7 Bước sơ cứu đúng cách người bị co giật [Series xử lý tình huống khẩn cấp]

Nhiều bạn thường cảm thấy hoảng sợ - bối rối không biết xử trí như thế nào khi bỗng nhiên thấy có người ngã khuỵu và lên cơn co giật. Hoteljob.vn sẽ giúp nhân sự nghề khách sạn trang bị những kiến thức sơ cứu đúng cách khi gặp phải tình huống này.

hướng dẫn sơ cứu người bị co giật
Nên sơ cứu như thế nào khi gặp người lên cơn co giật?

►Bình tĩnh và xử lý chuẩn 

Bình tĩnh tiếp nhận để lựa chọn hướng xử lý phù hợp nhất là yêu cầu cơ bản của một Hotelier chuyên nghiệp. Tình huống khẩn cấp liên quan đến sức khỏe và tính mạng khách hàng như co giật vì động kinh, sốt cao là ví dụ. Bạn sẽ không thể nào hỗ trợ, giúp đỡ khách nếu cứ cuống quýt và run cầm cập, tệ hơn là không biết phải làm gì do chưa được đào tạo, hay dù biết nhưng quá lo sợ dẫn đến khó thao tác... 

►Hướng dẫn sơ cứu khi gặp người lên cơn co giật - động kinh

- Trong KS-NH, có thể gặp người bị co giật khi nào?

• Khách tham dự hội nghị - hội thảo, team-building

• Khách đang dự tiệc, dùng bữa tại nhà hàng

• Khách lưu trú trong phòng

• Nhân viên khách sạn - nhà hàng đang làm việc...

- Dấu hiệu nhận biết người lên cơn co giật do động kinh

Biểu hiện đặc trưng của người bị co giật do động kinh là người co cứng, co giật chân tay hoặc toàn thân, không làm chủ được ý thức. Trong y học, động kinh  được chia làm 2 dạng:

+ Động kinh toàn thể

Thông thường cơn động kinh sẽ xuất hiện đột ngột, người bệnh sẽ kêu lên một tiếng, ngã lăn ra và mất ý thức hoàn toàn. Rồi trải qua 3 giai đoạn:

• Giai đoạn co cứng (kéo dài khoảng 1 phút): hai tay co, hai chân duỗi - co cứng các cơ tứ chi - cơ ở thân - cơ ngực...

• Giai đoạn co giật cơ (kéo dài khoảng 1 vài phút): mắt trợn trừng, nhấp nháy, giật cơ theo nhịp, miệng sùi bọt có lẫn máu

• Giai đoạn hôn mê, lú lẫn: sau cơn co giật - người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, thở dốc, đái dầm

+ Động kinh cục bộ

Xuất hiện các cơn co giật ở 1 phần của mặt hoặc tứ chi. Các biểu hiện của động kinh cục bộ có thể là dấu hiệu cảnh báo cho sự xuất hiện của cơn động kinh toàn thể.

hướng dẫn sơ cứu người bị co giật
Co giật chân tay là biểu hiện thường thấy của bệnh động kinh

- Những lưu ý cần biết khi sơ cứu người bị co giật

Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Trần Nam - Bệnh viện Nhi đồng Tp. HCM, khi sơ cứu người bị co giật do động kinh cần lưu ý:

• Không được di chuyển người đang bị co giật

• Không đè lên người bệnh - can thiệp giữ chân tay để dừng cơn co giật - sẽ khiến gây chấn thương cho cơ hoặc khung xương

• Tuyệt đối không dùng tay - vật cứng như muỗng, đũa hoặc vắt chanh, đổ nước vào miệng người đang bị co giật - gây nguy cơ hít sặc, gãy răng, tổn thương niêm mạc miệng

- Các bước sơ cứu người bị động kinh đúng cách

Cơn co giật động kinh sẽ tự hết sau vài phút - cho nên khi tiến hành sơ cứu người bị động kinh toàn thể cần bình tĩnh thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Yêu cầu mọi người xung quanh lùi ra xa, kéo bàn ghế (nếu có) ra cho thông thoáng

Bước 2: Loại bỏ các vật sắc, nhọn ra xa người đang co giật vì khi mất ý thức, họ có thể gây tổn thương cho mình hoặc những người xung quanh

Bước 3: Tính thời gian bắt đầu co giật

Bước 4: Dùng gối, khăn, áo (vật mềm)... kê dưới đầu người co giật để tránh gây chấn thương đầu

• Bước 5: Nới lỏng quần áo, thắt lưng, khăn quàng cổ… để không gây nghẹt thở

Bước 6: Xoay người co giật nằm nghiêng sang bên trái để tránh nước bọt hoặc dịch nôn gây tắc nghẽn đường thở, đặt chân phải cao lên - tạo thành góc vuông ở đầu gối

Bước 7: Theo dõi và đánh giá tình hình của người bị co giật

Thường thì sau 2 - 4 phút, cơn co giật sẽ hết. Trường hợp đã hết co giật nhưng người bệnh vẫn chưa tỉnh táo trở lại, có biểu hiện khó thở hay lên một cơn động kinh khác thì cần nhanh chóng gọi cấp cứu đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

hướng dẫn sơ cứu người bị co giật

 

Xem thêm video hướng dẫn sơ cứu người bị co giật động kinh:


►Hướng dẫn sơ cứu trẻ bị co giật do sốt cao

Trường hợp khách lưu trú có con nhỏ bị co giật do sốt cao cũng hoàn toàn có thể xảy ra, cho nên nhân viên khách sạn cần nắm kiến thức sơ cứu để tư vấn cho khách khi cần thiết.

- Dấu hiệu nhận biết sốt co giật

• Sốt cao trên 39 độ C

• Tay - chân gồng cứng, sau đó bắt đầu co giật

• Giảm/ mất ý thức, sùi bọt mép

• 2 mắt nhìn ngước

- Phân biệt 2 thể co giật do sốt cao ở trẻ

+ Co giật thể đơn giản:

• Trẻ có biểu hiện co giật toàn thân, thời gian co giật dưới 5 phút - tự hết

• Không có biểu hiện rối loạn tri giác hay thần kinh sau cơn co giật

• Có tiền sử co giật do sốt

+ Co giật thể phức tạp:

• Chỉ co giật một vùng nào đó trên cơ thể, thời gian kéo dài hơn 15 phút

• Xuất hiện 2 cơn co giật trở lên trong vòng 24 giờ

• Có biểu hiện liệt chi hoặc rối loạn tri giác sau co giật

hướng dẫn sơ cứu người bị co giật
Theo thống kê, hiện có khoảng 1/3 trẻ co giật do sốt thuộc thể phức tạp

- Các bước sơ cứu trẻ bị sốt co giật

Bước 1: Cho trẻ nằm xuống giường/ nơi bằng phẳng - thoáng mát; tránh vật cứng, sắc nhọn xung quanh

Bước 2: Cho trẻ nằm nghiêng sang bên để tránh chất nôn đi vào đường hô hấp

Bước 3: Nới lỏng hoặc cởi bỏ bớt áo quần

Bước 4: Dùng khăn mềm sạch nhúng vào nước ấm - vắt ráo và lau người trẻ, đặc biệt vùng nách, bẹn. Lau đi lau lại cho đến khi hết cơn co giật.

Bước 5: Vì trẻ đang co giật, không thể uống thuốc vì rất dễ gây sặc - Nên cần đặt viên hạ sốt vào hậu môn của trẻ, liều lượng Paracetamol là 10-15mg/kg cân nặng

Bước 6: Khi trẻ hết co giật, cho trẻ nằm nghiêng - hơi ngửa đầu ra sau

Bước 7: Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu để phòng cơn co giật tái phát


Mong rằng những kiến thức sơ cứu căn bản này sẽ giúp nhân viên khách sạn biết cách ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra trong hoạt động phục vụ khách hàng ngày. Bạn nhớ đọc kỹ và ghi chú lại để áp dụng khi cần thiết nhé!

Ms. Smile

(Tham khảo nguồn Vinmec.com/ VnExpress)

Bài viết hữu ích: 5 Bước sơ cứu đúng cách và an toàn khi khách bị chảy máu cam 

7 Bước sơ cứu đúng cách người bị co giật [Series xử lý tình huống khẩn cấp]
4.0 (870 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN