Hợp đồng ký cho thuê khách sạn “chưa ráo mực” đã “lật kèo bán đứng” cho doanh nghiệp khác

Thị trường đầu tư khách sạn tại Hội An gần đây xôn xao vụ việc chủ sở hữu khách sạn Đông Dương dù đã ký hợp đồng cho Công ty Sao Việt Hưng thuê khách sạn để kinh doanh trong thời hạn 10 năm (2017 – 2017), thế nhưng lại “ngấm ngầm” bán toàn bộ khách sạn lại cho một đơn vị khác. Sự việc không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự xem nhẹ “chữ tín” trong kinh doanh…

Hợp đồng ký cho thuê khách sạn “chưa ráo mực” đã “lật kèo bán đứng” cho doanh nghiệp khác

Giá trị “chữ tín” trong kinh doanh nằm ở đâu? (Ảnh nguồn Internet)

► Cho thuê khách sạn rồi đem bán

Theo hồ sơ vụ việc, bà N.H.N (Sinh năm 1977, thường trú tại Quận 1, TP.HCM) là người có quyền sở hữu thửa đất số 15, tờ bản đồ số 2 (phường Cẩm Châu, TP. Hội An) và tài sản gắn liền với đất là khách sạn 4 tầng.

Ngày 13.8.2017, bà N. (bên A) và Công ty CP Khách sạn sao Việt Hưng (bên B – có trụ sở tại 242 -244 đường Hồ Nghinh, Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng) đã ký kết hợp đồng cho thuê khách sạn để kinh doanh với nội dung cụ thể:

  • Bên A đồng ý cho bên B thuê toàn bộ toàn nhà gắn liền trên đất cùng với toàn bộ tài sản, trang thiết bị, dụng cụ… thuộc quyền sở hữu của bên A (gồm khách sạn, khuôn viên khách sạn, bể bơi…
  • Thời hạn cho thuê khách sạn là 10 năm, tính từ ngày 1.12.2017 đến 1.12.2027. Thời gian bàn giao khách sạn là ngày 13.8.2017.

Hợp đồng ký cho thuê khách sạn “chưa ráo mực” đã “lật kèo bán đứng” cho doanh nghiệp khác

Hợp đồng ký cho thuê khách sạn “chưa ráo mực” đã “lật kèo bán đứng” cho doanh nghiệp khác

Nội dung hợp đồng cho thuê khách sạn của bà N.

Sau khi đã hoàn thành xong thủ tục hợp đồng, Công ty Sao Việt Hưng đã tiến hành đại tu, sửa chữa trong gần 6 tháng với kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Thế nhưng khi bên thuê mới đưa khách sạn đi vào hoạt động chưa bao lâu thì bà N. bất ngờ “gọi điện thoại thông báo” đã bán khách sạn lại cho doanh nghiệp khác.

Theo đó, vào ngày 22.3.2018, tại văn phòng công chứng Hội An, bà N. đã ký hợp đồng nhận đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với thửa đất nói trên cho Công ty cổ phần 216 (có trụ sở tại Hà Nội). Đến ngày 18.4.2018 thì hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng chính thức. Điều đáng nói ở đây là bà N. đã ký hợp đồng cho công ty sao Việt Hưng thuê trong thời hạn 10 năm nhưng vài tháng sau lại “bán ngang” cho đơn vị khác mà không không báo bằng văn bản chính thức cho bên thuê.

► Có dấu hiệu lừa gạt?

Nhiều luật sư khi phân tích về vụ việc này đều nhận định rằng việc sang nhượng khách sạn trong thời hạn cho thuê mà không thông báo với bên thuê là trái với quy định của pháp luật. Tại khoản 1, điều 127, Luật Nhà ở 2014 nêu rõ: “Trường hợp chủ sở hữu bán nhà ở đang cho thuê thì phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết về việc bán và các điều kiện bán nhà ở; bên thuê nhà ở được quyền ưu tiên mua nếu đã thanh toán đầy đủ tiền thuê nhà cho bên cho thuê tính đến thời điểm bên cho thuê có thông báo về việc bán nhà cho thuê, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bên thuê nhà ở nhận được thông báo mà không mua thì chủ sở hữu nhà ở được quyền bán nhà ở đó cho người khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn”.

Không chỉ dừng lại ở dấu hiệu vi phạm Luật Nhà ở, hành động này của bà N còn vi phạm trách nhiệm – nghĩa vụ của bên cho thuê, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên B trong hợp đồng dân sự đã được ký kết: cam kết không chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; đồng thời còn quy định, Cty Sao Việt Hưng được ưu tiên mua khách sạn khi đang thuê nếu bên A có thông báo về việc bán khách sạn.

 “Việc bà N. “lật kèo” không thực hiện đúng nghĩa vụ đã ghi trong hợp đồng 08/SVH-ĐD, không thông báo việc bán khách sạn cho Cty Sao Việt Hưng mà ngấm ngầm bán cho doanh nghiệp khác là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn, gây tổn hại trực tiếp đến quyền và lợi ích của công ty chúng tôi. Phải chăng bà N. đã lừa gạt chúng tôi đầu tư hơn 20 tỷ rồi bán trắng khách sạn cho doanh nghiệp khác?” – trong đơn thư của Công ty Sao Việt Hưng nêu rõ.

Hợp đồng ký cho thuê khách sạn “chưa ráo mực” đã “lật kèo bán đứng” cho doanh nghiệp khác

Khách sạn Đông Dương

Xem thêm: Thủ tục sang nhượng khách sạn và 3 điều cần biết​

► Có hay không sự “tiếp tay” của cơ quan công quyền?

Với sự việc này, bên cạnh câu hỏi về sự trung thực, minh bạch của bà N., dư luận cũng đặt ra vấn đề liệu rằng Văn phòng công chứng Hội An đã làm hết trách nhiệm – có hay không sự “tiếp tay” của cơ quan công quyền?

Bởi lẽ, tại khoản b, điều 7 Luật công chứng 2014 quy định rõ: nghiêm cấm thực hiện việc công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác.

Quy định của pháp luật về hoạt động công chứng cũng yêu cầu: công chứng viên phải hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, giao dịch; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch.

Với trường hợp có căn cứ chứng thực hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ ràng, hoặc đối tượng trong hợp đồng giao dịch không được mô tả cụ thể thì nhân viên công chứng phải tiến hành xác minh, giám định - đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ vấn đề; nếu không làm rõ được có quyền từ chối công chứng.

Vậy thì khi làm thủ tục công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, bà N. đã “giấu nhẹm” chuyện đang cho thuê hay chính cơ quan công quyền “biết” nhưng vẫn công chứng? Đây là vấn đề cần làm rõ.

► Coi thường “chữ tín” trong kinh doanh

Trong môi trường kinh doanh, “chữ tín” được xem là thước đo giá trị đạo đức của người thương nhân. Hành động “lật kèo bán đứng” như thế này thể hiện việc không xem trọng “chữ tín” trong kinh doanh, qua đó, phản ánh cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp, chạy theo lợi ích ngắn hạn trước mắt, làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của bên thuê.

Hợp đồng ký cho thuê khách sạn “chưa ráo mực” đã “lật kèo bán đứng” cho doanh nghiệp khác

“Chữ tín” là thước đo giá trị đạo đức của người làm kinh doanh

Hiện tại thì công ty Sao Việt Hưng đã khởi kiện lên Tòa án nhân dân TP.Hội An và yêu cầu tòa vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng mà bà N. đã ký với đại diện công ty CP 216. Trước đó, cty Việt Hưng đã nhiều lần làm đơn đề nghị khẩn lên Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Nam về việc tạm ngừng việc đăng ký biến động - sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với thửa đất của bà N.

Thế nhưng, phía Văn phòng đăng ký đất đai lại cho rằng: trong thời gian giải quyết hồ sơ sang nhượng của bà N. (23.5.2018 – 5.6.2018) không nhận được văn bản ngăn chặn nào theo quy định của pháp luật nên sẽ vẫn tiếp tục thực hiện yêu cầu hồ sơ và trả kết quả theo quy định của pháp luật.

Vẫn biết quy định của pháp luật đề ra là phải tuân thủ. Tuy nhiên, khi mà sự việc nảy sinh dấu hiệu sai phạm, có đơn thư khiếu nại… thì thiết nghĩ, việc “linh hoạt” với các quy định, tạm ngừng quá trình hoàn tất thủ tục sang tên trên để làm rõ sự thật là điều vô cùng chính đáng và cần thiết.

Hội An được biết đến là một thị trường đầu tư du lịch hấp dẫn ở khu vực miền Trung. Nếu những sự việc tranh chấp, mâu thuẫn như thế này không được cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng, kịp thời – đảm bảo lợi ích hợp pháp cho các bên thì chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh môi trường đầu tư của Hội An trong mắt các doanh nghiệp.

Xem thêm: Các thủ tục, giấy phép khi kinh doanh khách sạn chủ đầu tư cần chuẩn bị

Ms. Smile

(Thông tin nguồn Tin24h)

Tags:
Hợp đồng ký cho thuê khách sạn “chưa ráo mực” đã “lật kèo bán đứng” cho doanh nghiệp khác
4.2 (412 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN