Có một Cộng đồng Du lịch Làng chài như thế...

Tài nguyên là hữu hạn, sáng tạo là vô cùng. Trong bối cảnh dịch bệnh triền miên, ngành du lịch “chết lâm sàng” thì một nhóm gồm 8 chủ đầu tư các resort, khách sạn, nhà hàng trên trục đường Nguyễn Phan Vinh, dọc bãi biển Tân Thành của thành phố Hội An cùng nhau ngồi lại, bàn bạc cho ra mắt một sản phẩm mới lạ ở Việt Nam, đó là chợ phiên Làng Chài Tân Thành. Ý tưởng ban đầu chỉ là nơi giao lưu, mua bán các đồ set up còn thừa, thực phẩm, đồ uống đã mua mà không dùng đến bởi Covid... được tổ chức ở quy mô nhỏ. Nhưng việc ban tổ chức không ngờ đến là Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và các cấp chính quyền của thành phố Hội An lại rất ủng hộ ý tưởng này và đã hỗ trợ hết mình để tạo dựng thành một điểm đến văn hoá mới, gắn với du lịch biển, góp phần giảm tải áp lực lên khu phố cổ và tạo thêm sản phẩm mới, hút du khách đến Hội An.

có một cộng đồng du lịch làng chài như thế
Buổi họp đầu tiên về ý tưởng thành lập chợ phiên Làng Chài Tân Thành

 

Điều khác biệt nhất ở chợ phiên Tân Thành này đó là cách quản lý chợ bằng chia nhỏ người bán hàng thành 8 nhóm về cho từng "nhà" là các doanh nghiệp “sáng lập” để quản lý và hỗ trợ. Chính vì vậy, hàng hóa bán được lựa chọn kỹ càng, các quầy được set up chuyên nghiệp, tác phong thương mại theo đúng tính chất du lịch. Các trang thiết bị phục vụ chợ cũng không phải đầu tư, mua sắm gì nhiều do cơ sở nào cũng sẵn có, lại đang mùa "du nhàn" nên nhiều thứ đang không dùng đến. Mỗi thành viên “sáng lập” này cũng được giao đảm trách 1 “tiểu ban” mà mình có thế mạnh trong các hoạt động của chợ.

Buổi khai mạc chợ hôm 26/9 đã được tổ chức rất “hoành tráng” với sự có mặt của Anh hùng lao động, Nguyên Bí thư thành uỷ Hội An, ông Nguyễn Sự; Bí thư thành uỷ Trần Ánh; Phó Chủ tịch thường trực thành phố Nguyễn Thế Hùng; Nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch Quảng Nam, ông Đinh Hài; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, ông Phan Xuân Thanh cùng đông đảo lãnh đạo các ban ngành khác của thành phố Hội An và phường Cẩm An. Sự kiện cũng đã thu hút sự quan tâm của hơn 50 cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh, truyền hình trên toàn quốc.

Điều làm hầu hết mọi người ngạc nhiên là chỉ trong vài tuần từ khi “nhóm sáng tạo” bàn thảo ý tưởng ban đầu, trong điều kiện dịch bệnh và ảnh hưởng của cơn bão số 5 đổ bộ vào miền Trung mà ban tổ chức đã huy động được gần 100 gian hàng, tập trung chủ yếu ở các sản phẩm, dịch vụ theo đúng tiêu chí của chợ, đó là đồ cũ, đồ thanh lý, đồ sưu tầm, sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, đồ hand made, đặc sản truyền thống địa phương, hàng nông, thổ hải sản của bà con làng Chài đánh bắt và nuôi, trồng được. Tại chợ cũng có những quầy ẩm thực, bán đồ ăn, uống, các loại bánh, chè nổi tiếng của Hội An. Bên cạnh đó, chợ còn có rất nhiều các hoạt động văn hóa, thể thao đường phố, từ ca Bài chòi, hát Hò khoan Quảng Nam đến biểu diễn ghi ta, nhẩy Zumba, các trò chơi dân gian, giao lưu tiếng Anh với người nước ngoài. "Thật nể phục các bạn, với tính sáng tạo, đoàn kết, trong thời gian ngắn, các bạn đã huy động được rất nhiều nguồn lực tham gia chợ", ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Quảng Nam cảm thán.

có một cộng đồng du lịch làng chài như thế
Lễ khai mạc chợ phiên Làng chài Tân Thành

 

Cái được đầu tiên của chợ, đó là sự đoàn kết, gắn bó giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa người dân địa phương với các doanh nghiệp. "Chúng tôi rất xúc động khi thấy từ vài ngày trước, các nhà rủ nhau quét dọn đường phố, trang trí nhà cửa, háo hức cho ngày khai chợ", ông Lê Quốc Việt, chủ đầu tư Santa Sea Villa cho biết. Không chỉ các doanh nghiệp, người dân ở đây rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của chợ khi mà văn hóa, con người và sản phẩm, dịch vụ địa phương được đề cao đã tạo nên bản sắc Làng Chài độc đáo mà quyền lợi của doanh nghiệp, của người dân địa phương, yếu tố cộng đồng luôn được chú trọng hài hoà hướng tới sự phát triển bền vững.

có một cộng đồng du lịch làng chài như thế
Các gian bán hàng tại chợ phiên

 

"Thật là tuyệt khi văn hóa cà phê sáng thứ 7 của Hội An có thêm một điểm nhấn. Trước đây, chúng tôi hay hẹn nhau trong phố cổ, giờ thì có thể ra biển, vừa ngắm bình minh, nghe sóng vỗ, vừa nhâm nhi cà phê lại được dạo chợ phiên, tìm mua những món đồ cũ, đồ sưu tầm theo sở thích của mình, được hoà mình vào không gian văn hoá độc đáo của chợ". Đó là suy nghĩ chung của nhiều người dân Hội An và cũng là mục đích chính mà ban tổ chức muốn từng bước tạo dựng.

Được biết, thành phố Hội An đã cho phép kéo dài thời gian họp chợ từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối thay vì 6 giờ như trước đây theo đề xuất của bà con và chuẩn bị cho sự hồi phục của du lịch hậu Covid. Chợ hiện nay cũng đón nhận sự quan tâm của các thương hiệu lớn tại địa phương như công viên Ấn tượng Hội An với những show diễn mini trên đường phố vô cùng đặc sắc, nhà may Miss Hội An với màn trình diễn áo dài góp phần làm nên sắc màu văn hoá có một không hai của chợ phiên Tân Thành.

có một cộng đồng du lịch làng chài như thế
Hoạt động đường phố tại chợ phiên

 

Ngoài các hoạt động nghệ thuật, buôn bán hàng hóa… Chợ phiên làng chài Tân Thành còn là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của địa phương… Du khách được tham quan trải nghiệm những nét đẹp văn hóa mà chỉ nơi đây mới có như: hát hò khoan, hò bả trạo, kéo lưới….

có một cộng đồng du lịch làng chài như thế
Cụ Lê Chữ, 93 tuổi, đang biểu diễn hò khoan Quảng Nam tại chợ phiên Tân Thànn

có một cộng đồng du lịch làng chài như thế
Đội hát Hò Bả Trạo

 

Sau 1 tháng hoạt động thử nghiệm, UBND thành phố Hội An và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã cùng Ban tổ chức chợ phiên họp đánh giá hiệu quả. Bên cạnh những ý kiến đóng góp xây dựng, nhìn chung, mọi nhận xét đều là khen ngợi ý tưởng, cách thức triển khai và mong muốn chợ phiên Tân Thành sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn mới của Hội An. Tại buổi họp, UBND thành phố đã đồng ý cho phép chợ được họp cả 2 ngày cuối tuần là thứ 7 và chủ nhật, từ 8h sáng đến 9 giờ tối và đồng ý về chủ trương thành lập Hợp tác xã du lịch Làng Chài Tân Thành để phát triển địa phương theo hướng du lịch cộng đồng chuyên nghiệp và bền vững.

Vậy nhưng, liên tiếp ngay sau đó là những cơn bão đổ vào miền Trung và Hội An, siêu bão số 9 và 11 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho biển Tân Thành. Mái tôn nhà cộng đồng bị gió ném xuống đường, nhiều nhà hàng bãi biển bị xóa sổ. Nghiêm trọng nhất là vấn đề biển xâm thực gây ra bởi triều cường kết hợp sóng lớn. Cả khu phố như sống trong những ngày chiến trận. Xe tải chở cát, chở bao tải, vải địa, cọc tre… cùng tất cả người dân, nhân viên và cả du khách trong và ngoài nước hối hả vật lộn với sóng để giữ bờ. Mệt mỏi, nhiều khi chán nản, nhưng tình đoàn kết, gắn bó của cộng đồng, sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo các cấp là nguồn động viên quý báu để các cơ sở giữ lửa nhiệt tình với hoạt động của chợ và của cộng đồng.

Kỳ nghĩ lễ cuối năm 2020 là thời gian thật đáng nhớ với cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành và nhiều du khách. Khi mà dịch Covid vẫn lởn vởn, hậu quả của bão lũ còn hằn trên đường phố thì “siêu chợ phiên” kéo dài 2 tuần từ trước lễ giáng sinh đến hết nghỉ tết dương lịch được tổ chức vô cùng ý nghĩa. Ngoài không khí lễ hội tưng bừng, rực rỡ với làn sóng lụa xanh, trắng trải dài ngang đường, những cây thông, ánh đèn Noel ấm áp, thì các nhà trong cộng đồng cùng du khách góp đồ ăn, tổ chức lên buổi tiệc có một không hai. Những vị khách nước ngoài, bị mắc kẹt ở lại bởi đại dịch được chăm sóc chu đáo. Tại nơi rất xa quê nhà, trong đêm giáng sinh lất phất mưa bay, họ ôm nhau khóc, khóc vì cảm động, vì một đêm giáng sinh, đêm giao thừa đón năm mới quá xúc động, quá đặc biệt với họ. Tại nơi đây, họ đã được “chạm” tới đáy của cảm xúc để thốt lên những lời ngợi khen, lời cám ơn ban tổ chức. 

có một cộng đồng du lịch làng chài như thế
Đông đảo khách ngoại quốc hào hứng chụp ảnh lưu niệm trước bữa tiệc Giáng sinh đầy ý nghĩa

 

Năm mới 2021 đã đến, tưởng rằng sẽ sáng lạng hơn với ngành du lịch. Nhưng không, liên tiếp là những sóng dịch 3, dịch 4. Hội An, Đà Nẵng trở thành tâm dịch. Những đợt phong tỏa liên tiếp, tiếng loa di động, tiếng còi xe cấp cứu di chuyển F0, F1 lại đẩy Hội An vào trận chiến khác. Hầu hết các cơ sở kinh doanh trong cộng đồng đều đóng cửa, trắng khách. Chợ phiên tạm dừng hoạt động. Những sự kiện lớn của cộng đồng đã được lên kế hoạch và phê duyệt đều phải dừng lại. Đó là Liên hoan điêu khắc đương đại Hội An, là lễ hội diều, là một mùa hè sôi động giờ vắng lặng… Áp lực duy trì cơ sở, trả lương nhân viên, trả lãi và gốc ngân hàng đè nặng lên các doanh nhân vốn năng động, yêu đời. Nhưng họ không bi quan mà vững vàng vươn lên, hòa mình cùng cuộc chiến chống “giặc Covid”. Những chuyến hàng từ thiện hỗ trợ khu cách ly tập trung, những túi hàng, khoản tiền “nóng” hỗ trợ dòng người rời bỏ Sài Gòn về quê ngang qua Quảng Nam, những tháng lương mùa dịch hỗ trợ cho các cháu khó khăn của trung tâm dạy nghề Street International mắc kẹt ở lại…là tấm lòng của cộng đồng doanh nhân làng chài Tân Thành.

“Sau cơn mưa, trời lại sáng”, cho dù dịch Covid còn đó với “bình thường mới”, cho dù “bão lũ là việc của trời”, cộng đồng du lịch Làng chài Tân Thành vẫn kiên định với ý tưởng, với đam mê, nhiệt huyết của mình. Tháng 10 năm 2021, Hợp tác xã du lịch Làng Chài Tân Thành đã chính thức được cấp phép. Hơn thế nữa, thành phố Hội An đã tin tưởng hỗ trợ hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2021 với mục tiêu đạt hạng 4 sao với sản phẩm là dịch vụ du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành. Với pháp nhân mới, với vị thế mới này, chắc chắn tương lai tươi sáng đang đón chờ làng chài nhỏ bên bờ biển Đông...

Tags:
Có một Cộng đồng Du lịch Làng chài như thế...
4.2 (592 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN