Ngộ độc thực phẩm “hồi chuông reo” đến bao giờ?

“Quán bún có chuột” “Ngộ độc pate Minh Chay” “Gà rán lúc nhúc dòi” những cụm từ gây ám ảnh cho người tiêu dùng và để lại những hậu quả không nhỏ cho chính người làm kinh doanh. Thế nhưng, dường như những hồi chuông cảnh tỉnh này vẫn chưa đủ răn đe hay lương tâm của người kinh doanh đang bị “đè bẹp” trước sức mạnh của lợi nhuận. 

Ngộ độc thực phẩm “hồi chuông reo” đến bao giờ?
Tình trạng vệ sinh đáng lo ngại tại cơ sở bánh Mỳ Phượng - Hội An (Ảnh internet)

Mới đây, vụ ngộ độc do ăn bánh mì Phượng (Hội An) khiến cho hơn 141 người phải nhập viện đang gây xôn xao dư luận. Hiện cơ sở bánh mì này đang tạm dừng hoạt động để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, gửi mẫu đi kiểm nghiệm. Theo kết quả kiểm tra ban đầu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam cho biết, khu vực sơ chế của cơ sở chưa đảm bảo các quy định về vệ sinh và không phân biệt rõ ràng giữa các khu vực quan trọng như lưu trữ nguyên liệu, chế biến thực phẩm, và các khu vực khác.

Cơ sở này cũng không tuân thủ việc lưu trữ bánh mì và sốt trứng gà tươi trong ngày; không có hệ thống thu gom và xử lý rác thải; và không đảm bảo vệ sinh đối với các dụng cụ sơ chế, chế biến; thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy.

Bánh mì Phượng không phải là trường hợp duy nhất, trước đó, cũng đã có không ít các vụ ngộ độc tương tự, rất nhiều những video, bài viết, thông tin phản ánh về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ những quán ăn lề đường cho đến những nhà hàng sang trọng. Khoan chưa bàn đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, chỉ dưới góc nhìn của Hoteljob.vn chúng ta hãy cũng nhìn nhận vấn đề mà những người kinh doanh thực phẩm, cụ thể là các nhà hàng phải đối mặt và điều đó đem đến những ảnh hưởng như thế nào cho người tiêu dùng cũng như ngành du lịch.

Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi quá nhiều

Kinh doanh F&B thực sự là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm. Khi bạn mở một nhà hàng, mục đích lớn lao nhất chính làm nên những món ăn, thức uống ngon để thu hút khách hàng, mang lại doanh thu đều đặn. Điều này hoàn toàn đúng nhưng vẫn chưa đủ, để một nhà hàng tồn tại lâu dài và bền vững còn phụ thuộc vào trách nhiệm, ý thức, sự tự giác xuất phát từ cái tâm của người kinh doanh và của chính những nhân viên phục vụ, đầu bếp trong nghề.

Những người kinh doanh trong ngành ẩm thực thường phải đối mặt với áp lực lớn về lợi nhuận và các khoản chi phí khác nhau để tồn tại trong một thị trường đầy sự cạnh tranh. Đôi khi, việc không tuân thủ các quy tắc ATVSTP có thể tối ưu hóa lợi nhuận, giảm thiểu các khoản chi phí ngắn hạn. Chẳng hạn, sử dụng thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng hoặc giữ thực phẩm trong điều kiện không an toàn có thể giúp giảm chi phí lưu trữ và tiếp tục sử dụng nguyên liệu cũ mà không phải bỏ đi.

Ngoài ra, việc tuân thủ các quy tắc ATVSTP cũng đòi hỏi thời gian đào tạo đối với nhân viên. Nhiều doanh nghiệp có thể thấy việc đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc này là không cần thiết hoặc không có lợi nhuận đáng kể ngay lập tức.

Sự chủ quan, thiếu hiểu biết cũng là một yếu tố cần đề cập khi nói đến vấn đề ATVSTP hiện nay. Nhiều chủ quán ăn nhỏ thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của ATVSTP hoặc không nhận thức đầy đủ về các rủi ro liên quan. Họ có thể coi đây là một vấn đề nhỏ và không đủ quan trọng để thực hiện các biện pháp cần thiết. Không ít những chủ kinh doanh thực phẩm có suy nghĩ kiểu “Quán nào cũng thế chứ đâu phải riêng quán mình”, “Muốn đồ vừa rẻ vừa ngon thì chỉ được đến thế” hay “đã xác định ăn ngoài thì khách hàng phải chịu”,.... Chính những suy nghĩ hạn hẹp đó đã phần nào đẩy tình trạng thiếu ATVSTP trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngộ độc thực phẩm “hồi chuông reo” đến bao giờ?
Giun xào, rết xào, thằn lằn nấu canh - Rất nhiều món ăn độc lạ khiến thực khách phải khóc thét

Nặng hay nhẹ đều để lại những tổn thương

Một năm có không ít các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, nó không chỉ tác động đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng  trực tiếp đến công việc kinh doanh của chính doanh nghiệp, nhà hàng đó, nhẹ thì bị khách hàng tẩy chay, bị phạt hành chính, nặng thì đóng cửa, mất nghiệp hoặc ra tòa. Thế nhưng, phải chăng những “tấm gương” này chưa thực sự đủ mạnh hay do ý thức của người kinh doanh quá kém để vấn đề ATVSTP vẫn luôn trong tình trạng báo động, ngày một đánh mất niềm tin ở người tiêu dùng.

Dưới góc độ của người tiêu dùng, thông thường mỗi khi có một vụ ngộ độc thực phẩm tại một nhà hàng hoặc một thương hiệu cụ thể, người tiêu dùng thường sẽ mất niềm tin vào địa điểm đó. Họ có thể cảm thấy không an tâm về việc tiêu thụ thực phẩm tại đó trong tương lai. Nghiêm trọng hơn nữa, khi các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày càng nhiều không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin vào một doanh nghiệp cụ thể mà còn suy giảm niềm tin vào toàn bộ ngành thực phẩm và dịch vụ ẩm thực. Người tiêu dùng có thể trở nên nghi ngờ về quy trình sản xuất và cung ứng thực phẩm nói chung, và điều này có thể dẫn đến sự mất niềm tin vào ngành này.

Nói đi cũng phải nói lại, nhiều người tiêu dùng hiện nay cũng đang có tâm lý chấp nhận, tức là bên cạnh việc phẫn nộ, lo lắng, bức xúc khi sức khỏe của mình bị ảnh hưởng, không ít người vẫn ”tặc lưỡi” cho qua bởi đơn giản họ nghĩ rằng giờ tìm được thực phẩm sạch là chuyện không dễ, coi việc sử dụng thực phẩm bên ngoài cũng là đồng nghĩa với mất vệ sinh, kém an toàn. Thế nên mới có chuyện “Có người chịu ăn thì mình vẫn bán” hay “người ta ăn được mình cũng ăn được có sao đâu”.

ATVSTP là yếu tố sống còn với ngành du lịch

Thực phẩm ở các điểm du lịch là một phần quan trọng của ngành du lịch nói chung. Đặc biệt, hiện nay khi du lịch đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân, và du lịch kỳ nghỉ được xem là một cách tiêu dùng rất quan trọng đáp ứng nhu cầu hàng ngày của con người. Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động du lịch đều tập trung vào ẩm thực.Ví dụ, các lễ hội ẩm thực được tổ chức trên khắp đất nước, vì vậy tầm quan trọng của an toàn thực phẩm trong du lịch là không thể chối cãi. An toàn thực phẩm tại các điểm du lịch không chỉ liên quan đến sức khỏe của mỗi du khách mà còn làm nổi bật hình ảnh của một khu vực cũng như sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của khu vực đó. 

Vụ việc ngộ độc lần này tại cơ sở bánh mì Phượng (Hội An) có rất nhiều nạn nhân là du khách trong nước và cả nước ngoài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe du khách mà nhiều hoạt động nghỉ dưỡng, tour du lịch tại Hội An và điểm đến lân cận bị gián đoạn. Hình ảnh du lịch Hội An vốn xinh đẹp nhưng giờ được nhắc tới tràn lan trên báo chí, mạng xã hội đi liền với cụm từ “ngộ độc thực phẩm”.

Để giải quyết vấn đề này, chắc chắn cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm cả chính phủ, doanh nghiệp thực phẩm và ngành du lịch. Chỉ thông qua các biện pháp cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo ra môi trường an toàn cho người tiêu dùng, chúng ta mới có thể bảo vệ được sức khỏe của mọi người và duy trì sự phát triển của ngành du lịch.

Làm gì khi khách bị ngộ độc thực phẩm trong nhà hàng - khách sạn?

Ms. Smile

Tags:
Ngộ độc thực phẩm “hồi chuông reo” đến bao giờ?
4.9 (079 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN