Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung

Sáng 10/6 vừa qua,  tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung” với sự tham gia của các đại diện đến từ hơn 100 doanh nghiệp du lịch khách sạn, nhà hàng, lữ hành tại 3 tỉnh thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung
Hội thảo “Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung”

Thị trường khách du lịch Hồi giáo với 2 tỷ người (chiếm 1/4 dân số thế giới); hơn 50% trong số họ đang sống tại các nhóm các nước có nền kinh tế lớn G20 và Liên đoàn Ả Rập; độ tuổi trung bình là 25. Tổng lượt khách du lịch Hồi giáo đạt 160 triệu vào năm 2019, dự kiến đạt 140 triệu khách năm 2023, và trở lại mức 160 triệu vào năm 2024. Quy mô thị trường năm 2028 ước đạt 230 triệu khách với mức chi tiêu vào khoảng 225 tỷ USD (Globlal Muslim Travel Index 2022).

Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung


Khách Hồi giáo khác biệt các khách du lịch thông thường bởi họ có nhu cầu riêng về nơi cầu nguyện, thức ăn, các hoạt động vui chơi giải trí và sinh hoạt, và thời gian (cầu nguyện 5 lần/ngày). Dòng khách này thường lưu trú dài ngày, từ 1 đến 2 tuần tại những điểm đến được lựa chọn; họ du lịch theo đoàn lớn hoặc cùng với gia đình. Họ thích tham quan những nơi thú vị, ngắm cảnh, mua sắm, và các công viên giải trí. Những hoạt động vui chơi phù hợp với gia đình, như Công viên Ấn tượng Hội An, VinWonders, Bà Nà Hills sẽ rất thu hút khách Hồi giáo. Khu vực spa, hồ bơi phân khu nam nữ khác biệt là điểm cộng dành dòng khách này.

Theo trao đổi tại Hội thảo, khách du lịch Hồi giáo đang có xu hướng thay đổi điểm đến, từ chỗ chỉ tập trung chọn 4 điểm du lịch truyền thống như Malaysia, Indonesia, Pháp, Anh; dòng khách này đang muốn khám phá nhiều trải nghiệm khác hơn ở Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, UAE, Canada, Úc. Trong hình dung của khách Hồi giáo, Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, với lịch sử hấp dẫn. Tuy vậy, Việt Nam hầu như chưa tiếp cận được nhiều thị trường khách du lịch nhiều tiềm năng này. Chúng ta đang đứng ở cuối khu vực châu Á trong bảng xếp hạng các điểm đến thu hút khách du lịch Hồi giáo toàn cầu năm 2022 (GMTI 2022), đánh giá dựa trên khả năng tiếp cận (10%), truyền thông marketing (20%), môi trường phù hợp (30%), dịch vụ (40%). Đây là điều đáng tiếc bởi theo trao đổi của ông Hosen Yousof – Người sáng lập Hiệp hội Quản lý Khách sạn Việt Nam (VHMA) – vì Việt Nam (đặc biệt Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam) có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác dòng khách Hồi giáo từ các nước Trung Đông với những tài nguyên du lịch sẵn có cùng chuỗi resort ven biển đẳng cấp. Theo GMTI 2022, những động lực chính thúc đẩy sự lựa chọn của khách du lịch Hồi giáo năm 2022 là những sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ, du lịch có trách nhiệm, những trải nghiệm ý nghĩa, và tính bền vững trong du lịch. Mong muốn của khách đạo Hồi có nhiều nét tương đồng với định hướng phát triển du lịch của Việt Nam, Quảng Nam.

Hội thảo nhận được sự quan tâm từ rất nhiều các doanh nghiệp du lịch khách sạn, nhà hàng, lữ hành

Để đón được khách đến từ các nước Hồi giáo khu vực Đông Nam Á và Trung Đông trong tương lai, ngành du lịch Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận bài bản, từ nghiên cứu và lựa chọn phân khúc thị trường, thiết kế sản phẩm phù hợp, đến marketing hiệu quả. Cho đến lúc đó, những doanh nghiệp quan tâm thị trường này có thể chủ động chuẩn bị đào tạo nhân lực và hướng dẫn viên phù hợp tiêu chuẩn Halal, bổ sung các món ăn hay sản phẩm Halal vào thực đơn và dịch vụ buồng phòng. Trong khi đó, những nhà quản lý du lịch cần tính đến việc chuẩn bị không gian cầu nguyện nhiều hơn ở sân bay, siêu thị, trung tâm hội nghị, hội chợ... Cần có hợp tác công tư trong việc lựa chọn phân khúc khách du lịch Hồi giáo, truyền thông tạo nhận thức đúng trong ngành du lịch và cộng đồng về dòng khách này, và giới thiệu những dịch vụ theo tiêu chuẩn Halal sẵn có tại điểm đến.

Không chỉ là khai phá thêm một thị trường mới nhiều tiềm năng cho du lịch Việt Nam, việc tiếp cận và được công nhận các tiêu chí Halal cho sản phẩm còn là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các nước Hồi giáo ở Đông Nam Á và Trung Đông trong tương lai.

Theo Bà Trần Thị Thu Hiền

( Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam)

Tags:
Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung
4.8 (738 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN