Trẻ bị hóc dị vật đường thở, xử lý thế nào? [Series xử lý tình huống khẩn cấp]

Hóc dị vật đường thở là tai nạn thường gặp khi bất cẩn trong ăn uống, vui chơi, thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Sự cố xảy ra nếu không được xử lý - sơ cứu kịp thời và đúng cách có thể khiến nạn nhân mất mạng. Vậy, khi trẻ bị hóc dị vật đường thở, xử lý thế nào?

trẻ bị hóc dị vật đường thở, xử lý thế nào
Hóc dị vật đường thở thường xảy ra với trẻ nhỏ

 

Môi trường khách sạn - nhà hàng yêu cầu nhân viên phục vụ không chỉ vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ mà còn phải linh hoạt trong ứng biến và xử lý các tình huống phát sinh. Xử lý các tình huống khẩn cấp có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mất an toàn cho khách hàng và đồng nghiệp là một trong những kỹ năng bắt buộc phải có.

Hóc dị vật đường thở là gì?

Hóc dị vật đường thở là tình trạng một vật nào đó lọt vào đường thở của nạn nhân thông qua hành động ăn, nuốt bằng miệng hay hít thở bằng mũi không kiểm soát. Đây là tai nạn sinh hoạt rất nguy hiểm, có thể xảy ra với bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ bởi trẻ ở độ tuổi này rất hay tò mò, nhìn thấy gì cũng thích cho vào mũi, miệng.

Sự cố hóc dị vật đường thở xảy ra nếu không được xử lý - sơ cứu kịp thời, có xử lý nhưng sai cách sẽ gây nên nhiều hệ lụy nguy hiểm, nạn nhân có thể bị bất tỉnh, ngừng thở, tim ngừng đập và dẫn đến tử vong.

Trẻ hóc dị vật đường thở do đâu?

Hầu hết trẻ nhỏ bị hóc dị vật đường thở do cho những đồ vật có kích thước nhỏ lọt vào miệng, mũi. Đó đa phần đều do bất cẩn của người lớn vì thiếu quan tâm và kiểm soát trẻ, có thể là cha mẹ hoặc chính nhân viên khách sạn, nhà hàng. Chẳng hạn:

- Các món ăn có kích thước lớn, chưa được xử lý kỹ, còn lẫn mẫu xương cá, vỏ tôm…

- Các món ăn mềm, trơn, dễ tuột vào cổ họng nhưng chưa được cắt nhỏ như mì, thạch, rau câu…

- Các loại hạt như lạc, ngô, na, vải, hạt dưa, hạt bí, đậu phộng… phục vụ sẵn

- Các mảnh đồ chơi, vật thể lạ có kích thước nhỏ tại khu vui chơi hay vương vãi trên sàn

- Để trẻ vừa ăn vừa chơi đùa nghịch ngợm, cười nhảy hay khóc dẫn đến sặc, hóc thức ăn

trẻ bị hóc dị vật đường thở, xử lý thế nào
Dị vật thường là những vật thể có kích thước nhỏ, lọt vào đường thở gây bít thở, rất nguy hiểm

Dấu hiệu nhận biết trẻ hóc dị vật đường thở

Do còn nhỏ nên thường các phản xạ đóng - mở thanh quản để bảo vệ đường thở của trẻ chưa hoàn thiện, dị vật vì thế mà dễ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản của trẻ hơn. Trẻ trong tháng, trẻ chưa biết nói hay nói chưa thạo không biết cách diễn đạt khi bản thân khó chịu, khó thở nên mà cha mẹ, người lớn khó nhận biết để tiến hành sơ cấp cứu ngay. Vì thế, nhiệm vụ của nhân viên phục vụ khách sạn - nhà hàng là tinh mắt quan sát và nhạy cảm nhận biết để xử lý kịp thời và đúng cách, tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn.

Khi dị vật bị hóc vào đường thở, trẻ thường có biểu hiện sau:

- Đang ăn hoặc đang chơi tự nhiên bị ho sặc sụa, khó thở, tím tái, vã mồ hôi, trợn mắt, cố ho - khạc để tống dị vật ra ngoài, thậm chí có thể tiểu và đại tiện ra quần

- Dị vật rơi vào thanh quản gây bít tắt đường thở, khó thở, khàn tiếng, ho, thở rít, người bứt rứt, vật vã – rơi vào khí quản và phế quản cũng sẽ gây khó thở, thở rít kèm ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay (biểu hiện giống như viêm phế quản hay hay phổi nên dễ chẩn đoán nhầm)

- Khi bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn sẽ không nói được, tay thường phản xạ ôm lấy cổ; khó thở, thở gắt, thở dồn dập do cố gắng thở, mắt trợn ngược, vẻ mặt hoảng hốt, mặt đỏ bừng, mạch máu ở cổ nổi phồng, môi và lưỡi tím tái dần

>>> Lưu ý: Những biểu hiện này có thể chỉ xuất hiện thoáng qua rồi tự hết nếu dị vật đã được đưa ra ngoài. Tuy nhiên, trường hợp xấu hơn nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể ngay nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, biểu hiện trên cũng xuất hiện ở nạn nhân là người lớn, nhưng, họ thường đủ thời gian để nhận biết và thông báo tình trạng để được giúp đỡ.

Cách sơ cứu khi trẻ hóc dị vật đường thở

Các chuyên gia y tế cho biết, có 2 loại thủ thuật can thiệp khi trẻ hóc dị vật đường thở, được áp dụng hiệu quả tùy theo độ tuổi. Cụ thể:

+) Với trẻ dưới 2 tuổi

+ Vỗ lưng:

trẻ bị hóc dị vật đường thở, xử lý thế nào

 

- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất, tay giữ chặt để cổ và đầu của trẻ không bị tuột

- Dùng gót bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ, điều này giúp làm tăng áp lực trong lồng ngực để tống đẩy dị vật ra ngoài

- Lật ngửa trẻ từ tay này qua tay kia của người sơ cứu, quan sát xem trẻ đã hồng hào trở lại chưa, có thở, khóc được chưa - kiểm tra miệng trẻ để tìm dị vật và lấy ra.

Trường hợp dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở được thì thực hiện tiếp biện pháp ấn ngực.

+ Ấn ngực:

trẻ bị hóc dị vật đường thở, xử lý thế nào

 

- Đặt trẻ nằm ngửa, dùng 2 ngón tay trỏ và giữa ấn nhanh - mạnh - đột ngột 5 cái vào vùng thượng vị (vị trí dưới xương ức và trên rốn) của trẻ

- Khi thấy cháo, sữa, canh hay chất lỏng chảy ra từ mũi, miệng thì cần hút sạch để thông đường thở cho trẻ, không để ứ đọng bên trong

- Kiểm tra xem trẻ đã hồng hào, thở, khóc lại chưa

>>> Lưu ý: Nên thực hiện luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng - ấn ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống đẩy ra ngoài hoặc tiếp tục cho đến khi xe cấp cứu đến.

+) Với trẻ trên 2 tuổi

+ Trường hợp trẻ còn tỉnh:

- Khuyến khích trẻ ho mạnh nhiều lần để đẩy dị vật ra

Nếu không hiệu quả thì:

- Để trẻ ở tư thế đứng hơi khom lưng, miệng mở

- Dùng ức bàn tay vỗ mạnh và dứt khoát 5 lần vào vùng lưng ở vị trí giữa 2 xương bả vai của trẻ để đẩy dị vật ra

Nếu chưa hiệu quả thì:

trẻ bị hóc dị vật đường thở, xử lý thế nào

 

- Người sơ cứu đứng phía sau lưng trẻ, choàng 2 tay ra phía trước ôm ngang thắt lưng

- Một tay nắm thành nắm đấm, tay còn lại đặt lên trên rồi ấn mạnh 5 cái liên tiếp theo chiều từ dưới lên trên vào vị trí vùng thượng vị của trẻ để đẩy dị vật ra ngoài.

- Thực hiện tiếp từ 6-10 lần nếu vẫn chưa hiệu quả.

>>> Lưu ý: động tác cần mạnh, đủ lực và dứt khoát. Trong khi ấn, cần theo dõi miệng nạn nhân xem dị vật đã xuất hiện chưa để nhanh chóng lấy ra ngoài,

+ Trường hợp trẻ bất tỉnh, hôn mê:

trẻ bị hóc dị vật đường thở, xử lý thế nào

 

- Người sơ cứu quỳ gối, đặt trẻ nằm ngửa

- Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, ấn mạnh liên tiếp 5 lần vào dưới xương ức của trẻ. Thực hiện tiếp cho đến khi dị vật văng ra ngoài hoặc trẻ thở được, khóc.

- Trường hợp trẻ hôn mê sâu và không thở được, trước tiên phải tiến hành hà hơi thổi ngạt 2 cái và kết hợp đồng thời trong suốt quá trình sơ cứu để mang lại hiệu quả cao và nhanh nhất.

Sai lầm cần tránh khi xử lý hóc dị vật đường thở

- Dùng tay vuốt xuôi ngực vì như thế có thể khiến dị vật chui sâu vào trong đường thở làm tình trạng trở nên nguy hiểm hơn

- Cho tay hoặc các vật dụng khác vào miệng, mũi để móc dị vật ra gây xước niêm mạc họng, niêm mạc mũi và khiến dị vật xuống sâu hơn; ngoài ra còn dễ bị nôn ói, hít sặc lại chất ói gây nguy hiểm

- Áp dụng các mẹo dân gian chưa kiểm chứng như nuốt cơm, hoa quả hay các thức ăn cứng để đẩy dị vật xuống, tuy nhiên, lại khiến tình trạng nghiêm trọng hơn

----------

Xử lý hóc dị vật đường thở không khó. Tuy nhiên, xử lý chậm hoặc sai cách có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, nhân viên nhà hàng, khách sạn cần hết sức lưu ý và cẩn thận khi phục vụ khách, kịp thời phát hiện sự cố (qua biểu hiện) để tiến hành sơ cứu nhanh chóng, đúng kỹ thuật, giảm thiểu rủi ro. Sau cùng, dù dị vật đã được lấy ra nhưng vẫn cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để được kiểm tra và theo dõi sức khỏe, phòng trường hợp dị vật vẫn còn sót lại bên trong.

Hướng dẫn sơ cứu người bị ngất xỉu đột ngột

Ms. Smile

(Tổng hợp)

Trẻ bị hóc dị vật đường thở, xử lý thế nào? [Series xử lý tình huống khẩn cấp]
4.0 (320 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN