MỤC LỤC
Bạn là sinh viên ngành Khách sạn – Nhà hàng chuẩn bị đi thực tập? Vậy bạn có biết mình cần phải chuẩn bị gì và mang tâm thế như thế nào khi đi thực tập? Bài viết “5 Điều sinh viên ngành Khách sạn – Nhà hàng cần biết khi đi thực tập” của Hoteljob.vn chắc chắn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích…
Sinh viên ngành Khách sạn – Nhà hàng cần chuẩn bị gì khi đi thực tập? (Ảnh nguồn Internet)
► Chuẩn bị CV xin thực tập
Nhiều bạn sinh viên thường mặc định rằng chỉ khi nào đi xin việc mới cần phải có CV, còn lúc đi xin thực tập thì không cần. Thực tế thì tờ giấy giới thiệu thực tập của trường chỉ là “chứng cớ” xác định rằng bạn là sinh viên chuyên ngành, còn CV xin thực tập là yếu tố để bạn thuyết phục khách sạn – nhà hàng nhận bạn vào thực tập làm việc. Không phải khách sạn nào cũng nhận “ào ào” sinh viên vào thực tập, đặc biệt là với các khách sạn – nhà hàng cao cấp, cho nên nếu chuẩn bị CV chỉnh chu sẽ giúp ghi điểm với nhà tuyển dụng, qua đó, bạn sẽ nhanh chóng nhận được sự đồng ý tiếp nhận thực tập.
Các bạn có thể tham khảo mẫu CV dàng cho sinh viên thực tập ngành Khách sạn – Nhà hàng: Tại đây
► Tìm địa điểm thực tập thích hợp
Thông thường, các trường Đại học – Cao đẳng sẽ liên kết với các Khách sạn – Nhà hàng để giới thiệu địa điểm thực tập cho sinh viên hoặc tạo điều kiện để sinh viên tự liên hệ với đơn vị phù hợp với năng lực và nhu cầu của bản thân. Với trường hợp một thì sinh viên sẽ không phải lo “chạy đôn chạy đáo” để tìm nơi thực tập nghề nghiệp.
Nhiều trường Đại học – Cao đẳng liên kết với các đơn vị chuyên ngành để giới thiệu địa điểm thực tập cho sinh viên (Ảnh nguồn Internet)
Còn nếu thuộc trường hợp hai thì nhiều khi việc “tìm địa điểm thực tập thích hợp” là điều vô cùng khó khăn với không ít sinh viên vì lý do khách sạn – nhà hàng bạn muốn thực hành nghề không nhận hoặc đã quá tải lượng ứng viên. Do đó, nếu bạn rơi vào trường hợp này thì cần phải chủ động liên hệ với các đơn vị trong ngành càng sớm càng tốt để “chắc một suất”.
Tùy thuộc vào khả năng của bản thân, mà bạn cần lựa chọn môi trường thực tập phù hợp. Với các khách sạn, nhà hàng cao cấp thường đòi hỏi khá cao ở sinh viên thực tập về kỹ năng nghiệp vụ cũng như khả năng giao tiếp ngoại ngữ… cho nên nếu muốn có cơ hội được làm việc trong môi trường như thế này thì bạn phải là ứng viên có năng lực và cần đầu tư chuẩn bị kỹ CV xin thực tập.
Cũng có không ít khách sạn – nhà hàng khá “dễ dãi” trong việc nhận ứng viên tuy nhiên khi giao việc lại không đúng chuyên môn, đôi khi ứng viên sẽ như một “chân sai vặt”. Để không phải rơi vào trường hợp kết thúc thực tập nhưng chẳng học hỏi được gì, khi nhận lời đồng ý tiếp nhận của đơn vị, bạn có thể hỏi rõ về công việc sẽ được giao để chắc chắn những việc mình sắp làm là đúng chuyên môn.
► Thực tế nhiều khi sẽ khác xa với lý thuyết
Kiến thức bạn tiếp thu được từ giảng đường nhiều khi sẽ khác hoàn toàn so với thực tế. Bạn không nên áp dụng một cách máy móc lý thuyết sách vở vào thực tiễn công việc. Mỗi khách sạn – nhà hàng sẽ có những tiêu chuẩn nghiệp vụ khác nhau, cho nên khi đi thực tập bạn cần làm đúng yêu cầu của người hướng dẫn và chú ý quan sát những nhân viên chính thức làm việc để áp dụng theo.
Sinh viên khi đi thực tập cần làm đúng theo tiêu chuẩn dịch vụ của khách sạn – nhà hàng đó
(Ảnh nguồn Internet)
Với những khách sạn – nhà hàng cao cấp, có thể sinh viên thực tập sẽ không được giao những công việc cần kỹ năng nghiệp vụ cao như: phục vụ rượu vang cho khách VIP… Nên khi nhân viên chính thức thao tác, bạn cần chú ý theo dõi kỹ để về thực hành và có thể hỏi khi có thắc mắc.
Xem thêm: Kỹ thuật rót rượu vang chuyên nghiệp nhân viên phục vụ nhà hàng cần biết
► Tích cực giao tiếp
Môi trường thực tập là cơ hội rất tốt để bạn rèn luyện, cải thiện kỹ năng giao tiếp của bản thân. Có không ít sinh viên vì tâm lý rụt rè, sợ mình nói sai, làm sai nên khi đến nơi làm việc chỉ thụ động ngồi im một chỗ và chờ giao việc. Như thế chính bạn đã làm lãng phí cơ hội được học hỏi của mình.
Trong quá trình thực tập, bạn cần tích cực giao tiếp với khách - nắm bắt nhu cầu, mong muốn của họ để phục vụ khách hàng được tốt nhất, qua đó, dần dần rèn luyện cách giao tiếp tự nhiên cho bản thân. Bạn cũng cần nhanh chóng làm quen, bắt chuyện, giao tiếp với các anh, chị nhân viên chính thức để học hỏi kinh nghiệm xử lý công việc hiệu quả từ họ và được hướng dẫn khi làm sai. Điều này cũng giúp bạn xây dựng được mạng lưới các mối quan hệ để hỏi các vấn đề thắc mắc khi cần và phục vụ cho công việc sau này.
Sinh viên cần tận dụng tốt cơ hội thực tập để rèn luyện kỹ năng giao tiếp (Ảnh nguồn Internet)
► Ứng viên thực tập sẽ không có lương
Thực tế hiện nay ứng viên đi thực tập tại các khách sạn – nhà hàng sẽ không được nhận lương, dù là bạn chỉ làm 1 tháng hay 6 tháng – kể cả tiền tip. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số đơn vị sẽ có khoản hỗ trợ cho sinh viên, phân loại theo kết quả thực tập là xuất sắc, giỏi, khá hay trung bình – như là chi phí hỗ trợ xăng xe, ăn uống…
Nhiều đơn vị khách sạn – nhà hàng sẽ có khoản hỗ trợ cho sinh viên theo kết quả thực tập
(Ảnh nguồn Internet)
Với sinh viên ngành Khách sạn – Nhà hàng, thực tập không chỉ là điều kiện cần để bạn được tốt nghiệp mà còn là cơ hội vô cùng quý giá để bạn rèn luyện các thao tác nghiệp vụ trong môi trường thực tế, học hỏi những kinh nghiệm bổ ích cho bản thân. Với kết quả thực tập tốt, có không ít đơn vị đã chủ động tiếp nhận sinh viên thực tập ở lại làm nhân viên chính thức. Nếu muốn sỡ hữu “vận may” này, trong quá trình thực tập, bạn cần thể thiện thái độ làm việc tốt, chăm chỉ, cầu thị… để nhà tuyển dụng thấy được tiềm năng ở bạn.
Với những thông tin đã chia sẻ trong bài viết này, Hoteljob.vn hy vọng đó sẽ là “hành trang” bổ ích để các bạn sinh viên chuyên ngành chuẩn bị tư thế và tâm thế tốt nhất để có được kỳ thực tập thành công.
Xem thêm: Service charge là gì? 6 Điều về Service charge bạn cần biết
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên