Hoạt động kinh doanh du lịch Việt vẫn đang thấp hơn trước đại dịch

Thời gian qua, rất nhiều bài báo tung hô rằng du lịch Việt đang có sự bứt tốc mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng dương vượt trội - hay lượng khách đến các trọng điểm du lịch tăng hơn cùng kỳ năm ngoái… Thế nhưng, thực tế thì hoạt động kinh doanh hiện vẫn đang thấp hơn trước đại dịch. Nghĩa là, ngành du lịch nói chung chưa thực sự phục hồi.

hoạt động kinh doanh du lịch Việt vẫn đang thấp hơn trước đại dịch

Tăng trưởng và phục hồi không đồng đều

Thống kê cho thấy, hoạt động kinh doanh khách sạn tại phần lớn các nước trên thế giới đang dần khôi phục về mức trước dịch Covid-19, ngoại trừ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đánh giá riêng tại Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan đang tăng trưởng tốt, cho thấy mức độ khôi phục cao. Trong khi đó, ghi nhận tại thị trường Việt Nam, hoạt động kinh doanh du lịch có khởi sắc nhưng vẫn thấp hơn năm 2019, thể hiện qua cả 2 chỉ số quan trọng là công suất phòng và giá phòng bình quân.

Theo các chuyên gia, có thể chia những yếu tố tác động đến thị trường du lịch - nghỉ dưỡng của Việt Nam thành 3 nhóm là: ngắn - trung và dài hạn. Mỗi nhóm này tác động đến quá trình và mức độ khôi phục của ngành khác nhau. Trong đó nổi bật nhất là do:

- Sự thiếu vắng của nguồn khách Trung Quốc, vốn chiếm đến 32% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019, khiến tình hình kinh doanh du lịch giảm sút đáng kể.

- Chi phí các chặng bay đường dài sau dịch trở nên đắt đỏ hơn trước tác động trực tiếp đến khả năng thu hút và mức độ khôi phục của một số thị trường khách, điển hình như khách châu Âu. So với cùng kỳ năm 2019, tổng lượt khách châu Âu đến Việt Nam thấp hơn khoảng 38%.

Với thị trường khách châu Á, tổng kết 8 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách đến cũng cho số liệu thấp hơn mức trước đại dịch đến 32%. Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế đến lớn nhất, tuy nhiên tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức cùng kỳ năm 2019. Khách Trung đang dần tăng trở lại, đạt khoảng 950 nghìn lượt khách nhưng chỉ tương đương mức 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường khách châu Mỹ và châu Úc cũng ghi nhận mức thấp hơn khoảng 8% so với cùng kỳ trược đại dịch.

Chậm khôi phục cầu trong khi cung dư thừa

Trong khi nguồn cầu đang được đánh giá là chậm khôi phục nhưng lại ghi nhận tình trạng dư thừa nguồn cung. Các điểm đến ven biển cho thấy mức độ gia tăng đáng kể, tạo thêm thách thức cho hoạt động kinh doanh khách sạn nói riêng và khôi phục du lịch nói chung.

Thống kê cho biết, từ năm 2016, trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 15.000 phòng ở phân khúc trung và cao cấp gia nhập thị trường kinh doanh dịch vụ lưu trú. Đến nay, nguồn cung phòng đã gia tăng lên gấp đôi chỉ trong vòng 6 năm.

Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam cơ bản có tăng nhưng vẫn đang thấp hơn mức trước đại dịch gần 20%. Trong 8 tháng đầu năm 2023, công suất phòng trung bình của thị trường du lịch Việt chỉ đạt mức 40% trong khi đó Thái Lan, Philippines, Indonesia, Maylaysia đã vượt mốc hơn 50%, nổi trội có Singapore gần đạt mức 75%.

Xét riêng tại thị trường trong nước, quá trình và mức độ khôi phục hoạt động kinh doanh đang diễn ra không đồng đều, tại các điểm đến trọng điểm. Phú Quốc được ghi nhận là 1 trong những thị trường kém hiệu suất nhất khu vực Đông Nam Á khi công suất phòng trung bình chỉ đạt mức 30%. Tỷ lệ này cũng được ghi nhận tại khu vực Nha Trang - Cam Ranh, tuy nhiên, mức độ khôi phục lại được xếp cao hơn do mức giá phòng bình quân thấp hơn. Khu vực TP.HCM và Hà Nội được đánh giá khôi phục tốt hơn, đạt mức công suất trung bình hơn 60%, nhưng vẫn thấp hơn trước đại dịch.

Chính tác động cộng hưởng về sự chênh lệch của 2 yếu tố cung-cầu khiến hoạt động kinh doanh khách sạn - du lịch tại Việt Nam bị chậm khôi phục so với kỳ vọng hay với các quốc gia khác trong khu vực.

hoạt động kinh doanh du lịch Việt vẫn đang thấp hơn trước đại dịch
Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng phát triển du lịch

Thay đổi ngay để nhanh phục hồi và phát triển hơn nữa

Các chuyên gia nghiên cứu và phát triển du lịch nhận định, để ngành du lịch Việt Nam khôi phục nhanh, phát triển bền vững và cạnh tranh hiệu quả với các nước trong khu vực cần chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn đến thị trường quốc tế, cùng với đó là thực hiện quảng bá hình ảnh đặc trưng và phù hợp của từng địa phương.

Ngoài ra, việc gia tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 ngày cũng là cách hay khi tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ nhóm khách nghỉ dưỡng, mà cả khách công vụ có kế hoạch đến Việt Nam khi không bị giới hạn bởi số lần nhập cảnh.

Bên cạnh đó hãy cân nhắc đến việc thiết lập các văn phòng đại diện quảng bá hoạt động du lịch Việt Nam tại các thị trường quốc tế tiềm năng để thu hút và kích thích khách quốc tế đến.

Một sai lầm nữa cần được nhìn nhận đó là không ít chủ đầu tư hơi vội vàng trong việc gia nhập vào thị trường kinh doanh khách sạn mà chưa có sự đánh giá thấu đáo và chính xác về điều kiện phát triển tại thị trường địa phương đó, thậm chí họ cho rằng tất cả các mô hình kinh doanh lưu trú đều như nhau và có thể hoạt động hiệu quả. Chính điều này khiến công tác hoạch định, triển khai và điều hành thực tế không được thực hiện chỉn chu và đúng đắn, kết quả kinh doanh mang lại không cao nếu không muốn nghĩ đến trường hợp sớm bị đào thải khỏi thị trường.

Thêm nữa là thay đổi nhận thức và định hướng kinh doanh, thu hút thêm thị trường khách tiềm năng mới, đơn cử như du khách Ấn Độ, là một trong những mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Từ A đến Z Cẩm nang phục vụ khách Ấn

(Theo CafeF)

Tags:
Hoạt động kinh doanh du lịch Việt vẫn đang thấp hơn trước đại dịch
4.2 (952 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN