5 thói quen xấu của nhân viên phục vụ nhà hàng

Nếu lễ tân là "bộ mặt" của khách sạn thì nhân viên phục vụ là "linh hồn", "trái tim" của nhà hàng - người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với thực khách, cùng với chất lượng món ăn quyết định sự hài lòng của họ với chất lượng dịch vụ của nhà hàng. Tuy nhiên, sẽ thật mất điểm nếu nhân viên phục vụ tỏ ra thiếu chuyên nghiệp khi hành động theo 1 trong 5 hoặc cả 5 thói quen được Hoteljob.vn gọi tên sau đây...

5 thói quen xấu của nhân viên phục vụ nhà hàng

#1. Ngoáy mũi

Ngoáy mũi trước đám đông đã là hành động biểu hiện sự thiếu lịch sự, mất vệ sinh - ngoáy mũi trong môi trường dịch vụ nhà hàng lại càng mất điểm hơn gấp bội. Sẽ thế nào nếu khách hàng nhìn thấy bạn một tay vô tư ngoáy mũi xong nhiệt tình dùng chính tay đó bưng bê đồ ăn lên phục vụ họ? Chắc chắn đây sẽ là lần sau cùng họ đến đây. Vì dù món ăn có ngon và hợp khẩu vị đến đâu thì trong suy nghĩ của họ đã cảm giác mất vệ sinh - miệng mất ngon, thậm chí không dám ăn. Đó là chưa kể hành động ngoáy mũi thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong phục vụ của nhân viên, thiếu sự tôn trọng khách và tôn trọng nội quy nhà hàng. Không dễ để nhà hàng bạn tạo niềm tin và sự hài lòng cho thực khách, vì vậy, tuyệt đối không gây chuyện bằng những hành động vô ý thức như vậy nhé!

thói quen xấu của nhân viên phục vụ nhà hàng
Khách hàng sẽ cảm thấy mất vệ sinh và không dám ăn khi bạn ngoáy mũi và phục vụ trước mắt họ

#2. Gãi đầu

Bạn có thể trông thật đáng yêu khi gãi đầu, vút tóc trước người yêu, bạn thân hay bất kỳ người nào khác trong giao tiếp thường ngày. Với môi trường dịch vụ, hành động này được xem là "lợi bất cập hại". Khách hàng sẽ cảm thấy bạn thiếu đi sự tự tin và không chuyên nghiệp trong giao tiếp. Trường hợp gãi đầu với lực mạnh và liên tục có thể khiến khách liên tưởng đến việc vệ sinh cá nhân của nhân viên đó không sạch sẽ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất vệ sinh cho món ăn của khách khi phục vụ.

#3. Ngáp ngủ

Vì tối qua làm ca đêm đến tận khuya trong khi nay lại làm ca sáng, thức khuya xem phim hay bận nhắn tin với người yêu... đều là những nguyên nhân khiến bạn ngáp ngắn ngáp dài khi làm việc. Ngáp ngủ là phản ứng tự nhiên của con người báo hiệu cơ thể đang mệt mỏi. Tuy nhiên, với nhân viên phục vụ, bạn tuyệt đối không được hành xử thiếu chuyên nghiệp như vậy trước mặt khách hàng. Nhiều người sẽ nghĩ bạn kém duyên, thậm chí không tôn trọng khách hàng - chưa kể, hình ảnh mắt nhắm nghiền, miệng mở to hết cỡ còn khiến bạn không mấy đẹp (nếu không muốn nói là xấu) trong mắt người nhìn.

#4. Dựa tường

Nhiều người có thói quen dựa/ tì vào bất cứ thứ gì có điểm tựa. Điều này vô tình được lặp lại trong công việc, khi nhà hàng vắng khách, khách đang ăn hay vô thức dựa bất cứ lúc nào có thể. Tuy nhiên, yêu cầu công việc không cho phép bạn dựa tường, tạo dáng như kiểu người mẫu. Một nhân viên phục vụ chuyên nghiệp luôn ý thức tác phong làm việc sao cho chuyên nghiệp nhất. Nếu cảm thấy cơ thể không được khỏe, hãy trình bày với Tổ trưởng ca (Captain) - Giám sát (Supervisor) hay Quản lý để được vào trong nghỉ ngơi vài phút - đảm bảo luôn phục vụ khách với tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt, thái độ nhiệt tình, niềm nở và luôn tập trung cao độ... 

thói quen xấu của nhân viên phục vụ nhà hàng
Cơ thể mệt mỏi có thể khiến chất lượng công việc của nhân viên phục vụ bị giảm suất...

#5. Buôn chuyện

Cảnh tượng từng nhóm nhân viên tụm năm tụm bảy say sưa bàn luận về một vấn đề nào đó trước giờ nhà hàng đón khách đã không còn xa lạ. Dù là thời điểm nhà hàng chưa mở cửa nhưng hành động này của nhân viên phục vụ có thể vô tình lọt vào mắt của Quản lý hay một vị khách nào đó đi ngang qua. Xấu xí nhỉ. Chưa kể, nếu trong quá trình phục vụ, cũng chừng đó nhân viên buôn chuyện với nhau, khách có thể nghĩ ""chúng" đang nói xấu mình, chê mình xấu, mình mập hay thậm chí mình dơ..." - mà điều này lại không hề tốt cho việc viết đánh giá về chất lượng dịch vụ của nhà hàng sau khi dùng bữa. 

Ngoài ra, tồn tại không ít những thói quen xấu khác khiến nhân viên phục vụ bị "mất điểm" như: ăn vụng, ăn trộm đồ của nhà hàng, sử dụng điện thoại trong giờ làm việc, cãi nhau với cấp trên - đồng nghiệp - khách... 

Tham khảo thêm các kiểu nhân viên phục vụ thiếu chuyên nghiệp trong nhà hàng: Tại đây!

Đâu là tác phong chuyên nghiệp của nhân viên phục vụ nhà hàng?

Một nhân viên phục vụ nhà hàng chuyên nghiệp sẽ:

  • Ăn mặc lịch sự, gọn gàng, tuân thủ đúng quy định đồng phục của nhà hàng
  • Trang điểm nhẹ, nữ buộc/ búi tóc cao, gọn gàng, nam cắt ngắn, không sứt dầu thơm nặng mùi, nhuộm màu tóc quá nổi
  • Không mang trang sức giá trị, rườm rà 
  • Luôn tươi cười, niềm nở với khách
  • Không đùa giỡn hay nói chuyện thiếu lịch sự trước mặt khách
  • Chủ động chào và hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho khách
  • Phục vụ đúng tiêu chuẩn nghề và quy định của nhà hàng, phục vụ khách hàng từ tâm
  • Thao tác nhẹ nhàng nhưng linh hoạt, nhanh nhẹn
  • Luôn tôn trọng khách hàng, cấp trên và đồng nghiệp, cư xử đúng mực
  • Nhạy bén trong tiếp nhận và xử lý các vấn đề phát sinh, phàn nàn của khách; có khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng
  • Biết kiềm chế cảm xúc của bản thân, bình tĩnh trong giao tiếp và phục vụ khách hàng; tuyệt đối không được cãi tay đôi hay có hành vi đánh, hành hung khách
  • Có trách nhiệm trong công việc, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc được giao, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp khi cần
  • ...
thói quen xấu của nhân viên phục vụ nhà hàng
Tám chuyện trong lúc nhà hàng chưa có khách cũng là thói quen xấu của nhân viên phục vụ

Sự thật là những thói quen xấu khiến nhân viên phục vụ không chỉ mất điểm trong mắt khách hàng mà còn bị cấp trên đánh giá không cao về tính chuyên nghiệp trong công việc, thái độ phục vụ không tốt...- làm cơ sở đánh giá và xếp loại nhân viên cuối tháng/ quý/ năm, cân nhắc kỷ luật, trừ lương, thậm chí sa thải, đuổi việc... Một nhân viên phục vụ "được việc" và được lòng nhiều người là nhân viên phục vụ khách bằng tâm, có trách nhiệm trong công việc, tác phong làm việc nhanh nhẹn, chuyên nghiệp và sẵn sàng tiếp thu những góp ý, nhận xét của đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng để sửa đổi và hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Ý thức loại bỏ những thói quen xấu trên đây cũng là tiền đề cho ứng viên tìm việc nhân viên phục vụ đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong tương lai.

Ms. Smile

Tags:
5 thói quen xấu của nhân viên phục vụ nhà hàng
4.9 (879 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN