Du lịch Việt vẫn đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có nhiều giải pháp hiệu quả được thực thi, trong khi đó, nhiều điểm đến hot đang trong tình trạng “báo động đỏ”. Nhiều cá nhân, tổ chức làm du lịch hiện vẫn đang bị che mờ bởi cái lợi doanh thu trước mắt mà không nhìn xa và tính xa hơn để thu lợi về lâu dài.
Quá tải khách tại các trung tâm du lịch trọng điểm
Dễ dàng bắt gặp những tin tức tích cực và cực kỳ lạc quan về tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam – hay sự hồi phục và phát triển thần tốc của du lịch Việt sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, mới đây (tháng 7/2019), du lịch Việt Nam đã bị cảnh báo bởi Ngân hàng Thế giới (WB) rằng đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển. Nghĩa là, nếu tiếp tục nỗ lực thu hút để tăng trưởng mà không có giải pháp quản lý tốt sẽ có thể dẫn đến những tác động bất lợi về kinh tế, xã hội và bền vững về môi trường.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ “chạm đến điểm bùng phát trong phát triển” chính là sự mất cân bằng trong phân bổ và phục vụ khách giữa các địa phương: nơi thưa thớt, vắng hoe – nơi lại đông đúc đến quá tải.
Thống kê mới đây của một trang báo online uy tín cho thấy, hàng chục địa điểm du lịch đang trong tình trạng “báo động đỏ” vì quá tải.
Do đâu?
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, những lý do dẫn đến sự quá tải khách tại một số điểm đến du lịch chính là:
- Sự bùng nổ của du lịch sau đại dịch Covid-19 (nguyên nhân tạm thời)
- Tính mùa vụ của nhiều điểm đến
- Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại điểm đến đó hạn chế
- Thiếu quy hoạch sức chứa tại điểm đến
- Không có phương án điều tiết khách hợp lý
- Sản phẩm du lịch chưa đa dạng
Ngoài ra, thêm một nguyên nhân “chìm” nữa ít được nhắc đến chính là tính vụ lợi trong ý thức kinh doanh của nhiều cá nhân, tổ chức khi chỉ quan tâm đến cái lợi doanh thu trước mắt mà lờ đi, cố tình không quan tâm đến mục tiêu tìm giải pháp để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Những tác động tiêu cực của sự quá tải khách du lịch là gì? – là tác động tiêu cực và trực tiếp đến môi trường, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng tại điểm đến; tác động tới tâm lý khách du lịch…
Cụ thể:
Yếu tố bị tác động |
Những tác động tiêu cực cụ thể |
Môi trường và tự nhiên |
- Gia tăng lượng nước thải, rác thải - Gia tăng lượng khí thải từ phương tiện vận chuyển - Ô nhiễm tiếng ồn - Tác động đến môi trường sống tự nhiên của các loài động thực vật, đe dọa đa dạng sinh học |
Kết cấu hạ tầng và vật chất kỹ thuật |
- Đẩy nhanh việc xuống cấp cơ sở hạ tầng, các di tích, di sản - Áp lực vì nhu cầu sản xuất và cung ứng nước sạch, năng lượng - Áp lực đến hạ tầng xử lý chất thải, rác thải - Tắc nghẽn giao thông |
Xã hội |
- Mâu thuẫn lợi ích xã hội - Xuất hiện các biểu hiện kinh doanh chộp giật - Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng - Làm mất dần sự ủng hộ của cộng đồng đối với du lịch - Ứng xử lệch lạc và các vấn đề về tội phạm |
Văn hóa |
- Suy giảm giá trị tài nguyên văn hóa, đánh mất nét đặc trưng - Người dân bản địa rời bỏ di sản - Đánh mất danh hiệu di sản |
Khách du lịch |
- Quá tải sức chứa tâm lý - Nguy cơ mất an toàn, rủi ro - Nguy cơ tai nạn đám đông |
Hệ quả cuối đối với ngành du lịch: - Suy giảm giá trị trải nghiệm - Giảm sút chất lượng sản phẩm, dịch vụ - Mất uy tín và hình ảnh điểm đến - Sụp đổ ngành du lịch tại điểm đến |
|
Một vài con số và dẫn chứng cụ thể: - Việt Nam có đến 1,8 triệu lượng rác thải nhựa không được xử lý, chiếm tới 6% lượng rác nhựa trên toàn thế giới, đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, đứng thứ 129/136 về tính bền vững môi trường trong chỉ số cạnh tranh du lịch. - Hay hiện trạng người dân bản địa rời bỏ di sản ở Hội An. Thống kê cho thấy các công trình di tích lịch sử tại đây hiện chỉ có khoảng 30% do lãnh đạo địa phương và người gốc Hội An sở hữu, quản lý; còn lại là được các cá nhân, tổ chức từ Hà Nội, Tp.HCM mua đi bán lại và chỉ cho mở cửa hàng kinh doanh. |
Chỉ rõ như trên để thấy rằng, đây là thời điểm phải ngay lập tức đưa ra lựa chọn chiến lược về nhịp độ và cơ cấu tăng trưởng du lịch mong muốn trong tương lai, cân đối theo địa bàn địa lý hợp lý để hướng đến tính bền vững dài hạn của ngành, cũng là để đem lại tác động kinh tế bao trùm và tích cực.
“Việt Nam không nên hy sinh môi trường và tài sản văn hóa của mình (vốn là những thứ rất quan trọng và quý giá) để đổi lấy tăng trưởng khách du lịch. Đây là thời điểm phải hành động ngay bằng những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo du lịch đại chúng phát triển bền vững thay vì gây tổn hại cho tài sản văn hóa và môi trường. Đã có rất nhiều bài học trên thế giới rồi…” – lãnh đạo WB cảnh báo.
Phát triển điểm đến vệ tinh, kéo giãn du lịch
Đại diện Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch đã trình bày giải pháp cho quá tải khách du lịch tại Việt Nam là “phát triển điểm đến vệ tinh”, kéo giãn du lịch tại các điểm đến tập trung đông khách. Bằng cách: những địa phương (đô thị, nông thôn) có khoảng cách nhất định với trung tâm tập trung đông khách du lịch, có điều kiện thuận lợi để kết nối với trung tâm này, có khả năng phát triển du lịch nhằm chia sẻ lượng khách từ trung tâm, giúp giảm tải áp lực lên cơ sở hạ tầng, môi trường, xã hội tại các trung tâm; đồng thời tạo ra động lực cho sự phát triển du lịch và kinh tế nói chung của chính địa phương đó - khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, mở rộng sinh kế - gia tăng cơ hội việc làm và thu nhập, cải thiện cuộc sống cho dân địa phương - bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa - cải thiện kết cấu hạ tầng các điểm vệ tinh…
Trên cơ sở đó, một số vùng du lịch đang xây dựng mạng lưới điểm đến vệ tinh và khai thác có hiệu quả:
+ Hà Nội và vùng phụ cận
+ Kế hoạch giảm tải du lịch tại Nha Trang
+ Kéo giãn du lịch, giảm áp lực cho vịnh Hạ Long
Ngoài ra, một số biện pháp hữu ích cũng được định hướng triển khai để đảm bảo phát triển bền vững dài hạn cho ngành du lịch Việt Nam, trong đó bao gồm những ưu tiên chính sau đây:
- Tăng cường phối hợp quy hoạch điểm du lịch và phát triển sản phẩm;
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thị trường nguồn khách;
- Phát triển kỹ năng của lực lượng lao động ngành du lịch;
- Tăng cường kết nối chuỗi giá trị du lịch ở địa phương;
- Cải thiện về quản lý luồng khách;
- Nâng cao chất lượng và năng lực hạ tầng điểm du lịch;
- Bảo vệ các tài sản văn hóa và môi trường tại địa phương.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức đối với việc phát triển điểm đến vệ tinh bền vững tại Việt Nam. Đó là:
- Nhận thức của cộng đồng hạn chế
- Sự thiếu đồng bộ kết nối hạ tầng, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu
- Hiệu quả xúc tiến quảng bá thấp
- Thiếu định hướng, chiến lược trong phát triển sản phẩm tại các điểm đến vệ tinh
- Khó khăn trong huy động vốn đầu tư
- Vấn đề về quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng
- Cơ chế, chính sách thống nhất từ cấp TW, đến địa phương
- Sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương còn yếu
Du lịch Việt đúng là giàu tiềm năng để phát triển nhưng nếu không hướng đến tính bền vững dài hạn thì rất nhanh thôi sẽ nhận phải những hệ lụy tiêu cực dễ nhìn thấy về nhiều mặt. Đánh giá thực tế thực trạng phát triển du lịch của địa phương rồi tìm cách chấn chỉnh, cải tiến ngay lập tức để đảm bảo không chỉ thu lợi ở hiện tại mà còn hữu ích trong tương lai về sau.
Ms. Smile
(Thông tin tham khảo từ
Tài liệu Hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên