2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

Người tiêu cực nhất có lẽ cũng chưa từng mường tượng đến viễn cảnh nhiều sân bay vắng hoe, hãng lữ hành bị hủy tour hàng loạt và không ít khách sạn than ế ẩm. Sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 quả thật chẳng thể đùa. Tuy nhiên, bên cạnh mảng tối đó - vẫn có những vùng sáng để chúng ta nhắn nhủ nhau rằng: Không nên quá bi quan…

► Hàng loạt khách sạn đóng cửa vì không có khách

Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh, kéo theo hàng loạt công ty lữ hành, khách sạn rơi vào tình cảnh ảm đạm. Nhiều khách sạn treo thông báo giảm giá 50% - 60% tiền phòng, chỉ hoạt động cầm chừng.

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

Nhiều khách sạn thông báo giảm đến 50 - 60% giá phòng

 

Bên cạnh đó, hàng loạt khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động vì thu không đủ bù chi, không thể tiếp tục “gồng gánh” thêm khoản chi phí duy trì. Đáng kể nhất là câu chuyện của bà Hằng - Giám đốc một chuỗi khách sạn lớn ở Hà Nội đã phải đóng cửa nhiều cơ sở, cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc 4 tháng. Dù không hoạt động nhưng chủ khách sạn vẫn phải tìm kiếm các nguồn lực để bù đắp chi phí cố định, trả lương ngừng việc cho đội ngũ nhân viên chính thức.

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

Hàng loạt khách sạn buộc phải tạm đóng cửa vì không có khách

 

Tại Đà Nẵng, tình cảnh cũng tương tự. Do ít khách đặt phòng nên nhiều cơ sở lưu trú phải cắt giảm lượng ngày công làm việc của nhân viên, có nơi giờ chỉ còn 3 công/ tuần. Anh Mẫn Văn Chung - Quản lý khách sạn Rosamia Đà Nẵng cho biết: “Khách sạn chúng tôi chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19. Bắt đầu từ tháng 1/2020 đã có một chút ảnh hưởng, sang tháng 2, sự ảnh hưởng rõ rệt hơn và đến tháng 3 là tận cùng của sự ảnh hưởng khi công suất chỉ đạt 10%.”

“Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, nhiều khả năng khách sạn sẽ tạm ngưng hoạt động vì giờ tất cả các nguồn khách đều tạm đóng cửa. Giải pháp mà khách sạn đang triển khai hiện giờ là củng cố lại bộ máy hoạt động sao cho phù hợp với tình hình cụ thể và tái cơ cấu kế hoạch để chuẩn bị cho hậu Covid-19”.

Hệ quả trên cũng là điều dễ hiểu khi theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong khoảng thời gian từ 21/1 - 20/2, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 1,24 triệu lượt. So với tháng trước khi dịch bệnh bùng phát, lượng khách đã giảm gần 40%. Các thị trường khách đặc biệt giảm sâu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… do lo ngại dịch bệnh lây lan. Dự tính, trong 3 tháng tới, ngành du lịch Việt Nam có khả năng thiệt hại 7 tỷ USD vì dịch Corona.

Lượng khách quốc tế suy giảm, ngành du lịch thất thu, khách sạn chuyên đón khách Đông Bắc Á ế ẩm, nhân viên khách sạn buộc phải nghỉ việc không lương… - “sương sương” vài mô tả đó phần nào đã vẽ nên mảng tối ngành khách sạn Việt Nam thời điểm hiện tại.

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

Trong bối cảnh lượng khách quốc tế liên tục xác lập kỷ lục mới, khó có ai nghĩ rằng ngành khách sạn sẽ rơi vào tình cảnh như hiện nay


► Nhưng vẫn còn đó... những tín hiệu tích cực

Dù lượng khách châu Á giảm mạnh nhưng số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 2/2020 - khách quốc tế từ châu Âu tăng 6,1%, từ châu Phi tăng 11,6%. Do đó mà các điểm đến chuyên thị trường khách Âu vẫn tấp nập.

- Mỗi tháng, 36.000 khách Nga đến Nha Trang - Khánh Hòa

Dịch Covid-19 đang lây lan, thế nhưng lượng khách Nga chọn Nha Trang (Khánh Hòa) đi du lịch vẫn ổn định. Mỗi ngày sân bay Cam Ranh đón 3 - 5 chuyến bay chở khách Nga với số lượng 300 - 350 khách/ chuyến. Điều đó chứng tỏ miền biển nắng ấm Nha Trang đang rất được lòng thị trường khách từ xứ sở bạch dương.

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

Hàng ngày sân bay Cam Ranh đón hàng nghìn khách du lịch Nga

 

Đại diện đơn vị chuyên đưa khách Nga sang Việt Nam cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, mỗi tháng đơn vị này vẫn đưa hơn 36.000 khách Nga đến Khánh Hòa. Tháng 2 là cao điểm dịch nhưng vẫn đạt trên 34.400 khách. Và tháng 3/2020, số khách đăng ký bay sang Việt Nam đã tăng mạnh với 37.253 lượt. Theo đó sẽ cần hơn 6.000 phòng/ ngày để phục vụ những đoàn khách này.

Đây chủ yếu là chuyến bay charter (thuê bao cả chuyến) bay thẳng từ Nga theo diện đi du lịch 2 tuần. Ngoài ra, việc nhiều hãng hàng không quốc tế và trong nước mở đường bay thẳng từ các thành phố của Nga đến sân bay Cam Ranh giúp rút ngắn thời gian di chuyển nên càng hấp dẫn khách muốn đi du lịch hơn. 

Khảo sát của Sở Du lịch Khánh Hòa cho thấy, khách Nga có mức chi tiêu cao với 1.500 USD/ người, tương đương với 110 USD/ ngày/ khách. Điều này góp phần hạn chế những khó khăn cho ngành du lịch tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh.

- Hội An nhộn nhịp khách Âu

Vừa có phố cổ kính, vừa có biển đẹp - nắng vàng, Hội An chưa bao giờ mất đi vẻ đẹp trong mắt khách quốc tế. Thời gian này, khi khách Trung Quốc - Hàn Quốc dần vắng bóng thì đây là dịp để khách Tây tận hưởng bầu không khí yên bình của phố cổ Hội An. Với tâm lý không quá lo sợ trước dịch bệnh nên phần đông khách Âu - Mỹ tới Hội An vẫn đi theo kế hoạch từ trước.

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

Khách Âu cảm thấy thoải mái hơn khi Hội An không quá đông khách Trung - Hàn

 

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

Khách Tây thích thú thăm quan rừng dừa Bảy Mẫu - Hội An

 

Tại khu vực biển An Bàng - Tân Thành, dịch bệnh dường như không ảnh hưởng nhiều khi đều đặn 2 buổi sáng - chiều, khách Âu vẫn ra biển tắm và nằm tắm nắng, đọc sách. 

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

 

Theo thông tin từ đại diện Phòng văn hóa thông tin TP. Hội An, bình quân mỗi đêm thành phố có trên 10.000 khách lưu trú. Trong đó hơn 90% khách quốc tế và chủ yếu là khách đến từ châu Âu. Công suất sử dụng phòng ước tính đạt gần 50%.

Thêm vào đó, sau khi các đường bay thẳng Hà Nội, Tp.HCM - New Delhi được đưa vào khai thác, du khách Ấn Độ cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở Hội An.

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

Khách Ấn Độ tham gia đua thuyền thúng

 

- Phú Quốc vẫn “ấm áp”

Vì Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, cộng với thời tiết rất đẹp - nắng ấm và gió biển thoáng đãng nên du khách vẫn đổ về Phú Quốc rất đông. “Ngày đầu tiên đến Phú Quốc không khí khá nhộn nhịp. Chợ đêm đông người, nhà hàng chật kín, cả khách nước ngoài và khách Việt đều rất nhiều.” - chị Phạm Hòa, một du khách từ Hà Nội cho hay.

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

Khách ăn sáng đông đúc trong một khách sạn ở Phú Quốc

 

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

Nhiệt độ Phú Quốc thời gian này dao động từ 26 - 31 độ C khiến đa phần du khách cảm thấy yên tâm khi chọn làm điểm nghỉ dưỡng

 

Đây chính là những mảng màu tươi sáng trong bức tranh thực trạng ngành khách sạn Việt Nam hiện giờ. Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt được dự báo khởi sắc hơn khi khách Business sẽ sớm quay lại theo kế hoạch kinh doanh. Với nhân sự ngành chưa có việc làm, có thể ứng tuyển vào các khách sạn đang chuẩn bị khai trương. Nếu bạn ở vùng không có nhu cầu tuyển dụng cao thì nên chịu khó đi xa hơn để tìm cho mình một việc làm tốt:

[Hà Nội] Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake, L’Eglise Hanoi Hotel & Spa

[Quảng Ninh] Ramada by Wyndham Ha Long Bay View, khách sạn Valentine Hạ Long, Innside by Melia Halong Bay

[Quảng Nam] X2 Hoi An, TUI BLUE Nam Hoi An, Blush Beach, Hoi An Memories By Fusion

[Quy Nhơn] MAIA Quy Nhơn, Pullman Quy Nhơn, Fleur De Lys Hotel Quy Nhon

[Phú Quốc] Movenpick Resort Waverly Phu Quoc, Sun Premier Village Khem Beach Resort Phu Quoc


► Ngành du lịch Việt ráo riết tìm giải pháp “thắp sáng vùng tối”

Để hạn chế sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện Tổng cục Du lịch, Hiệp hội ngành và những đơn vị liên quan đang ráo riết tìm giải pháp cải thiện tình hình, kích cầu du lịch. Theo đó, Tổng cục Du lịch đã ban hành Chương trình kích cầu quốc tế và nội địa thông qua kế hoạch phối hợp với hãng hàng không Vietnam Airlines nhằm khôi phục tăng trưởng lượng khách.

Từ tháng 4 - 12/2020, chương trình kích cầu du lịch quốc tế với thông điệp “VietnamNOW” sẽ được triển khai, hướng ưu tiên đến thị trường khách Âu, Úc, Ấn Độ, Đông Nam Á.

Còn chương trình kích cầu du lịch nội địa cùng thông điệp “Việt Nam an toàn” sẽ được phát động trên phạm vi cả nước trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 8/2020. Đợt cao điểm là dịp nghỉ hè năm nay.

Về phần Sở Du lịch/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch hưởng ứng chương trình kích cầu chung bằng những hành động cụ thể:

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

 

Có lẽ hơi duy tâm một chút, nhưng giờ thì tất cả dân nghề khách sạn đều chung lời khấn nguyện: “Cầu trời đất cho dịch bệnh sớm qua!” để mọi thứ trở lại guồng quay bình thường. Và ngành du lịch Việt sớm phục hồi - nhân viên khách sạn cả nước được cười tươi niềm nở đón khách mỗi ngày. Thế là vui rồi!

Ms. Smile 

Tham khảo từ Theleader.vn, VnExpress

(Ảnh đại diện bài viết: Pullman Vũng Tàu)​

Tags:
2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại
4.1 (331 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN