Nhân lực ngành du lịch được tự do di chuyển sang các nước Đông Nam Á làm việc!

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được ra mắt vào 31/12/2015 là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Một trong những điều khoản có ảnh hưởng trực tiếp và được người lao động đón nhận nhất đó là 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.

Đây có thể gọi là tin vui lớn đối với ngành dịch vụ không khói của Việt Nam. Giờ đây, người lao động làm việc trong ngành du lịch có thể dễ dàng thay đổi môi trường làm việc trong hệ thống mạng lưới khách sạn tại các nước thuộc cộng đồng Đông Nam Á khi được công nhận qua các thỏa thuận công nhận có chuyên môn và khả năng tương đương. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.

Nhân lực ngành du lịch được tự do di chuyển sang các nước Đông Nam Á làm việc!

 

Trong 8 ngành nghề lao động được các nước ASEAN cho phép tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương thì nhân viên ngành du lịch dường như có ưu thế hơn cả. So với các ngành như kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển thì các nguồn nhân lực làm việc trong nghề du lịch có cơ hội được cọ xát với ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh nhiều hơn. Bên cạnh các kỹ năng và trình độ chuyên môn, với ưu thế giao tiếp nổi bật này sẽ giúp các nhân viên ngành du lịch thay đổi môi trường làm việc dễ dàng và thuận lợi hơn.

Các đối tượng làm việc trong ngành du lịch có thể trực tiếp nắm bắt cơ hội thay đổi môi trường làm việc này bao gồm đội ngũ nhân viên làm việc tại các bộ phận thuộc nhà hàng, khách sạn, cơ sở lữ hành,… Việc so sánh để đánh giá mức độ tương đương của người lao động khi làm việc tại các nước trong Asean sẽ được đánh giá dựa trên bằng cấp chuyên môn được đào tạo, chức vụ từng đảm nhận, quy mô nơi làm việc cũ và số năm kinh nghiệm.

Các nước trong cộng đồng Asean được đánh giá là có nền du lịch phát triển bao gồm Singapore, Thái Lan và Malaysia. Dự kiến, đây cũng là những quốc gia sẽ thu hút lượng lớn nhân lực chất lượng cao tìm đến để làm việc và phát triển bản thân. Chính vì lẽ đó, hiệp định cũng đặt ra những thách thức cho cả các quốc gia trong Asean và cả người lao động. Theo lẽ thông thường, các ứng viên có xu hướng tìm đến các môi trường làm việc hiện đại, tiềm năng và năng động hơn khi muốn thay đổi nơi làm việc. Một mặt, người lao động phải có ý thức bồi dưỡng, nâng cao năng lực bản thân để có thể hòa mình vào môi trường làm việc tốt hơn. Ngoài ra, với ngành công nghiệp đòi hỏi tính dịch vụ cao như du lịch, việc tìm hiểu văn hóa bản xứ là điều bắt buộc để hòa nhập vào môi trường mới được dễ dàng. Mặt khác chính các lãnh đạo các nước phải tìm cách thúc đẩy nền kinh tế phát triển để thu hút nhân tài, tránh tình trạng nhân lực chất lượng cao của mình cũng “bỏ xứ ra đi”.

Ms.Smile

Tags:
Nhân lực ngành du lịch được tự do di chuyển sang các nước Đông Nam Á làm việc!
4.3 (103 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN