Làm nghề khách sạn muốn trụ lâu nhất định phải NHẪN NHỊN?

Hết khách mắng, đến sếp quát, đồng nghiệp chửi… ai không đủ nhẫn mà nhịn cho qua thì bật lại. Ức một chút nhưng còn việc hay nói đã cái nư rồi khăn gói về nhà tìm chỗ làm mới? Bạn đã thử chọn chưa?

làm nghề khách sạn muốn trụ lâu nhất định phải nhẫn nhịn
Nhẫn để Nhịn là một trong những tính cách nên có khi theo nghề khách sạn

Ai chẳng có cái tôi NGÔNG

Mỗi người một tính và ai cũng có cái tôi. Có người thể hiện ra bên ngoài nhưng cũng có người giấu nhẹm vào trong.

Nhiều ngành nghề khuyến khích nhân viên thể hiện bản lĩnh, cái tôi khác biệt trong khi nghề khách sạn lại khuyên nhân viên kiểm soát cảm xúc cá nhân khi làm việc. Nghĩa là, họ không nên để cái tôi lấn át khi phục vụ khách hay trao đổi với đồng nghiệp, cái tôi ngông càng nguy hiểm hơn, rất dễ gây xung đột. Nhẹ thì cãi vả nhưng giảng hòa được, chuyện coi như êm. Nặng thì dẫn đến xô xát, đánh nhau, làm bể đồ đạc, hư hại tài sản, gây thương tích cho người, thậm chí có án mạng… Hậu quả thật sự không thể tưởng tượng nỗi.

Sai lầm lớn nhất của người làm dịch vụ là đặt cái tôi NGÔNG vào công việc

Bị mắng chửi oan: Bật lại?

Nhân viên khách sạn mới vào nghề hay có cái tôi ngông, khó kiềm chế cảm xúc khi cảm thấy mình bị mắng chửi oan hay bị xúc phạm về lời nói thì có thể nhẫn nhịn 1-2 câu đầu nhưng khi lòng tự ái bị chạm tới, không ít người mất kiểm soát về lời nói và hành động rồi bật lại:

- Khách chê món ăn không ngon, bạn quát: Giỏi thì tự vô bếp hay về nhà mình mà nấu rồi tự ăn, tự khen ngon.

- Khách chê giá phòng cao, phòng trang trí không đẹp, dịch vụ ít, bạn trợn mắt: Ngon thì tự bỏ tiền tự xây khách sạn, tự thiết kế rồi bán giá thấp hoặc free luôn cho sang.

- Khách khó tính, muốn thể hiện nên nhân viên làm gì khách cũng không hài lòng. Nào là trứng rán quá chín - bò áp chảo quá dai - salad quá nhão - mì quá khô… trong khi rõ ràng khách notes chính xác những yêu cầu như thế khi order. Bạn dạ dạ vâng vâng nhưng khách vẫn cho rằng nhân viên đang tỏ thái độ, không tôn trọng khách hàng.

- Bếp trưởng mắng phụ bếp chậm chạp, bạn vứt tạp giề bỏ về không cần việc.

- Quản lý mắng phục vụ làm việc riêng (dùng điện thoại) nhiều, bạn cãi lý không chịu nhận sai vì đã tế nhị dùng trong góc khuất hay xuống nhà vệ sinh rồi.

- Giám sát la lễ tân đi làm để mặt nhợt nhạt, bạn lầm lầm đi vào trong rồi ra lại với màu son hồng cánh sen đậm lòe.

- Bellman A chửi Bellman B xách vali chậm chạp khiến khách không vui nên không tip, Bellman B tức báo đau bụng vào nhà vệ sinh ngồi luôn để Bellman A một mình bơi giữa hàng tá hành lý của đoàn khách 30 người.

- Buồng phòng X chê buồng phòng Y dọn bẩn khiến mình phải dọn lại, chậm tiến độ, tan ca trễ, buồng phòng Y bực ôm trọn tiền tip mà không chia hay cho buồng phòng X biết.

- Và còn nhiều nhiều những tình huống, sự cố dở khóc dở cười khác. Có người sẽ bảo những “gạch đầu dòng” trên vô lý, chẳng nhân viên khách sạn nào đi đôi co hay tỏ thái độ với những chuyện vặt vãnh như thế này, thế mà có đó…

làm nghề khách sạn muốn trụ lâu nhất định phải nhẫn nhịn
Bạn đã lần nào bật lại khách - sếp - đồng nghiệp? Kết quả thế nào?

NHẪN - NHỊN được mới giỏi

Nếu hỏi nghề nào dạy con người ta cái tính nhẫn nhịn hiệu quả nhất, nhất định phải kể ngay đến ngành dịch vụ, điển hình là nghề khách sạn. Bởi, giữa vô vàn “thượng đế” và đồng nghiệp “lắm chiêu khó chiều”, dân ngành vẫn giữ được nụ cười chuẩn thân thiện cùng tác phong làm việc chuyên nghiệp. Qua thời gian, những người ở lại để thăng tiến và đợi thăng tiến đều giỏi chịu đựng, giỏi kiềm chế cảm xúc, giỏi “diễn” dù trong lòng đang sục sôi, chỉ muốn thẳng mặt nói lý lại cho hả giận, thỏa cái tôi, giành lại phần đúng, vì mình không sai.

Nghề dạy bạn nhún nhường trước khách kiếm chuyện, nhẫn nhịn khi bị sếp mắng, không cãi tay đôi với đồng nghiệp trong ca. Chuyện gì cho qua được thì cho qua, với ai cũng vậy. Trước là giữ hình ảnh đẹp cho khách sạn, sau là giữ hòa khí với nhau trong công việc. Dĩ nhiên, nếu đối mặt với tình huống quá quắc, bản thân bị vu oan hay xúc phạm mà vụ việc có tính nghiêm trọng, nếu quản lý đủ bản lĩnh và có tâm thường sẽ không ngần ngại đứng ra bênh vực và bảo vệ nhân viên của mình; còn không, chính nhân viên đó cũng nên đứng lên lấy lại công bằng cho mình. Trường hợp xấu nhất là mất việc. Tuy nhiên, nếu việc bật lại là cần thiết thì bạn tiếc gì một chỗ làm đến quyền lợi của nhân viên cũng không duy trì nỗi.

​Ms. Smile

Tags:
Làm nghề khách sạn muốn trụ lâu nhất định phải NHẪN NHỊN?
4.3 (233 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN