ phải chi ra bao nhiêu tiền để vừa bảo đảm đủ dinh dưỡng, vừa đổi món không nhàm chán lại phù hợp với thu nhập của mình. Đã gọi là những khoản cần thiết thì bạn nhất định phải trích ra số tiền đủ để chi tiêu cho những khoản này. Cộng những khoản này và những khoản tiệc tùng không thể tránh khỏi bạn sẽ biết thàng này bạn cần phải xuất ra ít nhất bao nhiêu tiền.
+ Liệt kê những thứ muốn mua, muốn sử dụng nhưng chưa thực sự cần thiết
Liệt kê ra những thứ bạn muốn mua trong tháng này nhưng không nhất thiết phải mua, chẳng hạn như đổi điện thoại, gắn điều hòa, lắp máy giặt, mua mới váy áo... Bên cạnh đó là số tiền cụ thể cho từng mục. Cộng tổng số tiền lại bạn sẽ thấy nếu mua hết những thứ đó trong một lần thì phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ, trong khi thu nhập lại không quá cao.
Một cách khác, nếu bạn muốn mua một món đồ nào đó, hãy cố gắng lùi ngày mua lại thêm vài ba ngày. Lùi càng lâu càng tốt. Khi đó hứng thú mua sắm trong bạn dần giảm xuống, có thể bạn sẽ thấy không thích món đồ đó nữa và từ bỏ ý định mua nó.
+ Có bảng chi tiêu cụ thể
Hãy học cách làm kế toán cho riêng mình. Lập ra một bảng chi tiêu cụ thể. Những khoản đã chi ra mỗi ngày, mỗi tháng là bao nhiêu; tổng tiền đã tiêu trong ngày, trong tháng là bao nhiêu... Điều này nhắc nhở bạn rằng tháng này bạn đã bỏ ra số tiền không nhỏ rồi, hãy kiềm chế bớt các khoản khác đi. Tâm lý tiếc tiền sẽ làm cho bạn suy nghĩ lại mỗi khi định chi tiêu những khoản không cần thiết.
+ Tính toán số tiền hợp lý cho các khoản như quần áo, điện thoại mỗi năm
Quần áo, điện thoại và các đồ dùng khác khó có thể liệt kê theo tháng, vì có tháng ít, tháng nhiều. Tuy nhiên, cũng nên kiểm soát khoản chi này, tránh tiêu xài hoang phí, nhất là các bạn nữ thích chăm chút cho bản thân.
Hãy “lường” mức thu nhập của mình, từ đó, tự quy định mỗi năm nên bỏ ra bao nhiêu tiền để mua sắm những vật dụng này. Có thể lập một bảng riêng cho những khoản như quần áo, mỹ phẩm, giày dép… Bạn chắc chắn sẽ sốc khi thấy số tiền khổng lồ mà mình đã hoặc sẽ bỏ ra đấy.
+ Thay đổi thói quen chi tiêu
Một trong những cách hữu hiệu để tiết kiệm kha khá chi tiêu là thay đổi thói quen chi tiền cho các khoản không cần thiết nhưng không thể cắt giảm. Chẳng hạn như: thuê nhà nhỏ hơn; chia sẻ phòng ở; nấu ăn tại nhà thay vì ra quán; không hoặc hạn chế dùng cáp truyền hình, wifi (nếu được)…
+ Đặt ra mục tiêu tiết kiệm
Bạn cần phải có mục tiêu tiết kiệm cụ thể mới có thể tiết kiệm được tiền. Dựa vào thu nhập và các khoản chi tiêu cố định đã liệt kê, hãy dành ra một khoản nhỏ để tích lũy.
Hàng tháng khi nhận lương bạn nên chuyển hẳn số tiền này vào tài khoản ngân hàng hoặc gửi về cho bố mẹ giữ. Có một khoản tiết kiệm hàng tháng, dù nhỏ, sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin và yên tâm hơn rất nhiều - dần dần hình thành tâm lý và thói quen muốn tiết kiệm, thay vì chi hàng triệu đồng để mua sắm hay tiệc tùng vô bổ. Còn nếu bạn chỉ nói suông “muốn tiết kiệm” mà không có mục tiêu và hành động cụ thể thì khó thành công lắm nhé!
Một ý hay nữa, hãy nuôi một “chú heo” nhỏ và vỗ béo nó càng nhiều càng tốt. Tiền nuôi heo có thể là khoản tiết kiệm mặc định hàng tháng hoặc tiền dư ra từ những khoản chi tiêu cố định đã liệt kê trên đây. 10.000 - 50.000 - 100.000… tích tiểu thành đại; bạn chắc chắn sẽ bất ngờ với số tiền mình tiết kiệm được. Điều đặc biệt là, đây sẽ là “của để dành” có thể dùng khi đau ốm hay muốn tự thưởng cho bản thân một chiếc váy mới, sắm giày hay lên đời điện thoại mà không sợ tháng này cháy túi hay siết chi tiêu.
+ Tìm việc làm thêm để tăng thu nhập
Nếu mức lương hiện tại không đủ để bạn chi tiêu thoải mái và có dư – hãy suy nghĩ đến chuyện tìm việc làm thêm vào lúc nhàn rỗi để tăng thu nhập. Bán hàng online, shipper, chạy xe công nghệ, gia sư, giúp việc nhà, phục vụ quán cà phê, nhà hàng, bảo vệ khách sạn… rất nhiều các công việc part-time có thể tham khảo và bạn sẽ có thêm một khoản không hề nhỏ để chi tiêu và tiết kiệm.
Bạn cần tìm việc làm với thu nhập tương xứng, nhanh tay truy cập Hoteljob.vn để tham khảo hàng nghìn việc làm khách sạn - nhà hàng trên cả nước.
Một lời khuyên chân thành cho bạn là không bao giờ tiêu trước khoản tiền mà bạn nghĩ là sẽ có, mà chỉ tiêu những khoản bạn đã cầm chắc trong tay. Nếu không biết cân đối chi tiêu, bạn chắc chắn sẽ rất mệt mỏi vì chuyện tiền bạc cho dù thu nhập có cao bao nhiêu đi nữa. Ngược lại, khi biết sắp xếp và lên kế hoạch chi tiết cho các khoản chi ra sẽ giúp bạn nhẹ đầu dù mức lương mỗi tháng chỉ ở mức trung bình.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên