6 làng ở Hà Nội, nghe tên là thấy Tết

Làng bánh chưng Tranh Khúc, làng đào Nhật Tân, làng quất Quảng Bá, làng miến Cự Đà... là những làng ở Hội Nội khi nhắc đến tên đã thấy không khí Tết.

Làng bánh chưng Tranh Khúc – Thanh Trì, Hà Nội (Ảnh nguồn Internet)

Đến thăm làng bánh chưng Tranh Khúc vào dịp cận Tết như thế này, không khó để bắt gặp hình ảnh cả làng ai cũng chộn rộn, người lớn thì gói bánh, nấu bánh, trẻ con thì phụ giúp lau lá dong. Khắp đầu trên xóm dưới nhà nào lửa cũng bập bùng. Từ đây, bánh chưng được đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh phía Bắc. Sự dẻo thơm của loại gạo nếp cái hoa vàng, kết hợp với đỗ xanh bùi bùi, thịt heo nửa nạc nửa mỡ tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng cho bánh chưng Tranh Khúc.

Làng đào Nhật Tân – Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh nguồn Internet)

Làng đào Nhật Tân được biết đến là một vựa hoa lớn nhất miền Bắc mỗi độ xuân về. Những cành bích đào với nụ to, cánh dày, bông đỏ thắm được xem là loại hoa đẹp nhất của làng đào. Dưới bàn tay khéo léo của người trồng đào, nhiều cành đào có hình dáng rất đẹp mắt. Dịp gần tết như thế này, làng đào lại tấp nập chị em phụ nữ mặc áo dài đến để chụp ảnh.

Làng quất Quảng Bá – Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh nguồn Internet)

Làng quất Quảng Bá cũng vô cùng nhộn nhịp mỗi độ Tết về. Người dân Hà thành đều đổ về đây để chọn cho mình những cây quất ưng ý nhất để chưng tết. Những cây quất sai trĩu quả, cành lá xum xuê với đủ mọi kích cỡ, hình dáng đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân.

Làng bưởi Phú Diễn – Bắc Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh nguồn Internet)

Làng bưởi Phú Diễn hay còn gọi là bưởi Diễn được xem là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả của người Hà Nội. Bưởi Diễn được ưa chuộng bởi sắc vàng ươm, múi mọng nước, vị ngọt thanh cùng với hương thơm đặc trưng. Bưởi Diễn có thể để được từ 3 – 6 tháng, chỉ cần bôi chút vôi vào cuống bưởi. Vì những điều này mà bưởi Diễn rất được săn đón vào mỗi dịp tết, tuy nhiên diện tích trồng bưởi ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa nên không dễ mua được đặc sản này.

Làng hương Yên Phụ - Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh nguồn Internet)

Tết về không chỉ là những cành đào tươi thắm, những cành quất trĩu quả mà còn là mùi thơm thoang thoảng của những nén hương thắp cho ông bà tổ tiên. Nơi cung cấp hương chủ yếu cho người dân Hà Nội chính là làng hương Yên Phụ. Nghề truyền thống này của làng Yên Phụ đã có tuổi đời gần 800 năm. Những tháng giáp tết, hình ảnh cánh đồng hương Yên Phụ trải dài tạo cảm giác vô cùng vui mắt.

Làng miến Cự Đà – Thanh Oai, Hà Nội (Ảnh nguồn Internet)

Trong mâm cỗ tết truyền thống của người Hà Nội không thể thiếu bát canh miến. Làng miến Cự Đà được ưa chuộng bởi sợi miếng ngon, giòn, dai và không bị bở nếu chị em lỡ có nấu quá lửa. Làng Cự Đà là một trong những làng truyền thống sản xuất miến lâu đời nhất và lớn nhất ở miền Bắc. Những sản phẩm miến của làng cũng được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh phía Nam.

Ms.Smile

6 làng ở Hà Nội, nghe tên là thấy Tết
4.4 (944 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN