Sáng 8/9, Hội thảo “Giải pháp thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” đã được diễn ra tại Hà Nội với mục đích xin ý kiến về một số nội dung, xu hướng, nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch Ấn Độ, theo đó đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi nhằm thu hút du khách Ấn Độ đến Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo số liệu thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đạt 141.000 lượt trong tổng số 5,6 triệu lượt khách quốc tế. Ấn Độ mạnh mẽ vươn lên xếp vị trí thứ 10 trong số các thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam có xu hướng tăng mạnh những năm gần đây, tuy nhiên những con số này vẫn được đánh giá là rất nhỏ so với tiềm năng mà thị trường Ấn Độ có thể mang lại. Chính vì vậy, du lịch Việt Nam đang không ngừng hướng tới triển khai các nhiệm vụ nhằm nghiên cứu, khai thác tối đa thị trường Ấn Độ trong những giai đoạn tới.
Hội thảo lần này cũng là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giao Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện. Với sự tham gia của rất nhiều các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã đem đến nhiều thông tin, góc nhìn khác nhau và chi tiết về thị trường khách du lịch Ấn Độ cũng như những giải pháp thiết thực nhằm thu hút, khai thác tiềm năng nguồn khách từ đất nước đông dân thứ 2 thế giới này, một số nội dung tiêu biểu được đưa ra như:
-
Những vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch Ấn Độ.
-
Phát triển sản phẩm du lịch phục vụ khách Ấn Độ tại Việt Nam trong thời gian qua và bài học cho thời gian tới.
-
Chia sẻ kinh nghiệm trong thu hút và phục vụ thị trường khách du lịch Ấn Độ.
-
Dự báo một số triển vọng thu hút thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam trong bối cảnh mới.
-
Những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm du lịch thu hút thị trường khách Ấn Độ.
-
Kinh nghiệm của Ấn Độ về truyền thông sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe thông qua khách du lịch đến nước sở tại.
-
…
►Chi tiết về những nội dung trên bạn đọc có thể tham khảo Tại đây!
Một số đặc điểm đặc trưng của khách du lịch Ấn Độ
Muốn phục vụ tốt bất kỳ một vị khách nào thì việc đầu tiên và quan trọng chính là tìm hiểu về những đặc trưng tính cách, tôn giáo, ẩm thực, văn hóa của đất nước họ. Ấn Độ là một nước lớn với sự phân cấp tầng lớp xã hội khác nhau, tuy nhiên tự chung lại họ sẽ mang những đặc trưng sau:
Tính cách dân tộc:
- Phong tục tập quán Ấn Độ gắn bó chặt chẽ với đẳng cấp và lễ nghi tôn giáo. Mỗi cử chỉ hành vi của con người đều bị bó buộc trong những quy định chặt chẽ. Tại Ấn Độ, hai người có địa vị xã hội khác nhau không bao giờ ngồi cùng một bàn ăn. Một điều rất hay là dù có sự phân biệt giai cấp nhưng cách sống của họ lại không có sự phân biệt. Người giàu cũng ăn uống, sinh hoạt giản dị như người bình dân, khoảng cách nhu cầu hưởng thụ giữa họ không quá khác biệt.
- Người Ấn dễ mở lòng, dễ bỏ qua, nhu hòa và điềm tĩnh. Nếu có một cuộc va chạm giao thông nhẹ trên đường, họ sẽ không tranh cãi, phân thắng bại được thua, bực lắm thì chỉ làu bàu vài câu rồi đứng dậy tự lo giải quyết hậu quả.
- Người Ấn Độ nói chung rất sùng đạo.
- Người Ấn Độ coi bò là con vật linh thiêng, coi chim công là điềm lành, thích màu xanh da trời, vàng, tím,... đồng thời họ kỵ mày đen và màu trắng.
- Trong giao tiếp, người Ấn Độ thường chào nhau bằng cách chắp hai tay trước ngực, cách chào này thể hiện sự tôn trọng đối phương giao tiếp khi người đó ở địa vị bề trên tôn kính. Còn những người quen biết ngang hàng nhau thường chào nhau bằng cách mỉm cười và lúc lắc cái đầu.
- Giới thượng lưu, trí thức ở các thành phố lớn thường chào nhau bằng tiếng Anh và bắt tay nhau. Tuy nhiên, cần tránh hết sức việc chào bằng cách bắt tay với người phụ nữ Ấn Độ nếu chưa được cho phép và hiểu rõ về họ.
Về khẩu vị ăn uống:
- Khẩu vị ăn uống của người Ấn Độ khá đặc sắc. Họ thường dùng các gia vị như: bột cà ri, ớt, hồ tiêu đen, gừng, tỏi, hồi, quế,... trong chế biến, trong đó phổ biến nhất là bột cà ri. Đa số các món ăn của Ấn Độ đều có bột cà ri. Các món ăn của người Ấn Độ thường cay, có nhiều gia vị và rất dậy mùi.
- Đa số người Ấn Độ ăn bốc, dùng tay phải bốc thức ăn.
- Do yếu tố tín ngưỡng, thói quen và cách ăn uống của người Ấn Độ theo tôn giáo khác nhau cũng khác nhau. Những tín đồ Ấn Độ giáo tuyệt đối không ăn thịt bò, tín đồ Hồi giáo không ăn thịt lợn, không uống rượu nhưng lại rất thích thịt bò.
- Người Ấn Độ thích uống trà, thường là trà đen có pha sữa, đôi khi thêm một ít gừng và thưởng thức nóng.
Về tiêu dùng du lịch:
- Mục đích chính chuyến đi là tham quan, nghỉ dưỡng nhiều nhất, ngoài ra còn có hội nghị, hội thảo, …
- Thích đến thăm các thành phố lớn nổi tiếng về phong cảnh, lịch sử và văn hóa.
- Khách Ấn có khả năng thanh toán trung bình, thường sử dụng các dịch vụ có thứ hạng trung bình khá.
- Khi đi du lịch, người Ấn Độ muốn được tôn trọng các đặc điểm về tôn giáo, phong tục tập quán và các nghi lễ của mình.
- Du khách Ấn Độ không đưa tiền boa, trừ phi họ được yêu cầu. Việc đưa tiền boa được xem là một hành động đẹp, nhưng không bắt buộc tại Ấn Độ.
Một số điều kiêng kị:
- Khi đưa, nhận hoặc chuyển những món đồ cho khách Ấn, phải dùng tay phải, như thế mới tỏ rõ sự tôn trọng và thành ý của mình. Đừng bao giờ đưa thứ gì đó cho người khác bằng tay trái vì với người dân nước này, bàn tay trái được xem là bàn tay không sạch sẽ do sử dụng đụng chạm nhiều vào những khu vực ô uế, dơ bẩn.
- Khi tặng một món quà cho người Ấn, không nên gói quà bằng giấy màu đen hay trắng, vì hai màu sắc này tượng trưng cho sự xui xẻo. Ngoài ra, cũng nên tránh tặng những vật mang biểu tượng con chó. Vì người Hồi giáo quan niệm rằng chó là một loài vật không được sạch sẽ.
- Tránh tặng quà được làm từ da thuộc hay hoa đại. Không tặng những loại hoa có mùi thơm cho người Ấn, bởi những loại hoa đó chỉ dùng trong lễ tang.
- Không nên mở quà ngay trước mặt người tặng vì điều đó được xem là mất lịch sự.
Các vấn đề thường gặp đối với khách Ấn Độ ở Việt Nam
Ấn độ là một đất nước đông dân nhất nhì thế giới, sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng khiến du khách Ấn Độ cũng từ đó mà mang những đặc trưng riêng, khác biết với nhiều thị trường du lịch khác. Trong quá trình phục vụ du khách Ấn Độ, những người làm du lịch Việt Nam chắc hẳn gặp rất nhiều vấn đề, trong đó có lẽ tiêu biểu phải kể đến như:
- “Mặc cả” và “đi chợ”
Trên thực tế, tất cả các thị trường nói chung đều quan tâm đến giá cả, tuy nhiên du khách Ấn Độ được đánh giá là “nhạy cảm về giá”, họ rất khắt khe trong quá trình kiểm duyệt giá cả cho chuyến đi của mình.
Du khách Ấn độ sẽ sử dụng tất cả các lợi thế mà họ có thể có để lấy được thông tin về giá cả các dịch vụ cho chuyến đi làm cơ sở đàm phán “giá cả” với bạn. Du khách Ấn Độ tự coi mình là chuyên gia về du lịch bởi vậy họ dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về điểm đến, giá cả dịch vụ trước khi lựa chọn điểm đến.
Họ sẽ tạo áp lực cho bạn bằng cách thay đổi yêu cầu dịch vụ liên tục, thúc giục bạn trả lời ngay và luôn để cho họ báo giá hay yêu cầu bạn bóc tách từng dịch vụ riêng lẻ để họ chắc chắn rằng bạn đã chào cho họ mức giá ưu đãi nhất. Và họ sẽ không chỉ “mặc cả” từ trước chuyến đi, mà còn cả trong quá trình thực hiện dịch vụ và kể cả khi đã kết thúc dịch vụ ???
- Đi du lịch nước ngoài nhưng du khách Ấn Độ luôn luôn yêu cầu ẩm thực Ấn Độ trong chuyến đi
Không thể phủ nhận rằng Ấn Độ có một nền văn hoá ẩm thực vô cùng đặc sắc và nổi tiếng trên thế giới. Du khách Ấn Độ rất tự hào về ẩm thực Ấn Độ không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn cực kỳ ngon. Và đặc biệt họ luôn có yêu cầu sử dụng ẩm thực quê hương trong hầu hết các chuyến du lịch của mình. Thậm chí, có một số đối tượng du khách còn tự mang theo đầu bếp của chính vùng miền mình, các đầu bếp này sẽ tự chuẩn bị các gia vị mang theo trong suốt hành trình.
Ẩm thực Ấn Độ có thể là một kho tàng kiến thức cho bất cứ công ty du lịch, điểm đến du lịch Việt Nam nào đang khai thác thị trường Ấn Độ nghiên cứu.
- Đòi hỏi nhiều và thay đổi nhiều
Đối với du khách Ấn Độ Việt Nam là điểm đến mới và chỉ thực sự trở thành điểm “hot” đối với du khách Ấn Độ từ sau đại dịch Covid. Khách du lịch Ấn Độ chưa có nhiều kiến thức hiểu biết về du lịch Việt Nam, mỗi yêu cầu của du khách Ấn độ thường được yêu cầu sửa đổi nhiều lần cho phù hợp.
Thói quen thích thay đổi không chỉ ở khi xuất hiện khi gửi yêu cầu, nó sẽ được tiếp diễn tới ngày khách đến, trong quá trình sử dụng dịch vụ... vẫn luôn có sự điều chỉnh và kể cả sự điều chỉnh đó được tính phí.
Thông qua hội thảo, đại diện Hoteljob.vn cũng đã đưa ra những ý kiến rất thiết thực đối với thị trường khách du lịch Ấn Độ cũng như những giải pháp trong việc thu hút khách Ấn đến Việt Nam. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính:
Đầu tiên, đào tạo nhân sự về văn hoá và cách phục vụ là yêu cầu mà các điểm đến du lịch, khách sạn, nhà hàng cần ưu tiên, không chỉ với du khách Ấn Độ mà còn với các thị trường khách nước ngoài khác. Riêng với khách Ấn Độ có thể chuẩn bị phòng mát trước, khăn tay lạnh có mùi hương... ghi chú chi tiết những món đồ miễn phí để tránh xảy ra hiểu nhầm. Ngoài ra, cung cách phục vụ của đội ngũ nhân viên cần được đào tạo phù hợp với tôn giáo, văn hóa của đất nước họ.
Vấn đề thứ 2, du khách Ấn Độ trước khi sang Việt Nam chắc chắn sẽ tìm hiểu thông tin, vậy thì họ tìm hiểu thông tin ở các nguồn nào? Việc đưa văn hóa nước mình vào các trang thông tin, bài viết mà người Ấn Độ hay tìm hiểu trước khi đi du lịch cũng là một giải pháp truyền thông tốt. Cùng với đó, các công ty lữ hành cũng cần đào tạo nhân sự để khi đón khách tại sân bay, trên đường di chuyển về khách sạn và trong cả cuộc hành trình, mình đều có thể truyền tải được văn hóa của đất nước mình tới họ. Đó là những chi tiết nhỏ nhưng mang lại tác động rất lớn và lâu dài.
Một vấn đề nữa được bàn đến khi nhiều chuyến bay thẳng gia tăng khiến lượng khách Ấn Độ tăng đột ngột, từ đó dẫn đến các điểm du lịch lớn sẽ bị áp lực và phục vụ không được tốt. Vậy nên, việc mở rộng điểm du lịch ra phạm vi xung quanh giúp giảm phần nào áp lực ở khu du lịch trọng điểm, phát triển du lịch đồng đều ở những điểm khác. Ví dụ, cách Hội An 80-100km, về phía Quảng Ngãi cũng có các điểm như Ba Làng An, Thảm sát Mỹ Lai, núi Thiên Ấn… . Những địa điểm hoàn toàn có thể khai thác để góp phần phát triển du lịch rộng rãi và đồng đều hơn.
Link tải nội dung hội thảo “Giải pháp thu hút khách du lịch Än Độ đến Việt Nam”
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên