Ngừng ngay hành vi xả rác thải nhựa ra môi trường nếu không muốn “giết chết” Du lịch Việt

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương – là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường hàng năm. Điều này cho thấy tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là rác thải nhựa, ở mức “báo động đỏ” - ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần, sức khỏe con người – tác động trực tiếp, gây “mất điểm” trầm trọng cho du lịch Việt Nam trong mắt du khách.

ngừng ngay hành vi xả rác thải nhựa ra môi trường nếu không muốn "giết chết" du lịch việt
Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra môi trường, nhất là môi trường biển

Có tới 1,8 triệu tấn nhựa được thải ra ở Việt Nam mỗi năm

Theo FAO - Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương khi có tới 1,8/ 13 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm – khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa thải ra mỗi ngày, bao gồm các sản phẩm từ nhựa, nhựa dùng 1 lần và túi nilon.

Một du khách đến từ Pháp, có dịp đi khắp Việt Nam cho hay: “Nhiều người Việt có thói quen sử dụng túi nilon và đồ nhựa 1 lần đến mức lạm dụng. Tôi thấy nhiều điểm du lịch tại Việt Nam rất nhiều rác, điển hình như ở Hạ Long hay các bãi biển du lịch…”

Tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch – nếu là khách đi tour, các đơn vị lữ hành trung bình sẽ phát từ 1-2 chai nước, 1-2 khăn lạnh mỗi ngày, chưa kể khách mang theo hay mua đồ ăn thức uống dọc đường, mua tại điểm, khu du lịch khiến hàng trăm nghìn chai nhựa được thải ra – tương tự nếu là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hay lưu trú, mỗi ngày cũng có số lượng lớn các vỏ chai nước, vỏ lon, hộp nhựa, hộp giấy, ống hút, cốc nhựa, bàn chải, vỏ dầu gội - sữa tắm, túi nilon được thải ra…

Rác thải nhựa khiến du lịch Việt Nam “mất điểm” nghiêm trọng

Việt Nam được xếp vào Top những quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới – lượng khách du lịch đến Việt Nam liên tục tăng qua các năm và là con số mơ ước của nhiều nước có thế mạnh về phát triển du lịch. Để có được sự thành công đó, rất nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch – đa dạng các sản phẩm dịch vụ – hoàn thiện và nâng cao chất lượng phục vụ - chú trọng đào tạo nhân sự nghề… được đầu tư. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “bề nổi” của vấn đề, tồn tại nhiều “ngóc khuất” ẩn hiện khác “đe dọa” “giết chết” du lịch Việt Nam trong tương lai không xa nếu không được cơ quan ban ngành và người dân, nhất là nhân sự nghề phát hiện - nhận thức và nỗ lực cùng nhau khắc phục, điển hình và dễ thấy nhất là “nạn” xả rác thải nhựa gây “ô nhiễm trắng” trên diện rộng ở mức “báo động đỏ” như hiện nay – gây “mất điểm” nghiêm trọng trong mắt khách du lịch. Bởi:

+ Sẽ không có vị khách nào thoải mái ngồi ăn trên một bãi rác toàn giấy, túi nilon và vỏ chai nhựa, vỏ lon cùng vô vàn những ruồi, nhặn bâu quanh bàn;

+ Cũng không có vị khách nào khoan khoái nằm phơi nắng và hít thở không khí trong lành, cảm nhận vị mặn của biển, nghe tiếng sóng vỗ khi xung quanh toàn rác là rác hay bơi lặn dưới làn nước đục ngầu, thi thoảng lại bắt gặt vài lon bia, ít chai nước ngọt và một nùi túi nilon bẩn…

+ Khách cũng vô cùng khó chịu khi đến tham quan, tìm hiểu 1 di tích, thắng địa nổi tiếng nhưng đi đến đâu cũng nhìn thấy rác, thấy người vứt rác, cả du khách khác và nhân viên khu du lịch…

ngừng ngay hành vi xả rác thải nhựa ra môi trường nếu không muốn "giết chết" du lịch việt
Các bãi biển thường là nơi "tập kết" rác thải sau cùng với số lượng lớn

Do đâu mà “nạn” xả rác thải nhựa không giảm lại tăng đáng báo động?

Dĩ nhiên, Ý THỨC người dân là lý do đầu tiên và lớn nhất khiến khối lượng lớn rác thải nhựa được thải ra môi trường hàng giờ/ ngày/ năm. Một khi ý thức người dân, bao gồm cả nhân sự nghề, chưa cao thì mọi chính sách, chương trình phát động của cơ quan ban ngành cấp nhà nước và địa phương, ban lãnh đạo doanh nghiệp ban xuống sẽ chẳng thể nào đảm bảo được tính thực thi nghiêm túc và có hiệu quả, đó là chưa kể hành vi “tiện đâu vứt đó” đã trở thành thói quen trong đời sống hàng ngày của họ - và họ mặc định rằng, việc dọn rác đã có nhân viên vệ sinh công cộng đảm nhận, đó là nhiệm vụ mỗi ngày của họ để làm sạch môi trường và không gian được phân công. “Không gì dễ dàng hơn việc xả rác tại Việt Nam. Cũng không ai xả rác nhiều như người dân Việt Nam. Mỗi khi muốn vứt cái gì, họ chỉ cần thả tay ra và mặc kệ cho rác rơi xuống đường là xong. Việc dọn sạch sẽ do nhân viên vệ sinh thực hiện.” – chia sẻ từ một du khách ngoại quốc khác.

Nói qua cũng phải nói lại, chính việc “tuyên truyền suông - vận động chay” của các cấp chính quyền, ban lãnh đạo cấp cơ sở, doanh nghiệp khi chỉ nói bằng miệng, làm “đại diện” mà không có phương hướng hợp lý, chế tài cụ thể sẽ không đủ tính răn đe hay “thức tỉnh” ý thức - hành động của người thực hiện.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn xuất phát từ sự thiếu hụt kiến thức về thu gom và xử lý rác thải – thiếu chú trọng đào tạo và nâng cao ý thức nhân viên trong hoạt động bảo vệ môi trường, trước tiên là không gian nơi làm việc – chưa nghiêm ngặt và sâu sát trong quản lý và xử lý các hành vi vi phạm…

Cần làm gì để giảm nạn xả rác thải nhựa?

Con người nên biết rằng, các sản phẩm nhựa mất khoảng 10-100 năm, bàn chải đánh răng làm bằng nhựa cứng và nilon mất đến hơn 500 năm, các túi nilon có thể mất đến hàng ngàn năm để phân hủy; đặc biệt, các túi nhựa dày nếu để nằm sâu bên dưới một bãi rác thì có thể tồn tại vô thời hạn… - theo đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loại động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh, gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp đốt các chất thải nhựa và nilon ngoài môi trường sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan - đây là những chất cực độc hại, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; chưa kể, cảnh tượng khắp nơi ngập ngụa rác thải thực sự là nỗi kinh hoàng trong mắt nhìn của nhiều người, nhất là những nơi là điểm đến du lịch nổi tiếng của một địa phương, một đất nước...

Nói như thế để thấy rằng, hành vi xả rác bừa bãi hay thiếu kiến thức về thu gom và xử lý rác thải mang lại những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe, chủ quan hơn là ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh nghề dịch vụ du lịch. Vậy, cần làm gì để giảm nạn xả rác thải nhựa và nilon?

  • Tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng là điều đã, đang và sẽ cần làm. Tuy nhiên, cần có hành động và hướng tuyên truyền thiết thực và thường xuyên hơn, thay vì chỉ “hô hào” trên báo chí, “tiện tay” “show” vài lần nhặt rác tượng trưng
  • Cần thiết có thể áp dụng các chế tài và luật, văn bản quy phạm luật – cấm sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon khó phân hủy khi phục vụ khách – phạt nặng cho các hành vi vi phạm – phạt nặng bằng tiền hay bằng lao động công ích
  • Đánh thuế nặng các cơ sở sản xuất và buôn bán bao bì nhựa – áp dụng mức giá bán cao các sản phẩm từ nhựa và túi nilon, khuyến khích dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường
  • Tìm hiểu và cập nhật các công nghệ xử lý rác thải, đặc biệt là công nghệ tái chế rác thải nhựa
  • Bố trí nhiều hơn các thùng rác, giỏ rác ở các khu vực có nhiều người qua lại – có thể khéo léo thiết kế hình ảnh sinh động để tăng tính gần gũi, tạo sự thu hút để dễ nhìn thấy hơn
  • Treo băng rôn, dán biển hiện tại những nơi công cộng, trên xe buýt, taxi về ý thức bảo vệ môi trường, giảm rác thải để tiếp cận đến nhiều người
  • Các doanh nghiệp lữ hành nên tổ chức các tour du lịch kết hợp thu gom rác – chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước thay vì phát chai nhựa cho khách mỗi ngày trong tour
  • Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú nên thay thế các sản phẩm từ nhựa bằng các vật liệu khác dễ tiêu hủy và thân thiện với môi trường, như sử dụng ống hút làm từ tre, gạo, giấy – chuyển sang dùng cốc, chai thủy tinh trong các cuộc họp để dùng nhiều lần – khuyến khích nhân viên mang bình nước riêng đi làm thay vì sử dụng những sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng 1 lần…
  • Tận dụng rác thải nhựa vào sáng chế các sản phẩm sáng tạo như tạo hình nhân vật, làm đường, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ - kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị với cộng đồng
  • Tự ý thức hành vi của bản thân trong thu gom và phân loại rác thải, giải thích và hướng dẫn mọi người xung quanh hưởng ứng để nhân rộng ra cộng đồng...
ngừng ngay hành vi xả rác thải nhựa ra môi trường nếu không muốn "giết chết" du lịch việt
Tuyên truyền và có nhiều hành động thực tế hiệu quả hơn nữa mới mong giảm thiểu tình trạng xả rác thải ra môi trường

Hoteljob.vn đã nhiều lần trăn trở về vấn đề này – chúng tôi tự ý thức trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ môi trường sống mỗi ngày bằng một số hành động thiết thực có thể thực hiện được trong list giải pháp vừa đề xuất trên đây. Chúng tôi cũng thiết tha kêu gọi nhân sự ngành du lịch nói chung và Hotelier nói riêng ý thức hơn trong công việc và cuộc sống, ngừng ngay hành vi xả rác thải nhựa ra môi trường - 1 cá thể lan rộng ra nhiều người, 1 tập thể làm gương cho nhiều đơn vị… cứ thế, nhân rộng ra thành cộng đồng, về lâu dài – để dù không sớm nhưng sẽ không muộn, du lịch Việt Nam trong mắt du khách không chỉ đẹp bởi điểm đến mà còn đẹp trong ý thức và môi trường sống.

Hoteljob, Nghề Khách sạn làm được – Tại sao bạn không làm được?

​Ms. Smile

Tags:
Ngừng ngay hành vi xả rác thải nhựa ra môi trường nếu không muốn “giết chết” Du lịch Việt
4.1 (371 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN