Đó là đáp án chung của cả 2 phương án hiện được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lên Quốc hội với lý do giảm thiểu tình trạng NLĐ ồ ạt đăng ký rút BHXH khi gặp khủng hoảng. Dân nhà máy than trời, còn người làm khách sạn - du lịch phản ứng sao?
Không được rút quá 50% tổng thời gian đóng BHTN tính từ 1/1/2025
Không ít NLĐ sau thời gian nghỉ việc đăng ký nhận các chế độ bảo hiểm liên quan. Đây là quyền lợi chính đáng được bảo vệ và hỗ trợ bởi Luật. Tuy nhiên , cơ quan BHXH vẫn giữ quan điểm khuyến khích NLĐ duy trì đóng tiếp và đóng đủ các khoản BHXH, với thời gian đóng theo quy định để đủ điều kiện hưởng lương hưu về sau, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì giờ rút 1 lần rồi tiêu hết, lúc già phải cậy nhờ con cháu hay chi tiêu thiếu trước hụt sau vô cùng khốn khổ…
Nhằm giảm thiểu tình trạng NLĐ ồ ạt xin rút BHXH 1 lần, mới đây, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội để đề xuất phương án giải quyết nguyện vọng xin rút 1 lần của NLĐ sao cho phù hợp, bên cạnh những sửa đổi, bổ sung một số điều khoản, nội dung theo hướng có lợi cho NLĐ. Cụ thể, dự thảo Luật BHXH đưa ra 2 phương án dự kiến sẽ được chọn áp dụng để quy định điều kiện được hưởng chế độ BHXH 1 lần cho từng đối tượng NLĐ được hưởng tương ứng.
+ Phương án 1: quy định giải quyết nguyện vọng xin rút BHXH 1 lần cho 2 nhóm NLĐ khác nhau
- Nhóm 1: được giải quyết nhận BHXH 1 lần sau 12 tháng nghỉ việc không đóng tiếp, nếu có nhu cầu đối với NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH mới (đã sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực.
- Nhóm 2: không được giải quyết nhận BHXH 1 lần nếu tham gia đóng BHXH từ ngày Luật BHXH mới có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/1/2025), trừ trường hợp đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ số năm đóng để được hưởng theo quy định, ra nước ngoài định cư hay bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
+ Phương án 2: được giải quyết nhận 1 phần BHXH 1 lần (nhưng không được quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất) nếu có nhu cầu sau 12 tháng nghỉ việc không thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, cũng không đăng ký chuyển sang đóng BHXH tự nguyện, có thời gian tham gia đóng chưa đủ 20 năm. Thời gian đóng còn lại, chưa được giải quyết sẽ được bảo lưu và đóng tiếp khi có điều kiện để được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH theo luật.
Giải thích lý do đề xuất 2 phương án trên, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, đề xuất hướng đến mục đích hạn chế - giảm thiểu dần tình trạng rút BHXH 1 lần của NLĐ, đảm bảo hài hòa và cân đối quyền lợi cho NLĐ, đồng thời duy trì tính ổn định của các chính sách an sinh xã hội về lâu về dài. Và dù trong ngắn hạn, các phương án trên chưa thể giúp duy trì hay gia tăng đối tượng đóng BHXH nhưng xét trong dài hạn sẽ mang lại hiệu quả tối ưu.
Phản ứng của NLĐ thế nào?
Thông tin từ cơ quan BHXH cho thấy, đại đa số NLĐ đăng ký rút BHXH 1 lần thời gian qua thuộc đối tượng công nhân khối nhà máy - khu công nghiệp, khi đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu hụt đơn hàng khiến công ty đứt đoạn sản xuất phải thu hẹp quy mô dẫn đến cắt giảm lao động. “Cứ rút một khoản về sống trước đã, sau có việc làm mới, đóng lại BH thì lại đóng tiếp.” Số lao động thuộc các ngành nghề khác, trong đó có nhân sự nghề khách sạn - du lịch, cũng có một bộ phận xin rút 1 lần vì nhiều nguyên do. Tiêu biểu nhất đó là:
- Hiện tại không có việc làm, khó tìm được việc làm mới, không có thu nhập nên cần tiền ngay để xoay xở
- Cần 1 khoản tiền đủ lớn để hiện thực hóa một số nhu cầu của bản thân, như: mua xe, xây nhà, kinh doanh, chữa bệnh...
- Lương đóng BHXH thấp thì lương hưu sau nhận cũng không được bao nhiêu, khả năng sẽ không đủ chi tiêu ở thời điểm đó nên không cần áp lực cố đóng
- Lo sợ sức khỏe và tuổi thọ của bản thân không đủ để đợi đến khi hưởng lương hưu hoặc có hưởng được cũng không được bao lâu, nhưng nếu giờ rút 1 lần có thể tranh thủ tận hưởng
- Lo ngại các chính sách liên quan thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ
- Các lý do cá nhân khác...
Hỏi thêm ý kiến của dân ngành thế nào về thông tin này, nhiều ý kiến cho biết:
- Bản thân chưa nghĩ đến việc sẽ rút BHXH 1 lần và khi nào rút do công việc đang ổn định, khách sạn vẫn có khách đều và lương tháng nhận đủ. Tuy nhiên, nếu bảo làm rồi đóng BH tới khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì e khó.
- Tôi dự định làm thêm vài năm sẽ nghỉ việc và không làm nghề nữa. Vì bản thân đã 39 tuổi rồi, sao làm phục vụ mãi được, phải nghỉ để lớp trẻ làm tiếp. Tuy nhiên, tôi không định xin việc khác trong khách sạn do không thích, cũng không hợp. Dự định của tôi là tìm việc gì làm tạm, kiểu thời vụ chờ rút BHXH 1 lần về mở quán bán kiếm tiền dưỡng già. Nay nghe tin này có hơi hoang mang nhưng để coi sao. Nếu thật sự vậy thì Luật mà, phải tuân theo thôi.
- Chắc tranh thủ rút 1 lần về làm gì làm chứ sức đâu làm rồi đóng đến hưu để nhận. Có khi lương hưu đâu chưa thấy mà người đã đi mây về gió từ khi nào chẳng hay.
- Bao năm làm nghề cũng tích lũy được một ít phòng thân, lương tháng thì đủ sống mỗi ngày nên không lo nhiều. Bản thân tính duy trì đóng (không bắt buộc thì chuyển sang tự nguyện có sao) đến khi đủ điều kiện nhận lương hưu để xem thế nào...
Nhìn chung, dân ngành có hoang mang nhưng không đến nỗi lo lắng. Bởi, sau giai đoạn khó khăn vì Covid, tình hình du lịch đang dần hồi phục, lượng khách dần đông trở lại giúp các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí đông đúc và có nguồn thu đáng kể. Vì thế, nhân viên có công việc ổn định, lương và thu nhập ổn để họ yên tâm làm nghề và sống bằng tiền lương nhận được từ nghề mà chưa hoặc rất ít ai lăn tăn nghĩ xem hiện tại có nên nghỉ việc để sau 12 tháng không đóng BH nữa sẽ đi rút BHXH 1 lần cho kịp...
Còn bạn, ý kiến của bạn thế nào về đề xuất này? Bạn có dự định thế nào cho tương lai đối với khoản trích từ lương để đóng các chế độ BH?
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên