MỤC LỤC
Các gói hỗ trợ nghe thì kỳ vọng nhưng tồn tại quá nhiều bất cập; chủ trương có nhưng thủ tục lại nhiều. Người lao động trông nhưng khuyết giấy tờ, chứng nhận. Doanh nghiệp “kêu cứu” nhưng hỗ trợ chậm, sót. Nếu không có giải pháp khắc phục ngay, ngành du lịch khó mà “hồi sinh” để phục hồi và phát triển.
Toàn ngành kiệt quệ
Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp du lịch kinh doanh được 3 tháng với chỉ khách nội, không khách ngoại (nếu có thì chỉ là chuyên gia). Nhiều khách sạn - nhà hàng - lữ hành, du lịch - vận chuyển và dịch vụ dừng hẳn, đóng cửa hoàn toàn 100%. Tăng trưởng toàn ngành giảm rất sâu, có thể nói chạm đáy 0 tròn trĩnh.
“Tất cả đều kiệt quệ, thực sự rất đau lòng…”
Có điểm đến, hệ thống trung tâm du lịch - giải trí từ đón 18 triệu khách quốc tế và 83 triệu khách nội địa năm 2019 thì đến tháng 6/2021 thống kê chỉ vài chục nghìn, có nơi chỉ là con số 0.
Có khách sạn công suất 97%, nhà hàng kín bàn mùa cao điểm thì nay “cửa đóng then cài”, dây giăng khắp lối.
Có doanh nghiệp lữ hành doanh thu 7.000 - 8.000 tỷ đồng năm 2019 thì đến hiện tại đang lo không thể đạt nỗi mức 10% so với con số này.
… hệ lụy của cảnh doanh nghiệp “sốt”, nhân sự khó thở đến hấp hối diễn ra ngày một nhiều. Trên cả nước, hàng triệu lao động thất nghiệp, mất việc làm, không thu nhập… Covid-19 thực sự đã vượt qua tất cả những khó khăn trong lịch sử loài người, từ khủng khoảng kinh tế thế giới năm 2008 đến dịch bệnh Sars hồi năm 2003, đẩy du lịch về mốc 0 đau đớn.
“Là đơn vị đứng đầu ngành du lịch với 1.700 nhân viên, doanh thu thu về từ các sản phẩm, dịch vụ lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng có thời điểm đếm qua cơ quan chỉ còn 15-20 người làm duy trì hoạt động hành chính thông thường trong khâu vận hành và điều phối. Tình hình là rất bi quan…” - CEO Vietravel chia sẻ.
Mở cửa du lịch: Chưa biết khi nào
Nếu các nước châu Âu, Mỹ mở cửa du lịch và phục hồi nhanh dịp hè. Trung Quốc chưa mở cửa quốc tế nhưng du lịch nội địa gần như phục hồi mạnh mẽ như hồi chưa có dịch. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia đang mở cửa dần thì Việt Nam cũng rục rịch lên phương án.
Những ngày gần đây, trên các kênh truyền thông đại chúng, tin Việt Nam lên kế hoạch từng bước mở cửa du lịch tràn ngập. Doanh nghiệp và lao động ngành phấn khởi trông chờ ngày tái hoạt động đón khách. Ấy thế nhưng, có chính thức mở cửa hay không, mở cửa khi nào, mở cửa ở đâu, mở cửa thế nào… dẫu đã được “chọn mặt gửi vàng” nhưng vẫn còn phải tùy thuộc nhiều vào tình hình thực tế diễn biến dịch bệnh tại địa phương đó cũng như trên cả nước. Tuy nhiên, rõ ràng, chúng ta đang “mở cửa chậm”. Vì chưa yên tâm và chưa chắc chắn an toàn. Bởi tỉ lệ tiêm vaccine vẫn chưa đủ để đạt miễn dịch cộng đồng, thời gian tiêm chưa đủ để tạo ra kháng thể và dịch vẫn chưa được kiểm soát một cách triệt để.
Phú Quốc là bằng chứng.
Trong khi Đảo Ngọc được chọn làm điểm thí điểm đón khách quốc tế, kỳ vọng mở cửa du lịch thành công, tạo đà cho kế hoạch mở rộng dần ra các vùng xanh, an toàn khác trên cả nước, như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt… Tuy đã trải qua nhiều phiên họp để chốt phương án thực hiện, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, tập huấn công tác xử lý phát sinh nếu xuất hiện F0 ngoài cộng đồng… nhưng đến sát ngày mở thì lại bùng dịch. Giờ này vẫn đang dập dịch, thêm việc tiêm chủng chưa đạt 90% người được tiêm mũi 1 nên chưa đảm bảo điều kiện an toàn để đón khách. Vậy nên, kế hoạch thí điểm chuyển sang cuối tháng 11/2021. Nghĩa là, các điểm đến khác cũng sẽ bị dời ngày lâu thêm nữa.
Còn với du lịch nội địa, TP.HCM vừa qua tổ chức 2 tour nội với hơn 100 khách cho mỗi tour tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của huyện Cần Giờ và Củ Chi. Bước đầu cho kết quả khả thi, được kỳ vọng tạo đà khôi phục và kích thích “người Việt đi du lịch Việt” nhưng hiện các địa phương, khu vực khác vẫn chưa mạo hiểm “thử”. Chưa kể, tình hình cấp “thẻ xanh”, “thẻ vàng” mỗi tỉnh, thành lại đặt ra tiêu chuẩn khác nhau; khách du lịch nơi này khó đi xuyên vùng từ tỉnh này sang tỉnh khác vì có khi không phù hợp với yêu cầu. Chắc cần thời gian để kiểm soát dịch và tăng tỷ lệ bao phủ vaccine. Đấy là chưa kể, nguy cơ thiếu hụt lao động vì phần đa nhân sự ngành mất việc quá lâu đã chuyển đổi sinh kế, nhảy việc và không có nhu cầu quay trở lại nghề cũ; số khác lo sợ dịch tái bùng phát ảnh hưởng đến du lịch khiến công việc không ổn định nên không mấy mặn mà chọn ngành này để dấn thân…
Các chuyên gia nhận định tình hình du lịch đến cuối năm vẫn còn khó. Dự báo du lịch mất hết năm 2021 và bắt đầu từ tháng 1/2022 mới dần hồi phục, từ từ. Tuy nhiên, đây vẫn là dự báo rất xấu.
Hỗ trợ có nhiều nhưng nhận được thì rất ít
Trong suốt 2 năm qua, trên dưới 10 công văn, nghị quyết ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và lao động ngành du lịch chống chọi với dịch bệnh. Tuy nhiên, bất cập vẫn tiếp diễn. Thủ tục rườm rà, điều kiện khó khăn khiến nhiều cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng thật nhưng lại không thuộc diện được nhận hỗ trợ. Không ít bức xúc xảy ra vì cho rằng quy định không phù hợp.
Tại Vietravel, chỉ có 141/ 1.700 người lao động đã được nhận hỗ trợ từ các gói hỗ trợ du lịch của Chính phủ. Nhiều nhân viên khách sạn, nhà hàng, homestay, công ty lữ hành du lịch cho hay đã đăng ký nhưng không có tên trong danh sách. Rõ ràng, khâu thực thi chưa ổn.
“Khi hỗ trợ tại sao không dùng chính doanh nghiệp đó để hỗ trợ cho người lao động? Công ty có hợp đồng giao kết với nhân viên, đảm bảo tiền trao đúng người, đúng hoàn cảnh. Hỗ trợ cứ trả thẳng vào thẻ lương của nhân viên là xong. Sao lại đưa về địa phương rồi rà soát, kiểm chứng, lọc lấy - bỏ trong khi địa phương biết đâu mà cấp phát, chưa kể yêu cầu cứng nhắc, rất khó đáp ứng để được thông qua?” - lãnh đạo Vietralvel bức xúc.
Từng có nhiều chuyên gia đặt kỳ vọng du lịch sẽ từng bước phục hồi hồi đầu năm 2021 nhưng đến hiện tại vẫn cho thấy tình hình tệ hơn. Không ai dám chắc chắn ngày du lịch chuyển mình. Chỉ mong Chính phủ hỗ trợ kịp thời và linh động cho doanh nghiệp lẫn người lao động, để những cá nhân, tổ chức vẫn còn sục sôi lửa nghề có thêm niềm tin, động lực để chờ đợi rồi cống hiến!!!
Ms. Smile
(Có tham khảo từ nhiều nguồn)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên