Tìm hiểu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh nhà hàng

Quản lý nhà hàngBếp trưởng là những người chịu trách nhiệm chính cho các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh nhà hàng, đảm bảo không để xảy ra các sự cố khách ngộ độc do chất lượng món ăn không tốt hay phàn nàn vì phát hiện vật lạ trong đồ ăn… Vậy kinh doanh nhà hàng cần tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nào? Bài viết dưới đây của Hoteljob.vn sẽ có câu trả lời cho bạn...

 

tìm hiểu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh nhà hàng
Nhà hàng cần tuân thủ những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nào trong kinh doanh?

Tại sao nhà hàng phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm?

Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống nói chung và trong nhà hàng nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho thực khách; đồng thời bảo vệ thương hiệu, chất lượng dịch vụ của nhà hàng. Ngoài ra, việc đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm giúp công việc của các nhân viên nhà hàng được thực hiện theo quy trình, quy định cụ thể, thực hiện đúng và đủ mọi đầu việc trong ca, tránh xảy ra sai sót hay mối nguy hại, dù nhỏ trong mọi khâu từ sơ chế - chế biến cho đến bảo quản ảnh hưởng đến thực phẩm và gây nguy hiểm cho sức khỏe của khách hàng…

Ngoài ra, theo quy định, mọi cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đúng luật, trước khi kinh doanh, cần xin Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố.

Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh nhà hàng

- Đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng

  • Không gian phải đủ rộng để bày trí các khu vực thiết yếu như: khu phục vụ món ăn, khu chế biến thực phẩm, khu chứa đựng, khu bảo quản… Ngoài ra, việc bố trí phải đảm bảo chừa lối đi đủ rộng để thuận tiện trong việc di chuyển và vận chuyển nguyên vật liệu, thực phẩm phục vụ thực khách,

  • Kết cấu nhà hàng phải vững chắc, được xây dựng bằng vật liệu phù hợp với tính chất và quy mô kinh doanh - đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh các vi sinh vật, côn trùng hay động vật xâm nhập , cư trú và gây hại - nền nhà phẳng, nhẵn, chịu lực tốt, không gây trơn trượt, đọng nước, dễ làm vệ sinh - trần nhà sạch, không bám bụi, không giọt nước hay ẩm mốc,

  • Nhà hàng phải được xây ở địa điểm không bị ngập nước (trừ điều kiện bão lụt) - không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng hay vi sinh vật - không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm bụi, rác, hóa chất độc hại hay các nguồn gây ô nhiễm khác,

  • Nguồn nước sử dụng phải sạch và đủ để đảm bảo an toàn và duy trì các hoạt động vệ sinh, chế biến, chùi rửa trang thiết bị, dụng cụ…

  • Thực phẩm, nguyên liệu kinh doanh và chế biến phải đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có giấy kiểm dịch; còn hạn sử dụng; được đóng gói hay bao bì cẩn thận, đúng chuẩn,

  • Khu vực phục vụ món ăn và khu vực vệ sinh phải được xây dựng tách biệt hoặc ngăn cách; cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực chế biến hay bảo quản thực phẩm gây ảnh hưởng mùi lẫn nhau và tiềm ẩn nguy cơ lây lan vi khuẩn - có ít nhất 1 nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu cho 25 người, bên trong cung cấp đầy đủ nước sạch, xà phòng, bồn rửa tay - nhân viên thực hiện làm vệ sinh thường xuyên và đúng tiêu chuẩn,

  • Phòng ăn, bàn ghế phải được thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ,

  • Trang bị đầy đủ các công cụ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải - bảo đảm kín, có nắp đậy và được vệ sinh thường xuyên, đúng cách...

 

tìm hiểu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh nhà hàng
Không gian nhà hàng cần đảm bảo đủ rộng, thoáng, cung cấp đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ phục vụ thực khách

- Đối với các trang thiết bị, dụng cụ trong nhà hàng

  • Đảm bảo trang bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh như các loại bếp, nồi, xoong, chảo; các loại tủ, máy; các loại chén, bát, dao, muỗng, nĩa; giá kệ… tất cả phải được chọn mua từ các nhà cung cấp uy tín, đạt chất lượng, được rửa sạch, thường xuyên làm vệ sinh và bảo quản khô ráo,

  • Trang bị đầy đủ các loại trang thiết bị, dụng cụ chuyên dụng dùng cho từng loại thực phẩm riêng biệt - các trang thiết bị kiểm soát và đảm bảo an toàn thực phẩm, cháy nổ trong suốt quá trình kinh doanh dịch vụ

  • Có thiết bị phòng chống và tiêu diệt côn trùng, động vật gây hại - không sử dụng thuốc diệt côn trùng, diệt chuột trong phạm vi nhà hàng

  • Chỉ dùng những hóa chất tẩy rửa được phép sử dụng trong sinh hoạt và chế biến thực phẩm để đảm bảo an toàn

- Đối với nhân viên nhà hàng

  • Chủ nhà hàng, quản lý nhà hàng và bếp trưởng phải được tập huấn và cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định

  • Chủ nhà hàng và toàn bộ nhân viên nhà hàng (những người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm) phải trải qua quá trình khám và được cấp Giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế

  • Những người đang mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế thì không được phép tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình kinh doanh phục vụ khách hàng

  • Nhân viên nhà hàng đảm bảo tuân thủ đúng đồng phục, thực hiện đúng quy định về vệ sinh cá nhân trước, trong và sau phục vụ khách hàng; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực kinh doanh thực phẩm; nắm vững những quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và tuân thủ nghiêm ngặt.

 

tìm hiểu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh nhà hàng
Mọi nhân viên nhà hàng cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong phục vụ khách hàng

 

Trên đây là những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh nhà hàng được Hoteljob.vn tổng hợp và chia sẻ đến bạn. Bạn đang làm việc trong ngành dịch vụ Nhà hàng - Ẩm thực? Bạn dự định kinh doanh dịch vụ ăn uống? Nắm và tuân thủ các quy định và điều kiện tiêu chuẩn trên đây là một trong những bước đầu tiên giúp cơ sở của bạn nhanh chóng và dễ dàng xin Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm để kinh doanh.

​Ms. Smile

Tags:
Tìm hiểu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh nhà hàng
4.6 (346 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN