Gần 7.000 phòng phục vụ mới trong 6 tháng - Đà Nẵng có đang “bội thực” cơ sở lưu trú?

Thống kê từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố này mọc mới thêm 90 khách sạn và cơ sở lưu trú, phục vụ mới 6.712 phòng theo chiến lược nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nơi đây, phục vụ tối đa và đa dạng các lựa chọn lưu trú của du khách, hướng tới mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu về du lịch.

đà nẵng có đang bội thực cơ sở lưu trú
Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Hoàng Sa, Hà Bổng... là những tuyến đường dày đặt khách sạn tại Đà Nẵng

Đà Nẵng hiện có gần 900 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 36.000 phòng phục vụ

Tính đến hết tháng 6/2019, toàn thành phố Đà Nẵng hiện có gần 900 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 36.000 phòng phục vụ; trong đó, có gần 700 khách sạn 1-3 sao và tương đương - 80 khách sạn 4-5 sao và tương đương - số còn lại là biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự, căn hộ đạt chuẩn, bãi cắm trại, nhà nghỉ có phòng cho thuê đạt chuẩn – đứng thứ 2 cả nước, sau Tp.HCM về cơ sở lưu trú du lịch.

Như vậy, nếu năm 2016 có gần 3.000 khách sạn mới được đưa vào hoạt động, tổng số phòng là 21.000 – năm 2017 - 2018 có thêm 6.000 phòng thì chỉ trong nửa đầu năm 2019, Đà Nẵng đã phục vụ mới gần 7.000 phòng, mọc mới gần 100 khách sạn, tăng gần như gấp đôi số lượng lớn phòng phục vụ khách lưu trú, trong đó, dày đặc nhất vẫn phải kể đến những tuyến đường biển thuộc 2 quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà…

Tăng số lượng lớn cơ sở lưu trú, Đà Nẵng có đang thừa phòng phục vụ?

Mặc dù đại diện Sở Du lịch TP thông tin “đã có chiến lược về lâu dài để nâng cấp cơ sở hạ tầng, phù hợp với phát triển” – tuy nhiên, nhiều chuyên gia Bất động sản, Giám đốc, Quản lý có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cho biết “việc tăng trưởng quá mạnh các loại hình lưu trú, nhất là phân khúc khách sạn từ 1-3 sao khiến Tp.Đà Nẵng rơi vào khủng hoảng thừa”.

Để biện chứng cho điều này, rất nhiều dẫn chứng khá thuyết phục được đưa ra:

Khách sạn 1-3 sao đua nhau mọc “như nấm sau mưa”…

Hoteljob.vn đã từng có bài đưa tin về thực trạng phân khúc khách sạn 1-3 sao mọc lên dày đặc tại các trục đường ven biển thuộc 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn; thậm chí, nhiều người ví tuyến đường biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa là “cung đường khách sạn tỷ đô” với hàng trăm khách sạn “cao chọc trời” mọc san sát nhau, cả đã hoạt động và đang trong quá trình thi công xây dựng. Ngoài ra, còn phải kể đến các tuyến đường khác như Hà Bổng, Hồ Nghinh, Nguyễn Văn Thoại… Thậm chí, nhiều cung đường chỉ khoảng 500m nhưng lại có đến 50-70 khách sạn; xe khách, taxi, oto con chen lấn, bấm còi inh ỏi cả một khu dài.

đà nẵng có đang bội thực cơ sở lưu trú
Đường Hà Bổng chỉ vỏn vẹn 500m nhưng đang “gánh” gần 50 khách sạn

 

Thống kê cho thấy, trong tổng số gần 900 cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng (tính đến hết tháng 6/2019), có tới gần 700 khách sạn 1-3 sao và tương đương. Như vậy, số lượng khách sạn thuộc phân khúc tầm trung đang áp đảo hoàn toàn. Và mặc dù lượng khách đến Đà Nẵng có tăng (tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái) – số khách mà các cơ sở lưu trú phục vụ cũng tăng (khoảng 34,4% so với cùng kỳ 2018) – tuy nhiên, hiện tại, lượt khách đến vẫn chưa đủ đáp ứng cho nguồn cung cơ sở lưu trú trên địa bàn, vì thế, tỷ lệ phòng trống dĩ nhiên vẫn sẽ còn rất nhiều, điều này lý giải vì sao công suất buồng phòng bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ ước đạt 50-60%, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước - rõ ràng, việc tăng nhanh về số lượng khiến Đà Nẵng đang rơi vào cuộc “khủng hoảng” thừa khách sạn.

Nếu tình trạng “cháy phòng” vào mùa cao điểm (du lịch hè), các dịp lễ hội lớn trong năm tại Đà Nẵng là “chuyện thường ngày” của những năm trước đây thì nay, thực trạng đáng buồn là dù đang trong giai đoạn diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế, kèm theo là du lịch mùa cao điểm, nhưng không nhiều khách sạn thông báo “full phòng”, khách sạn 1-3 sao thì chật vật quảng cáo để bán phòng.

… và nhiều hệ lụy tiềm ẩn đi kèm

  • Sự phát triển quá nhanh và ồ ạt các cơ sở lưu trú dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh và đồng đều giữa các khách sạn với nhau để thu hút và giữ chân khách.
  • Mặt khác, chính nhu cầu việc làm khách sạn tại Đà Nẵng quá lớn khiến tình trạng tuyển dụng nhân sự không đảm bảo, nhiều nơi chấp nhận tuyển số lượng lớn ứng viên chưa có kinh nghiệm vào phục vụ ngay, quá trình đào tạo và quản lý thiếu sát sao khiến năng lực đội ngũ nhân sự thiếu chuyên nghiệp; chưa kể, một số nơi vẫn “khát” lao động có kinh nghiệm đảm nhận các vị trí quản lý bộ phận, quản lý cấp cao…

Tham khảo thêm: Danh sách các khách sạn HOT tại Đà Nẵng sắp khai trương tuyển dụng 

  • Chất lượng dịch vụ phục vụ không đạt chuẩn, thiếu kỹ năng và chuyên nghiệp khiến tình trạng du khách phàn nàn, vote sao/ điểm thấp không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín cơ sở kinh doanh dịch vụ, mà nghiêm trọng hơn, còn ảnh hưởng đến cả thương hiệu du lịch Đà Nẵng.
  • Việc gia tăng ngày càng nhiều cơ sở lưu trú cũng sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng địa phương, giao thông, sinh hoạt, nước sinh hoạt, an ninh trật tự…
  • Đặc biệt, mới đây, hàng loạt khách sạn ở Đà Nẵng đã bị xử lý vi phạm về việc xử lý nước thải không đúng quy định và xả thải trực tiếp ra môi trường biển; vi phạm trong cấp phép xây dựng…
đà nẵng có đang bội thực cơ sở lưu trú
Hàng loạt khách sạn đang thi công dở dang trên các tuyến đường ven biển Đà Nẵng

Không thể phủ nhận Du lịch chính là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng. Tuy nhiên, với mức độ tăng mạnh và ồ ạt các cơ sở lưu trú phân khúc trung bình - thấp như hiện nay, cùng những hệ lụy đi kèm sẽ chỉ mang đến những bất cập và khó khăn khó giải quyết cho không chỉ cơ quan ban ngành, mà còn cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú trong phục vụ khách, tuyển dụng - đào tạo và quản lý nhân viên…

Ms. Smile

Gần 7.000 phòng phục vụ mới trong 6 tháng - Đà Nẵng có đang “bội thực” cơ sở lưu trú?
4.1 (151 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN