MỤC LỤC
Các tập đoàn khách sạn lớn đều có chính sách có hoặc không “tái tuyển dụng” đối với những ứng viên cụ thể. Vậy tái tuyển dụng là gì? Có nên tái tuyển dụng không? Cùng Hoteljob.vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Tái tuyển dụng là một trong những hình thức tuyển dụng khá phổ biến hiện nay được nhiều khách sạn quy định để phù hợp với văn hóa doanh nghiệp cũng như chính sách chiêu mộ người tài tương ứng. Hiểu chính xác tái tuyển dụng là gì – nên hay không nên tái tuyển dụng sẽ giúp cả nhà tuyển dụng và ứng viên cân nhắc đưa ra quyết định tìm người và tìm việc đúng đắn, phù hợp.
Tái tuyển dụng là gì?
Tái tuyển dụng (Rehired) là hình thức tuyển lại nhân viên đã từng làm việc tại doanh nghiệp nhưng vì một lý do nhất định khiến họ phải nghỉ việc trước đó.
Nhiều khách sạn chấp nhận tái tuyển dụng nhân viên cũ trong khi số khác lại không. Cũng có trường hợp, tái tuyển dụng dành cho nhân viên nội bộ, tức tuyển mới nhân viên đang làm việc ở bộ phận này sang làm quen và làm việc tại bộ phận khác.
Được – Mất khi tái tuyển dụng nhân viên cũ
+ Tại sao Nên tái tuyển dụng?
Việc tuyển dụng lại nhân viên cũ mang lại nhiều ích lợi như:
- Rút ngắn thời gian đào tạo, thậm chí có thể bắt đầu công việc ngay vì họ phần nào hiểu được văn hóa doanh nghiệp, nội quy làm việc trước đó và cũng đã nắm được cơ bản yêu cầu công việc cần làm, cách thức làm việc ra sao…
- Tiết kiệm chi phí tuyển dụng như: chạy quảng cáo tin tuyển dụng, hợp tác với bên thứ 3 (môi giới tìm người)…; thay vào đó, chỉ cần đăng tin lên fanpage hay website của khách sạn hoặc chính nhân viên hiện tại cũng sẽ truyền miệng giúp để tìm ứng viên
- Thời gian tuyển dụng ngắn, hiệu quả tuyển dụng cao
- Đặc biệt, có thể dễ dàng hòa nhập với đồng nghiệp, ghi nhớ sở thích của khách quen để phục vụ và mang đến chất lượng dịch vụ tốt ngoài mong đợi…
+ Tại sao Không Nên tái tuyển dụng?
- Nhiều khách sạn không rộng cửa chào đón người từng “dứt áo ra đi” vì bất kỳ lý do gì. Nhà tuyển dụng cũng sợ tình trạng ấy sẽ lại tiếp diễn và họ lại phải tốn thêm thời gian để tìm người. Vì thế, một số nơi có “truyền thống” không tuyển lại người cũ, thậm chí ghi rõ trong tin tuyển dụng.
- Tạo tiền lệ không tốt cho những nhân viên còn lại, rằng nếu nghỉ việc cũng sẽ có thể được quay trở lại vào lần tuyển dụng khác
- Trường hợp nhân viên cũ đó nghỉ việc vì lý do cá nhân như bất đồng hay hiềm khích với đồng nghiệp, không phù hợp với văn hóa công ty, bị kỷ luật phải chấm dứt hợp đồng… thì việc quay trở lại làm việc có thể gây trở ngại cho bộ máy tổ chức vốn đang ổn định và thống nhất ở hiện tại, tiềm ẩn nguy cơ tái phạm lỗi cũ
- Ngược lại, nếu vấn đề nằm ở phía khách sạn (đồng nghiệp, văn hóa, chế độ đãi ngộ…) thì phải đảm bảo mọi việc đã được xử lý ổn thỏa chưa trước khi xem xét tái tuyển dụng…
=> Kết luận
Tùy thuộc vào chính sách tuyển dụng và văn hóa công ty cũng như tính phù hợp của việc nên hay không nên tái tuyển dụng nhân viên cũ mà khách sạn sẽ đưa ra quyết định phù hợp.
Quy trình tái tuyển dụng cũng sẽ tương tự như quy trình tuyển dụng chuẩn, tức ứng viên (dù là nhân viên cũ) cũng sẽ phải nộp hoặc bổ sung hồ sơ về các chứng chỉ, văn bằng mới liên quan, kinh nghiệm có được đến thời điểm hiện tại, mục tiêu nghề nghiệp và mong muốn trong tương lai… - tham gia đầy đủ các vòng phỏng vấn, có thể cân nhắc bỏ qua phỏng vấn sơ bộ - được hưởng mức lương và chế độ đãi ngộ mới tương tự như một nhân viên mới, số năm kinh nghiệm đã làm việc trước đó tại khách sạn sẽ không được tính vào thời gian thâm niên…
Những lưu ý khi tái tuyển dụng nhân sự
Rõ ràng, trong môi trường cạnh tranh cao như hiện tại, việc thiếu số lượng lớn nhân sự chất lượng cao là khó khăn của nhiều khách sạn. Vì vậy, cân nhắc để tái tuyển dụng nhân viên cũ là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, quy trình tái tuyển dụng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Hiểu rõ lý do nhân viên đó nghỉ việc trước đây là gì, đồng thời nắm được động cơ họ quay trở lại ứng tuyển, từ đó cân nhắc xem có nên tái tuyển dụng hay không
- Giải thích lý do tại sao nên tái tuyển dụng nhân viên cũ để nhân viên hiện tại hiểu rõ, điều đó là hợp lý và có lợi cho hoạt động của tổ chức
- Cân nhắc cảm nhận và ý kiến của nhân viên hiện tại về sự có mặt của nhân viên cũ trong tổ chức và đội nhóm của họ trước khi ra quyết định tái tuyển dụng
- Đánh giá nhân viên cũ một cách toàn diện, cả về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm lẫn đạo đức nghề nghiệp… để đảm bảo mình tuyển được người tốt nhất, hơn hẳn nếu chọn một ứng viên mới hoàn toàn
- Thông báo những thay đổi của khách sạn ở giai đoạn sau khi nhân viên cũ nghỉ việc, về văn hóa doanh nghiệp, đội ngũ nhân sự, nội quy nhân viên, chính sách đãi ngộ… nếu có để họ nắm rõ trước khi ra quyết định ứng tuyển
- Liên hệ người giới thiệu hoặc cấp trên (bạn biết) mà nhân viên cũ đã làm việc sau đó để hỏi và kiểm tra thêm về họ, bao gồm cả kỹ năng và thái độ trong công việc, sinh hoạt tập thể và cuộc sống
- Giám sát quá trình hòa nhập của nhân viên cũ sau tái tuyển dụng để đánh giá mức độ phù hợp với công việc, hỗ trợ ra quyết định ký kết hợp đồng chính thức hay không sau thời gian thử việc (nếu có)…
Hiểu rõ tái tuyển dụng là gì sẽ giúp doanh nghiệp cân nhắc để ra quyết định có nên tái tuyển dụng nhân viên cũ hay không. Điều này đảm bảo tổ chức không bỏ lỡ ứng viên tiềm năng và phù hợp. Người tìm việc cũng nên cân nhắc việc nên hay không nên quay trở lại nơi làm việc cũ nếu không nhìn thấy cơ hội phát triển bản thân, sự nghiệp.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên