Thay vì “nằm im” quan sát thêm thì hiện khá đông cửa hàng, quán ăn, nhà hàng tại TP.HCM và các tỉnh, thành kiểm soát dịch tốt đang dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, trong khi lượng khách đông hơn, đơn hàng tăng hơn nhưng quán lại không có người phục vụ…
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh “xanh” tăng
Hoteljob.vn từng lên bài “lạ lùng hàng quán Sài Gòn vẫn “cửa đóng then cài” dù chính quyền cho phép hoạt động trở lại” bởi các quy định để được mở cửa gặp nhiều bất cập, nhất là tuân thủ “3 tại chỗ”, “4 tự”, nhân viên cần tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid và được test nhanh âm tính 3 ngày/ lần; chưa kể phí ship, phí nguyên vật liệu tăng cao; shipper chỉ được giao hàng trong nội quận… khiến các hàng quán dù rất muốn tái hoạt động nhưng tự thấy nguy cơ lỗ vốn cao, thu không đủ bù chi nên họ e dè, bất động đợi coi tình hình.
Tuy nhiên, đến hiện tại, sau khoảng 2 tuần khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ về mặt pháp lý, số “doanh nghiệp xanh”, “hộ kinh doanh xanh” dần tăng lên. Thống kê tại quận 7 có 150 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống đăng ký bán mang đi; các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; nhà thuốc; dịch vụ công chứng… cũng được cấp phép hoạt động trở lại; đồng thời vẫn nhận đăng ký thêm để tiếp tục gắn bảng “xanh” cho các đơn vị có nhu cầu - đáp ứng đủ điều kiện trên địa bàn.
Mở cửa nhưng gặp khó
Chia sẻ với Hoteljob.vn, nhiều chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cho biết họ vẫn còn khá lúng túng và gặp đôi chút khó khăn cho hoạt động thí điểm mở cửa trở lại theo chủ trương của thành phố. Trong đó, thiếu nhân sự, không có người làm là bất cập lớn nhất.
“Quán hiện mở bán được 1 tuần nhưng mọi việc từ sơ chế, chế biến cho đến nhận đơn, lên đơn, thanh toán và dọn dẹp đều một tay mình làm hết. Bởi quy định nhân viên bán hàng, phục vụ phải được tiêm vaccine đầy đủ nên quán vẫn chưa tuyển được người phụ; công suất bán vì thế mà giảm đáng kể, ước chừng khoảng 50% so với trước dịch” - chị Hạnh, chủ quán bún bò trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 cho biết.
Với những cơ sở cần nhiều nhân sự, ngoài việc thiếu lao động thì khâu tổ chức “3 tại chỗ” khiến họ bỡ ngỡ. Vì khó khăn về mặt tài chính, không gian trống ít, thời gian gấp, tâm lý nhân viên hoang mang…
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiếp cận với quy định kinh doanh theo phương thức “3 tại chỗ” nên khâu chuẩn bị và áp dụng gặp nhiều bất cập. Từ chỗ chi phí phát sinh cao do phải lo ăn - ngủ - nghỉ - sinh hoạt cho hàng chục nhân viên; cho đến bố trí cơ sở vật chất, tiện ích cá nhân cho từng người ở lại; hay đảm bảo trật tự, an toàn phòng dịch trong và sau giờ làm…” - đại diện chuỗi trà sữa có tiếng ở quận 7 chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc bị “đội giá” chi phí nguyên vật liệu, phí giao hàng lên gấp 2-3 lần so với bình thường cũng khiến các cửa hàng bất lực đóng cửa tiếp. “Ly cà phê 100.000 đồng hay tô bún bò 300.000 đồng liệu được bao nhiều người dám đặt mua?”
Cứ “án binh bất động” đợi thêm
Khác với kỳ vọng của nhiều người, không ít chuỗi F&B lớn khác chọn cách đứng ngoài để quan sát phản ứng của người tiêu dùng đồng thời đánh giá hiệu quả hoạt động của các hàng quán thí điểm. Nhiều nhà quản lý có bề dày kinh nghiệm trong ngành cho rằng hiện tại chưa phải là lúc thích hợp để ngành F&B “hồi sinh” bởi những bất cập nhìn thấy rõ (như đã phân tích). Có người còn dự định kéo dài kế hoạch mở cửa lại cho đến đầu, thậm chí giữa năm sau, khi vaccine được phủ rộng hơn và tình hình dịch ổn hơn. Còn giờ thì: tuyển nhân sự không ra, chi phí gì cũng tăng cao, phạm vi kinh doanh lại hạn chế, thuê mặt bằng mà chỉ được bán mang đi thì chắc chắn lỗ - nên thôi cứ đợi thêm rồi hẳn tính…
(Theo VnExpress)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên