Bộ phận F&B trong khách sạn thu hút khá nhiều nguồn nhân lực trẻ hiện nay. Hoteljob.vn xin chia sẻ những câu hỏi thường gặp khi xin việc, làm việc trong môi trường F&B và những giải đáp của chị Đặng Hải Linh - Giám đốc bộ phận Ẩm thực, Khách sạn 5 sao Crowne Plaza West Hanoi.
Hỏi: Cần chuẩn bị những gì trước khi đi phỏng vấn vào khách sạn? Và khi tuyển dụng nhân viên cho bộ phận F&B, nhà tuyển dụng sẽ hỏi những câu hỏi gì?
Trả lời: Bạn cần chuẩn bị trước những thông tin của khách sạn bạn ứng tuyển, mỗi khách sạn thường có tiêu chí riêng mà khách sạn nhắm tới (core value - giá trị cốt lõi), qua đó bạn thể hiện cho người phỏng vấn thấy bạn là người có thể phù hợp và là người đóng góp vào giá trị đó. Thêm phần quan trọng là ngoại ngữ và những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, khả năng làm việc chịu được cường độ cao... Và câu hỏi mà nhà tuyển dụng sẽ quyết định chọn bạn hay không là câu “Cho tôi biết lý do tôi chọn bạn mà không phải là ứng viên khác?”
Hỏi: Em đang học ngành quản trị du lịch có thể vào nhà hàng không ạ? Nếu đi tu nghiệp ở nước ngoài thì cơ hội làm việc có cao hơn không hay là thời gian đó mình nên đi làm ở Việt Nam để có kinh nghiệm ?
Trả lời: Cơ hội nghề nghiệp chia đều cho mọi người nên quan trọng nhất bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn đúng là người họ cần, do vậy ngoài kiến thức cơ bản bạn có bạn cần thêm sự tự tin, khả năng thuyết phục... Nếu bạn đi thực tập ở nước ngoài bạn cũng có thể nâng cao được khả năng ngoại ngữ và nghiệp vụ, tuy nhiên các khách sạn cũng vẫn tuyển các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp nhưng thể hiện được bản thân, tinh thần cầu tiến, tự tin, ...
Hỏi: Môi trường nhà hàng, khách sạn yêu cầu gì ở những ứng viên F&B?
Trả lời: Yêu nghề, yêu đời, phục vụ là niềm vui, chịu được sức ép của công việc và nắm bắt được tâm lý của khách hàng.
Hỏi: Em là sinh viên năm 3 ngành quản trị khách sạn, em rất muốn đi làm F&B để có thêm kinh nghiệm nhưng ứng tuyển vào phục vụ nhà hàng khách sạn 4, 5 sao thì rất khó vì tiếng anh chưa tốt lắm, em có nên đi ứng tuyển vào 3 sao hay không vì cô giáo em có nói không nên đi làm sớm từ 3 sao vì mình sẽ quen cái chưa chuyên nghiệp của 3 sao, liệu có đúng vậy không ạ?
Trả lời: Tác phong làm việc sẽ được hình thành ngay từ ngày đầu bước chân vào nghề! Cô giáo bạn nói đúng, bạn sẽ cần có thời gian để thay đổi tác phong và thói quen. Nếu bạn muốn làm ở khách sạn 5 sao thì bạn nên xin được thực tập ở khách sạn 5 sao nhé! Khi thực tập bạn sẽ có thêm thời gian để trau dồi ngoại ngữ bằng cách giao tiếp với khách!
Hỏi: Hiện em đang học QTKS hệ Đại Học, em muốn hỏi khi đi xin việc nhà tuyển dụng có quan trọng nhiều về học lực hay xếp loại tốt nghiệp không ạ?
Trả lời: Học lực và xếp loại tốt nghiệp cũng quan trọng, nhưng thái độ khi bạn đi xin việc và khả năng thuyết phục nhà tuyển dụng có vai trò quan trọng hơn.
Hỏi: Em mong muốn được làm Bartender trong một nhà hàng – khách sạn nhưng chưa từng được đào tạo qua một lớp nào cả, vậy em có cơ hội được nhận không vì em là sinh viên nên chưa có điều kiện để đi học?
Trả lời: Ngoài việc nghề pha chế yêu cầu phải có khứu giác và vị giác cực kỳ tinh tường, thì nghề này yêu cầu bạn cần phải học qua một lớp cơ bản về pha chế để có được kỹ năng pha chế những loại thức uống khác. Bạn có thể sắp xếp thời gian đi học một lớp nghề pha chế buổi tối, kết hợp với việc thực tập thực tế, làm part time tại các bar bán nhiều loại cocktail để có được chứng chỉ pha chế hành nghề sau này. Nếu có đam mê thì bạn hoàn toàn có thể học được.
Hỏi: Làm sao để liên hệ thực tập tại các khách sạn?
Trả lời: Các bạn có thể truy cập facebook của khách sạn, vào mục tuyển dụng để hỏi thông tin. Hoặc vào website của khách sạn, tìm số điện thoại và gọi đến gặp phòng nhân sự để hỏi thủ tục, xin form điền thông tin thực tập.
Hỏi: Nếu đi phỏng vấn, khách sạn hỏi mình, bạn muốn mức lương bao nhiêu, nhưng mình hoàn toàn không biết mức lương chung của khách sạn đó như thế nào, thì mình nên trả lời như thể nào để có được mức lương mong muốn?
Trả lời: Câu hỏi này chỉ nhằm mục đích để nhà tuyển dụng biết được mong muốn của ứng viên. Vì thực ra, mỗi khách sạn đều có bảng lương cố định cho mỗi vị trí công việc. Vì thế, nếu yêu thích vị trí công việc của khách sạn đó, bạn có thể trả lời là “Bạn chấp nhận mức lương mà khách sạn trả cho vị trí công việc đó”.
Bạn muốn tìm hiểu thêm: F&B là gì? Khám phá bộ phận F&B trong khách sạn
Hỏi: Cách xử lý những tình huống bất ngờ trong quá trình phục vụ?
Trả lời: Trong thực tế nghề phục vụ, có rất nhiều tình huống phát sinh. Có khi khách đến ăn và ra về nhưng khăn ăn vẫn còn để trong cạp quần. Người phục vụ không thể để khách mang như thế ra đường được, lúc ấy nhân viên phục vụ phải đi theo và nói nhẹ nhàng, chân thành với khách, cho em xin lại cái khăn và quan trọng là thái độ không được đùa cợt với khách. Hoặc khi khách say rượu làm náo loạn nhà hàng thì người phục vụ phải báo cho quản lý, để quản lý mời bảo vệ giải quyết. Nghề phục vụ phải có được sự bình tĩnh mới xử lý được tình huống. Hãy xem những phàn nàn của khách là một phần của công việc, đừng mang cảm giác nặng nề.
Hay khi nhỡ làm đổ thức ăn vào người của khách, nhân viên phục vụ cần phải chân thành xin lỗi khách. Nếu khách đang ở trong khách sạn thì bạn có thể đề nghị khách đi thay áo quần và phụ trách giặt là trang phục cho khách. Với khách từ bên ngoài, nhân viên phục vụ có thể dùng khăn lau để giúp khách làm sạch trang phục. Nếu khách tỏ ra khó tính thì bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của quản lý nhà hàng.
Hỏi: Làm sao để bao quát được tình hình bữa tiệc? Làm sao để khách vui vẻ để mình sẵn sàng phục vụ họ?
Trả lời: Với những bữa tiệc nhỏ, ít khách, một nhân viên phục vụ hoàn toàn có thể quan sát được bữa tiệc. Nhưng với những bữa tiệc đông khách, mỗi nhân viên được chia phụ trách một khu vực khác nhau, liên lạc với nhau qua bộ đàm và chịu sự hướng dẫn, giám sát của người quản lý chung.
Để khách vui vẻ thì nhân viên phục vụ cần phải có nụ cười, vui vẻ, chân thành, tạo cho khách cảm giác “mình rất vui khi được phục vụ khách” qua hành động, cách cư xử, nét mặt của mình.
Hỏi: Phục vụ ăn Âu và phục vụ ăn Á có gì khác nhau không?
Trả lời: Về quy trình phục vụ thì ăn Âu và ăn Á thì đều như nhau. Tuy nhiên với ăn Âu thì phục vụ khách trước, phụ nữ trước và người mời sau cùng. Ăn Á thì phục vụ khách mời quan trọng trước, phụ nữ, trẻ em rồi mới đến người mời.
Hỏi: Em đã có 3 năm kinh nghiệm trong vị trí Bartender, nên làm gì và học thêm những gì để thăng tiến được trong nghề? (Em đã có 1 bằng về quản trị kinh doanh nhà hàng)
Trả lời: Bạn cần đặt cho mình một mục tiêu là bạn muốn gì, lên kế hoạch phấn đấu cho bản thân. Bạn có thể gặp người quản lý của mình để nói ra mục tiêu của mình là mong muốn trở thảnh giám sát, quản lý… để nhờ quản lý tư vấn là nên học thêm những kỹ năng gì, trang bị thêm những kiến thức gì cho những vị trí đó.
Hỏi: Khi khách cố tình phàn nàn về nhà hàng thì nên xử lý như thế nào?
Trả lời: Với nghề dịch vụ, khách hàng là người luôn luôn đúng. Bạn cần phải giữ thái độ cởi mở, chân thành khi nghe khách nói để hiểu được khách muốn cái gì, xin lỗi khách vì chưa đáp ứng được kì vọng của họ và đưa ra một số giải pháp giải quyết. Nếu không xử lý được, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của quản lý nhà hàng.
Hỏi: Tố chất cần có của một người quản lý?
Trả lời: Người quản lý phải là người biết phát huy được sức mạnh của tập thể. Mỗi một con người đều có những mặt tốt, mặt không tốt, sở trường, sở đoản riêng; người quản lý phải biết cách phát huy những mặt tốt, sở trường của nhân viên; ghi nhận những ý kiến đóng góp của nhân viên để công việc được tốt hơn.
Bạn đang muốn tìm việc làm phục vụ nhà hàng?
► Xem thêm:
Công việc Quản lý bộ phận “Food and Beverage” và các loại hình “F&B service”
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên