Được kỳ vọng sẽ là "nàng thiên nga"của ngành du lịch Bình Thuận nhưng hơn mười năm qua, khu du lịch ven biển Kê Gà dù được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng lại bị bỏ hoang bởi dự án cảng nước sâu Kê Gà. Đến nay, cảng cũng không thấy, khu resort trở thành “làng du lịch ma” còn nhà đầu tư thì chưa nhận được đồng nào tiền đền bù.
Lỗi tại chính sách…
Đầu những năm 2000, nhiều nhà đầu tư du lịch theo lời mời gọi đầu tư của tỉnh Bình Thuận đã xây dựng các khu resort tại vùng ven biển Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội, TP HCM... đổ hàng trăm tỷ đồng vào xây các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp nằm ven biển. Vùng đất này hứa hẹn sẽ trở thành “nàng thiên nga” của ngành du lịch Bình Thuận với nắng vàng, biển xanh. Khi các resort hoàn thành đi vào hoạt động sẽ nằm liền nhau trên con đường ven biển uốn lượn tuyệt đẹp. Nhưng tất cả chỉ là kỳ vọng.
Đến năm 2007, 12 khu resort trong đó có resort đang xây dựng dở dang, có resort xây dựng gần xong chuẩn bị đi vào hoạt động, có nơi đã đón khách đến nghỉ dưỡng bị buộc ngừng hoạt động và nhường đất cho dự án cảng nước sâu Kê Gà với tham vọng tạo tiền đề phát triển kinh tế cho vùng Nam Trung Bộ.
Khu vực dự định sẽ xây cảng nước sâu Kê Gà
Theo kế hoạch, cảng Kê Gà sẽ khởi công xây dựng vào tháng 9/2009 nhưng sau nhiều lần trì hoãn, dự án này vẫn không khởi công. Đến năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định xóa bỏ quy hoạch cảng Kê Gà và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch.
Đây chính là rủi ro về chính sách không ổn định đã gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư du lịch ở cảng Kê Gà. Những thiệt hại của các chủ đầu tư rất khó đo đếm vì ngoài công sức, tiền bạc, họ còn mất đi cơ hội đầu tư. Cả chục năm trời, công sức, thời gian, tiền bạc của các nhà đầu tư dường như “đổ sông đổ biển”. Các doanh nghiệp đã gửi hồ sơ kê khai phần thiệt hại cho hội đồng đánh giá thiệt hại của tỉnh Bình Thuận: Thế Giới Xanh trên 64 tỉ đồng, Thạnh Đạt trên 15 tỉ đồng, Đức Hạnh trên 33 tỉ đồng, Đồi Phong Lan trên 43 tỉ đồng, các doanh nghiệp còn lại từ vài trăm triệu đến gần 4 tỉ đồng. Tổng cộng có 12 dự án bị ảnh hưởng vì cảng Kê Gà.
Ảnh nguồn Internet
Những chi phí không chứng từ khác như điện nước, thiết bị phòng cháy, nội thất công trình, quản lý dự án, tháo dỡ cải tạo lại mặt bằng... cũng được hội đồng đánh giá thiệt hại đề xuất đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp.UBND tỉnh Bình Thuận sau đó tiếp tục đề xuất phương án bồi thường cho Chính phủ và các bộ liên quan. Tuy nhiên phương án bồi thường của Bình Thuận vẫn chưa được chấp thuận. Bộ Công thương cho rằng giá đền bù cao, đề nghị tỉnh Bình Thuận tính toán lại.
Các chủ đầu tư cho hay thiệt hại của họ không thể nào đong đếm được. Họ đã rất vất vả khi nhiều lần đi lại, họp hành, làm hồ sơ để yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa có kết quả.
"Tôi yêu cầu bồi thường trên 15 tỉ đồng, họ đồng ý 4 tỉ và nói tính toán thêm công lao động. Chúng tôi đâu muốn phải kèo nài như vậy. Dù sao cũng phải tính toán bồi thường hợp đạo lý cho người ta. Chúng tôi đang làm ăn ngon lành, anh đến lấy đất rồi không làm gì, gây thiệt hại nhưng đền bù kiểu như vậy coi sao được."- Ông Nguyễn Thịnh Phát - chủ đầu tư dự án Thạnh Đạt cho biết.
Dự án nghìn tỷ thành “làng du lịch ma”
Ám ảnh của khách du lịch khi đi qua đây là hàng loạt biệt thự, resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp... nằm ven biển bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, không người trông coi. Trên lối vào các tiểu resort đều phủ kín cây dại, cỏ mọc um tùm. Các phòng nghỉ dưỡng cao cấp giờ xập xệ, giường nệm mục nát, máy móc gỉ sét...
Nhìn từ phía biển vào, các resort của khu du lịch Đồi Phong Lan nằm lấp ló bên trong những rừng cây y như các khu nhà ma, nhiều năm chưa một dấu chân đặt đến. Hồ bơi được xây dựng hàng tỷ đồng với nước trong xanh, giờ chỉ là một màu xám đen của bụi đất, xác động vật chết. Các phòng nghỉ của khu du lịch Thế Giới Xanh được khóa lại, bụi bám dày trên cửa và tường. Phía ngoài khuôn viên chỉ thấy toàn lá cây. Đâu đâu cũng chỉ thấy màu rêu phong, cũ nát. Anh Đ.V.C. (ngư dân ở xã Tân Thành) từ nhiều năm qua đã bỏ hẳn nghề đi biển để làm việc trông coi khu du lịch này. Tại một góc sân của khu du lịch, anh C. cho chất ngổn ngang trái dứa dại chuẩn bị xuất bán cho thương lái và nuôi gà, phơi rong biển… Những dự án du lịch khác như Thạnh Đạt, Phương Bắc, Hương Bắc, Thạnh Lợi, Đức Hạnh, Minh Ngọc... cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nơi khá hơn có người canh giữ, còn chỗ khác để hoang hóa, bỏ mặc cho công trình tiền tỉ xuống cấp dần theo thời gian.
Ảnh nguồn Internet
Dọc con đường có các khu du lịch bị ảnh hưởng bởi dự án cảng Kê Gà là hình ảnh những công trình tiền tỷ bị bỏ hoang, “nàng thiên nga” được kỳ vọng ngày xưa giờ đây đã hóa “làng du lịch ma.”
Hoteljob.vn
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên