MỤC LỤC
“Sao kỳ vậy. Đồ ăn là do tôi gọi, tiền tôi đã thanh toán đủ, ăn không hết thì tôi mang về, để lại không phải lãng phí lắm sao?” – đây gần như là thắc mắc chung kèm theo một chút bực dọc của nhiều thực khách trước thông báo nhà hàng không đồng ý cho khách mang thức ăn thừa về. Lý do của quyết định đó là gì? Cùng Hoteljob.vn tìm hiểu xem sao.
Nhà hàng "cấm" khách mang thức ăn thừa về - tại sao?
Đi ăn nhà hàng, nhiều người rất muốn hỏi xin túi đựng thức ăn còn dư mang về nhưng ngại vì sợ “kém sang”. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà hàng, nhất là những nhà hàng đạt chuẩn đến cao cấp, có quy định “cấm” khách mang thức ăn thừa về. Tại sao lại như vậy? Tham khảo qua ý kiến của cộng đồng nhân sự Nghề Khách sạn trên group Nghề Khách sạn - Tâm sự, nhiều nhân sự nhà hàng từ Quản lý đến nhân viên phục vụ có thâm niên đều đồng thuận chia sẻ 3 nguyên do cho quyết định này, như sau:
#1. Không phá vỡ decor món ăn
Ở những nhà hàng đạt chuẩn, các đầu bếp chuyên nghiệp rất chú trọng đến tính hoàn mỹ của món ăn thành phẩm – họ trau chuốt “đứa con” của mình từ khâu sơ chế, chế biến cho đến trình bày, decor, đảm bảo món ăn không chỉ ngon phần nếm và còn đẹp phần nhìn. Việc gói mang về chắc chắn sẽ phá vỡ ý đồ sáng tạo trang trí ban đầu của người đầu bếp cho món ăn đó. Điều này làm giảm bớt một phần sự hào hứng, phấn khích trước khi thưởng thức – như thế, cảm nhận toàn diện về món ăn chẳng phải cũng đã hạ đi không ít rồi sao?
#2. Không làm giảm chất lượng món ăn
Tại sao nhà hàng luôn khuyến khích khách đến dùng bữa thay vì gói mang về trong khi giá cho 2 hình thức vẫn như nhau và nhà hàng có thể giảm bớt nhiều chi phí, nhất là nhân công và có thêm không gian phục vụ những lượt khách khác? Lý do đơn giản là họ muốn mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng về chất lượng dịch vụ. Thực khách đến ăn tại nhà hàng sẽ được phục vụ tận tình bởi đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp – được cung cấp những món ăn ngon đúng nhu cầu và hơn hết, đảm bảo được cả màu sắc, mùi vị của món ăn mà nếu mang về, những tiêu chuẩn này có nguy cơ bị phá hủy. Ngoài ra, gần như tất cả mọi món ăn (trừ salad và một số món bánh, đồ tráng miệng) sẽ ngon và trọn vẹn nhất khi được ăn lúc còn nóng và ăn ngay.
#3. Vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
Hầu hết những túi đựng thực phẩm mang về nếu không phải là đồ nhựa thì cũng là gói giấy, túi nilon – những vật dụng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng món ăn, làm thay đổi mùi vị, thậm chí có thể sản sinh ra vi khuẩn gây hại nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Chưa kể, khi khách mang thức ăn về, ai đảm bảo khách sẽ ăn ngay khi còn đủ nóng và đủ ngon, hay lại vứt tạm ở đâu đó, vứt đại vào tủ lạnh và rất lâu sau mới nhớ đến rồi mang ra dùng? – như thế, có phải khách có thể bị ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn không đảm bảo chất lượng mang về từ nhà hàng không? – khi đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong khi mẫu thức ăn, bao bì, hóa đơn đều mang tên nhà hàng? Và khi được lan truyền trên các trang mạng xã hội, chưa kịp biết tính đúng sai của sự việc, một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng đã nhảy bổ vào “xâu xé” và “tế sống” nhà hàng không thương tiếc. Chưa kể, nhà hàng còn phải bỏ ra một khoản không nhỏ để chi trả tiền viện phí, phí tổn thất cho “nạn nhân” và mất một lượng lớn khách hàng.
Quy định “cấm” khách mang thức ăn thừa về có đúng luật?
Không một bộ luật nào cho phép nhà hàng “cấm” khách mang thức ăn thừa của họ về nhà. Tuy nhiên, những nguyên do được chia sẻ trên đây có lẽ là lý giải khá thuyết phục cho chính sách có phần “nhạy cảm” này của nhiều nhà hàng, nhất là những nhà hàng đạt chuẩn đến hạng sang. Bởi họ thà mất lòng khách trước, bị cho là keo kiệt và lãng phí còn hơn đứng trước nguy cơ ảnh hưởng đến túi tiền và cả danh tiếng khi tham gia vào những vụ kiện tụng hay tiếng xấu đồn xa trên các trang mạng xã hội nếu có sự cố phát sinh.
Tuy nhiên, phải làm sao để khách hiểu và đồng tình thay vì phẫn nộ và không hài lòng về quy định đó.
Muốn vậy, nhà hàng phải:
+ Thông báo ngay chính sách “không cho khách mang thức ăn thừa về” khi cảm thấy khách đang gọi quá nhiều phần ăn và có nguy cơ thừa lại – đồng thời, giải thích lý do nhà hàng phải áp dụng quy định “đặc biệt” đó
+ Tư vấn cho khách trong chọn món, chọn vừa đủ và phù hợp về nhu cầu, sở thích ăn uống (vị, món ăn) – tránh gọi quá nhiều, gọi ra nhưng không ăn – như thế, vừa đỡ lãng phí cho khách, vừa đỡ khó xử cho nhà hàng
+ Trường hợp không thể từ chối việc khách mang thức ăn thừa về, hãy linh hoạt hướng dẫn khách cách bảo quản, khuyến cáo thời gian dùng giới hạn của món ăn, nêu những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra và đề nghị khách ký cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm sau đó nếu được
+ Về thức ăn thừa để lại, nhà hàng nên có giải pháp xử lý hiệu quả, tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường – có thể liên hệ các hộ/ trang trại chăn nuôi động vật để chuyên chở và tiêu thụ lượng lớn thức ăn thừa mỗi ngày – tuyệt đối không đưa thức ăn thừa cho người vô gia cư…
Quy định là quy định nhưng có những việc thấy dễ nhưng khi làm thì rất rất khó – đấy là chưa kể có thể vấp phải những luồng ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, với việc không cho khách mang thức ăn thừa về được cho là hoàn toàn hợp lý và nên áp dụng rộng rãi, không chỉ trong những nhà hàng hạng sang mà cả những quán nhỏ, quán ven đường… để thực khách tự ý thức sự lãng phí mà cân nhắc trong chọn món và thưởng thức món ăn.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên