Sau nhiều đợt neo tàu từ tháng này qua tháng nọ vì dịch bệnh, chịu áp lực đè nặng phải xoay sở đủ đường để trả lãi ngân hàng - giờ đây không ít chủ tàu du lịch tại Hạ Long đã thực sự kiệt quệ…
Hơn 500 tàu du lịch nằm xếp lớp tại cảng tàu quốc tế Hạ Long
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là nơi đón các siêu du thuyền quốc tế với hàng nghìn du khách và thủy thủ đoàn đến tham quan Vịnh Hạ Long. Nhưng giờ là nơi neo đậu của hơn 500 tàu du lịch đang nằm “án binh bất động” chưa biết ngày nào hoạt động trở lại.
“Đến lúc này thì oải lắm và gần như hết sức rồi. Tình trạng này mà kéo dài thêm không biết cho trụ nổi không”… Đó là tình cảnh của anh Lê Dương Minh (SN 1980) - chủ tàu du lịch Huy Hoàng tại Tp. Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh khi chia sẻ về thực trạng khốn đốn sau 4 đợt dịch.
Hơn 20 năm trước, từ quê ở huyện An Lão (Hải Phòng), anh Minh ra Quảng Ninh tìm việc, bắt đầu rửa bát - bưng bê rồi bén duyên với nghề làm dịch vụ du lịch cho các chủ tàu du lịch tại Hạ Long.
Dành dụm - tích góp, khoảng năm 2010, anh cùng người thân hùn vốn mua tàu du lịch để tự chủ kinh doanh. Bắt đầu góp nửa con tàu rồi đến 1 con tàu, đến nay, gia đình anh Minh đã sở hữu 3 tàu du lịch gồm 1 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ thép được đóng mới. Bao nhiêu tiền tích góp được anh đều dùng vào việc tái đầu tư tàu vỏ thép mới.
Đầu năm 2020, anh vay ngân hàng 10 tỷ để đóng mới 2 tàu vỏ thép - từ đó đến nay phải trả cho ngân hàng 100 triệu tiền lãi mỗi tháng. Nhưng tàu chưa kịp xuất bến chở chuyến khách nào thì dịch Covid xuất hiện rồi trở đi trở lại.
“Tôi dự tính nếu hoạt động bình thường thì 3 tàu mỗi tháng cũng thu được 150 triệu đồng - đủ trả lãi ngân hàng và còn có được khoản dành dụm. Mà bây giờ không hoạt động thì lấy gì để đắp vào.”
Dù không kinh doanh nhưng anh Minh vẫn tốn chi phí thuê nhân công trông coi, bảo dưỡng cho 3 tàu du lịch
Gần 2 năm trước, anh Minh là một chủ tàu có tiếng ở Hạ Long. Nhưng cả năm nay, tâm lý anh lúc nào cũng trĩu nặng vì phải lo toan biết bao khoản chi phí: lãi ngân hàng, tiền bảo hiểm khoản vay, thuê người trông coi, tiền bảo trì - bảo dưỡng tàu, tiền điện, tiền nước… trong khi nguồn thu thì gần như bằng 0.
“Giờ không có tiền thì phải đi vay thôi. Tôi đã vay từ anh em, họ hàng rất nhiều - thậm chí nhà có gì giá trị cũng đem bán để lấy tiền trả lãi ngân hàng và trả các khoản chi phí - cứ thế dẫn đến nợ chồng nợ, lãi chồng lãi. Nếu dịch được kiểm soát sớm thì còn có cơ hội chạy tàu túc tắc kiếm đông sinh hoạt, nuôi vợ con, trả lương cho anh em nhân viên - còn không thì không biết thế nào.”
Chủ lớn thì chết to, chủ nhỏ thì chết bé - gia đình anh Minh kể từ khi dịch hoành hành đến nay đã thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Anh kể nhiều khi vợ con ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, chỉ lo có tiền chi trả cho nhân viên rồi duy trì tàu bè chờ hoạt động trở lại.
“Mà khổ nỗi, tôi đã vay từ mọi người nhiều rồi nên có lẽ phải chấp nhận rủi ro vay lãi cao để chống đỡ thôi. Giờ mà có bán tàu cũng không ai mua vì mua tàu về là để chở khách du lịch mà tình hình du lịch lại đóng băng thế này.”
Không chỉ riêng anh Minh, nhiều chủ tàu khác ở Hạ Long đã phải cầm cố nhà đất, xe cộ - thậm chí là bán đi để có tiền chống đỡ tiếp. Cho nên, điều mà nhiều chủ tàu tha thiết mong muốn lúc này là các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ và sự hỗ trợ từ Nhà nước để họ có sức cầm cự đợi du lịch phục hồi.
(Theo VTC News)
2 Kịch bản cho ngành du lịch mùa hè này
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên