Câu chuyện xảy ra vào lúc 2 giờ 30 phút sáng ngày 6/4/2016 trên chuyến bay có ký hiệu VN 416 của hãng hàng không quốc gia Việt nam chở theo hơn 300 hành khách với nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới xuất phát từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Hà Nội đi Seoul, Hàn Quốc. Sau khi máy bay cất cánh và đi được khoảng ½ hành trình, các tiếp viên bắt đầu phục vụ bữa ăn đêm cho hành khách. Ở hàng ghế số 47 hành khách Nguyễn Văn Tr., 54 tuổi, đi cùng vợ và một số đồng nghiệp cũng dùng bữa như tất cả các hành khách khác. Sau khi ăn món rau trộn salat, hành khách Tr. bắt đầu cảm thấy mẩn ngứa toàn thân và chỉ khoảng hơn một phút sau bắt đầu xuất hiện hiện tượng buồn nôn, rồi nôn, người bệnh khó thở, thở rít, hoảng hốt, tím môi, đầu chi… Tất cả những diễn biến nêu trên khiến chúng tôi đều thống nhất nhận định bệnh nhân đã bị dị ứng thức ăn và gần như ngay lập tức rơi vào tình trạng sốc phản vệ.
Tình trạng nguy cấp của bệnh nhân đã được báo cáo khẩn cấp cho các tiếp viên trên máy bay, trên khoang lúc này có khoảng trên dưới 10 bác sĩ đều là hành khách và đang làm việc tại nhiều bệnh viện khác nhau được huy động đến để phối hợp xử lý tình huống, tuy nhiên lúc này chúng tôi hoàn toàn… tay trắng, không ai mang theo bất cứ một loại thuốc cấp cứu nào. Là thầy thuốc nên chúng tôi đều hiểu rằng bệnh nhân có thể sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch trong thời gian rất ngắn nếu không được cấp cứu kịp thời. Trong thời điểm cực kỳ nguy cấp đó, một va ly cấp cứu được các tiếp viên hàng không mang đến, chúng tôi ai cũng tràn đầy hy vọng, nhưng ngay lập tức lại thất vọng vì trong va ly chỉ toàn thuốc uống thông thường mà không có thuốc cấp cứu, trong khoảnh khắc cực kỳ nguy cấp đó tiếp viên trưởng Đỗ Quyên cho biết trên máy bay còn một va ly nữa và đang được mang đến, trong lúc đó bệnh nhân vẫn diễn biến mỗi lúc một nặng thêm, tình trạng khó thở tăng và có biểu hiện tụt huyết áp…
Một tình huống diễn tập cấp cứu trên máy bay trực thăng của quân đội Việt Nam.
Gần ba phút trôi đi trong không khí vô cùng nặng nề, chúng tôi không ai bảo ai nhưng mọi người đều gần như ngẹt thở, các bạn nếu ai là bác sĩ hoặc hiểu biết một chút về dị ứng, phản vệ và sốc thì sẽ hiểu được tâm trạng của chúng tôi lúc đó, trên độ cao hơn 10.000m trong bóng đêm mịt mùng và đang ở bầu trời một quốc gia xa lạ, hàng chục bác sĩ kinh nghiệm bản lĩnh đầy mình nhưng đành bó tay đứng nhìn người bệnh của mình dần rơi vào trạng thái nguy kịch mà không làm được gì hơn, một trong số chúng tôi đã yêu cầu cơ trưởng cho hạ cánh khẩn cấp nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng nếu không có thuốc trên máy bay thì dù có hạ cánh khẩn cấp cũng không thể… vì để hạ cánh một chiêc máy bay trên chặng quốc tế, nhanh nhất cũng cần tới 45 phút và bệnh nhân sốc phản vệ sẽ không thể chờ đợi được đến giờ phút hạ cánh và cho dù ở mặt đất có chuẩn bị cả một phòng cấp cứu hoàn hảo thì cơ hội cứu được người bệnh cũng chỉ là… một vài phần ngàn. Chúng tôi lo lắng và thậm chí có người tự dằn vặt mình, tại sao lại không mang thuốc cấp cứu lên máy bay...
Và đúng lúc căng thẳng nhất, lúc mà tưởng như mọi việc đành buông xuôi thì một tiếp viên mang tới một va li cấp cứu thứ hai được lấy từ phía khoang lái, và khi mở ra chúng tôi như không tin vào mắt mình nữa, tuy rất ít nhưng gần như đủ cho một cuộc cấp cứu, 1 ống solumedrol, 2 ống dimedrol, và đặc biệt 2 ống Adrenalin thật sự trở thành một thứ vô cùng quý giá, một vật cứu tinh giúp chúng tôi giành lại từ tay tử thần một con người. Và điều kỳ diệu đã đến, với phác đồ chống sốc mới nhất của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, chúng tôi lần lượt sử dụng các loại thuốc cần thiết. Chỉ ít phút sau bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng sốc, huyết áp bắt đầu được cải thiện, bệnh nhân bớt khó thở, hết thở rít, môi và các ngọn chi dần hồng trở lại, bệnh nhân dần hồi phục trước ánh mắt ngỡ ngàng, thán phục của hàng trăm hành khách mang nhiều quốc tịch khác nhau. Chúng tôi nhìn nhau và cùng nở những nụ cười chiến thắng. Một cuộc cấp cứu đặc biệt mà có lẽ nhiều bác sĩ dù có bề dầy trận mạc đến mấy cũng không thể có được, một cuộc cấp cứu trên độ cao hơn 10km… trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ và người bệnh đã chuyển sang giai đoạn sốc rất nặng nhưng đã được cấp cứu thành công nhờ phác đồ mới mà trong đó chủ lực là thuốc Adrenalin được sử đụng một cách kịp thời và đúng cách.
Y văn thế giới và các tài liệu nghiên cứu trong nước nhiều năm qua liên tục nhắc tới các hiện tượng dị ứng, tình trạng phản vệ rồi sốc… và cũng đã từ rất lâu dị ứng, phản ứng và sốc phản vệ đã trở thành nỗi ám ảnh của các bác sĩ. Không phải chỉ ở những tuyến cơ sở xa xôi, hẻo lánh mà ngay cả ở những bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, tuyến Trung ương, sốc phản vệ vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều trường hợp người bệnh có diễn biến nặng nề hoặc tử vong ngay trên bàn ăn, tại nhà riêng, trên đường đi cấp cứu và thậm chí ngay trước mặt thầy thuốc. Nhiều trường hợp, bác sĩ chỉ còn biết bó tay nhìn người bệnh của mình ra đi trong tiếc nuối, vô vọng. Do không hiểu biết cơ chế, căn nguyên của tình trạng sốc phản vệ nên nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân đã bức xúc căng thẳng thậm chí đập phá bệnh viện, tấn công hành hung bác sĩ. Trong thời gian gần đây, không rõ do nguyên nhân nào, thời tiết, khí hậu hay thuốc men, bệnh dịch mà tình trạng dị ứng, phản vệ và sốc phản vệ xảy ra nhiều hơn, diễn biến nguy hiểm hơn...
Qua bài viết này cho phép tôi thay mặt người bệnh và các bác sĩ tham gia cuộc cấp cứu đặc biệt có một không hai này gửi tới phi hành đoàn, cơ trưởng Đào Ngọc Quang , nữ tiếp viên trưởng Đỗ Quyên và tập thể tiếp viên trên chuyến bay ký hiệu VN 416 của hãng hàng không quốc gia Việt Nam các bạn là những người chuyên nghiệp, nhân hậu và đầy trách nhiệm.
Phạm Văn Học
(Bệnh viện ĐK Hùng Vương – Phú Thọ)
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên