ESG là gì? Làm thế nào để tăng chỉ số ESG, tăng cạnh tranh thương hiệu?

Phát triển kinh doanh gắn với sự bền vững và bảo vệ môi trường ngày càng được nhiều tổ chức, doanh nghiệp quan tâm. Nhưng làm thế nào để đánh giá được doanh nghiệp có đang phát triển đúng hướng và hiệu quả? ESG là tiêu chí đánh giá có tính chính xác cao. Bạn đã biết ESG là gì? Cách đánh giá theo ESG cụ thể ra sao? Cùng Hoteljob tìm hiểu chi tiết nhé!

ESG là gì

Không còn là phong trào, ESG hiện được xem là chìa khóa cho xu hướng phát triển du lịch mạnh mẽ và dài hạn. Vậy ESG là gì mà quan trọng đến thế?

ESG là gì?

ESG là viết tắt của 3 từ Environmental – Social – Governance, tức Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 yếu tố chính thường được dùng để đo lường tính hiệu quả và bền vững của một tổ chức hoặc công ty, trong định hướng phát triển và hoạt động thực tế, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, giúp xác định rủi ro và cơ hội cũng như mức độ ảnh hưởng cụ thể khi áp dụng vào vận hành.  

Quá trình đánh giá sẽ quy ra điểm số. Điểm ESG càng cao thì càng cho thấy thương hiệu đang thực hành và vận dụng tốt ESG trong kinh doanh, sản xuất và quản lý.

Ngày nay, ESG được xem là tiêu chí quan trọng trong mục đích đánh giá và đầu tư vào các tổ chức, công ty để tạo ra các giá trị bền vững không chỉ cho tổ chức, công ty đó mà cho cả cộng đồng và môi trường.

Chi tiết 3 chỉ số của ESG

Cụ thể:

+ Environmental (Môi trường) đo lường tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường sống trong suốt quá trình sản xuất, vận hành và quản lý doanh nghiệp. Bao gồm các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý nguồn tài nguyên tự nhiên trong môi trường, xử lý và tái chế chất thải, giảm thiểu ô nhiễm.

+ Xã hội (Social) đo lường tác động của hoạt động kinh doanh đến xã hội, bao gồm quan hệ lao động, an sinh xã hội, điều kiện làm việc của nhân viên, tính đa dạng - công bằng và hòa nhập, môi trường làm việc an toàn.

+ Goverance (Quản trị) đo lường cách thức quản lý và điều hành của tổ chức, công ty; bao gồm chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, minh bạch thông tin, tính đa dạng và hòa nhập của hội đồng quản trị.

ESG là gì

Đầu tư vào ESG mang lại ích lợi gì?

Rõ ràng, từ những chỉ số đánh giá cụ thể theo ESG, chúng ta dễ dàng thấy được sự cần thiết nên áp dụng tiêu chuẩn này vào vận hành và quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành du lịch - khách sạn.

Phát triển ngành du lịch - khách sạn theo hướng bền vững không còn lạ mà nay gần như đã trở thành xu hướng. Cơ quan ban ngành khuyến khích doanh nghiệp theo đuổi, quản lý cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của kiểu phát triển này, khách hàng ngày càng đánh giá cao doanh nghiệp có các hoạt động mang tính bền vững và bảo vệ môi trường. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng sử dụng bộ tiêu chí ESG để đánh giá công ty đối tác trước khi ra quyết định bỏ vốn.

Ngoài ra, đầu tư vào ESG giúp tăng cường uy tín của doanh nghiệp; giảm thiểu các rủi ro về pháp lý, tài chính; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm chi phí và tiết kiệm nguồn tài nguyên; đóng góp tích cực cho xã hội, địa phương và môi trường…

Làm thế nào để chỉ số ESG cao?

Như đã nói ở phần “ESG là gì?”, đây là tiêu chuẩn đánh giá tính hiệu quả trong phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, quan tâm đến môi trường và chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác quản trị, quản lý. Do đó, các doanh nghiệp đều nỗ lực đầu tư để gia tăng điểm đánh giá ESG. Bởi, chỉ số này càng cao thì càng cho thấy thương hiệu đang phát triển theo hướng tích cực, được giới chuyên gia, nhà đầu tư và khách hàng đánh giá cao, tăng khả năng cạnh tranh khi tìm kiếm đối tác lẫn khách hàng.

Để ESG cao doanh nghiệp cần xem xét cẩn thận sự tác động của kế hoạch kinh doanh đến môi trường, hiệu suất xã hội và quản trị doanh nghiệp trong hoạt động vận hành thực tế.

Dưới đây là một số bước giúp cải thiện điểm số của chỉ số ESG:

- Năng lượng xanh, tái tạo: đầu tư vào các nguồn năng lượng xanh, tái tạo như mặt trời, gió và thủy điện. Ngoài ra, triển khai các thiết bị tiết kiệm năng lượng và chiếu sáng để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng.

- Sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm. Chẳng hạn: xử lý nước xám, tái chế nước, thu gom nước mưa… Ngoài ra, giáo dục nhân viên và khuyến khích khách hàng về thói quen sử dụng nước tiết kiệm và phù hợp.

- Giảm thiểu chất thải: áp dụng các phương án phân loại rác đúng quy chuẩn, thực hiện chương trình tái chế, ủ phân và tặng đồ cũ cho cộng đồng địa phương, khuyến khích nhân viên và khách hàng tham gia vào các hoạt động giảm thiểu chất thải.

- Mua sắm bền vững: ưu tiên và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tác động đến môi trường. Chọn lựa chuỗi cung ứng hỗ trợ các hoạt động nông lâm nghiệp bền vững và có phương thức vận chuyển xanh.

- Xoay quanh cộng đồng địa phương: hỗ trợ phát triển văn hóa và bảo tồn di sản thông qua thuê mướn lao động người địa phương, sử dụng nguyên liệu bản xứ và quyên góp cho quỹ từ thiện, dự án xã hội tại địa phương.

- Đào tạo và giáo dục nhân viên: tạo ra một chương trình đào tạo tích hợp các khái niệm về tính bền vững, ESG và ý nghĩa của chúng đối với doanh nghiệp.

- Đo lường và giám sát: thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ của kế hoạch bền vững, đồng thời tinh chỉnh nó nếu cần thiết. Sử dụng dữ liệu và phản hồi để đưa ra quyết định phù hợp dựa trên bằng chứng ảnh hưởng tích cực lâu dài.

Bằng cách thực hiện những chiến lược này, doanh nghiệp kinh doanh khách sạn - du lịch có thể cải thiện hình ảnh thương hiệu, thu hút thị trường trọng tâm đang tìm kiếm các giá trị bền vững, tăng khả năng cạnh tranh và cuối cùng dẫn đến thành công tài chính lớn hơn.

ESG là gì
Đầu tư ESG đạt chỉ số cao mang lại nhiều ích lợi cho doanh nghiệp
 

Trên đây là định nghĩa ESG là gì cùng tip giúp tăng chỉ số ESG và một số thông tin liên quan khác, hy vọng sẽ hữu ích cho những doanh nghiệp đang loay hoay tìm cách hòa nhập xu thế phát triển xanh, bền vững.

​Ms. Smile

Tags: Tips
ESG là gì? Làm thế nào để tăng chỉ số ESG, tăng cạnh tranh thương hiệu?
4.2 (202 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN