Một chủ quán phở đã bị công an huyện Bình Chánh – TP. Hồ Chí Minh khởi tố hình sự, khởi tố bị can về tội “ Kinh doanh không có giấy phép”
Xử phạt hành chính 17 triệu đồng với lỗi “ Không đăng ký kinh doanh” !
Cụ thể chủ quán phở là anh Nguyễn Văn Tấn, mở quán phở vào ngày 8-8-2015 tại địa chỉ C12/26 khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh để mở quán cà phê, ăn sáng, cơm trưa văn phòng. Sau 5 ngày khai trương tức ngày 13-8-2015 hai chiến sĩ công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra hành chính, lập biên bản vi phạm “kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Sau đó anh Tấn lập tức đến UBND huyện đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể. Sau đó 5 ngày anh Tấn nhận được giấy phép kinh doanh do UBND huyện cấp. Tuy nhiên do so với biên bản được lập ngày 13-8 thì anh vẫn vi phạm kinh doanh không có giấy phép. Trưởng công an huyện Bình Chánh đã ra quyết định xử phạt 17 triệu đồng.
Có một điều khó hiểu đó là theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm “kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” chỉ bị xử phạt 7,5 triệu đồng. Ngoài ra mặc dù trong biên bản xử phạt chỉ ghi lỗi vi phạm như đã không có giấy phép kinh doanh nhưng trưởng công an huyện Bình Chánh đã tự xử phạt thêm bốn hành vi theo Nghị định 178/2013/NĐ/CP như sau :
- Vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín.
- Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Không lưu trữ đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu về quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tuy nhiên nếu chưa đăng ký giấy phép kinh doanh thì chủ quán phở dĩ nhiên không để đảm bảo các quy định đã nêu ở trên.
Không bán vẫn bị phạt !
Do số tiền xử phạt lên đến 17 triệu đồng, khá lớn so với anh Tân nên anh chưa có tiền đóng phạt ngay lập tức. Anh đành ngậm ngùi đóng cửa để thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật dù hàng tháng anh vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng lên đến 4 triệu đồng. Trong khi chưa có tiền đóng phạt, cửa hàng vẫn đóng cửa, nhưng đến ngày 10 – 9 – 2015 hai cán bộ công an huyện Bình Chánh tiếp tục đến kiểm tra. Hai cán bộ này tiếp tục lập biên bản với hai lỗi vi phạm theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP :
- Sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại
- Sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm
Anh Tấn và gia đình vô cùng hoang mang vì gia đình anh đã ngừng kinh doanh trước đó. Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó. Anh Tấn tiếp tục nhận được quyết định khởi tố hình sự, khởi tố bị can đối với anh. Người bán phở mếu máo không thể hiểu nổi, bán phở mới ít lâu, không biết anh vi phạm điều gì mà bị khởi tố hình sự.
Bị khởi tố hình sự vì “ tái phạm nhiều lần” ?
Theo Điều 159 Bộ luật Hình sự quy định tội kinh doanh trái phép như sau: “Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm:
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…”
Như vậy công an huyện Bình Chánh đã dựa vào khoản a điều 159 bộ luật hình sự để khởi tố hình sự vụ án, khởi tố bị can đối với anh Nguyễn Văn Tấn do anh đã bị lập hai biên bản vi phạm trước đó. Tuy nhiên theo bút lục hồ sơ vụ án, tuy anh Tấn bị lập hai biên bản, nhưng :
- Biên bản đầu tiên ghi rõ anh vi phạm: kinh doanh không có giấy phép kinh doanh
- Biên bản thứ hai thì anh vi phạm hai lỗi mới là : sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại và sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm.
Như vậy rõ ràng anh Tấn không hề tái phạm hành vi “kinh doanh không có giấy phép”. Nhưng trưởng công an huyện Bình Chánh vẫn ký quyết định khởi tố hình sự vụ án. Đây quả là một điều quá khó hiểu.
Biên bản vi phạm có nhiều điều khó hiểu.
Trong lần kiểm tra đầu tiên vào ngày 13-8-2015, biên bản ghi rõ thời gian kiểm tra biên bản được lập lúc 9h và kết thúc 9h15 phút cùng ngày. Nhưng đến 10h mới có người làm chứng đến ký vào biên bản. Người làm chứng Nguyễn Thị Trang ký vào mục “Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền”. Người làm chứng đến sau khi mọi việc đã xong xuôi ? Cho đến hôm sau khi công an huyện trao lại cho anh Tân bản sao của biên bản vi phạm thì anh lại thấy xuất hiện thêm một người làm chứng nữa là Hoàng Sơn ký tên trên biên bản.
Điều khó hiểu thứ hai là hai lần lập biên bản đều ghi rõ thành phần kiểm tra là 2 cán bộ công an huyện, thế nhưng, trong kết luận điều tra lại ghi “Đội cảnh sát điều tra tội phạm phối hợp Phòng Y tế, Công an Thị trấn Tân Túc kiểm tra”.
Điều khó hiểu thứ ba là trong biên bản vi phạm lần hai chỉ ghi hai điều vi phạm. Nhưng trong kết luận điều tra do Trưởng Công an huyện Nguyễn Văn Quý ký lại ghi thêm “kinh doanh sai địa điểm” và “thải nước thải chưa qua xử lý vào môi trường”
Qúa nhiều điều mập mờ, không khớp trong hồ sơ nhưng Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh Lê Thanh Tòng vẫn phê chuẩn quyết định khởi tố và đưa cả những điểm bất nhất của hồ sơ vụ án vào cáo trạng.
Công an huyện phớt lờ nội dung phúc đáp của UBND huyện !
Khi công an huyện Bình Chánh gửi công văn đến UBND huyện để xác minh anh Tấn có kinh doanh sai ngành nghề đăng ký hay không. UBND huyện đã có phúc đáp rõ ràng :
“Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tấn hoạt động kinh doanh ăn uống là kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký. Đối với phần ghi chú trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao là chỉ nhằm mục đích thông tin cho hộ kinh doanh biết để thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Trường hợp hộ kinh doanh không thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định”.
Nội dung phúc đáp này đã rõ ràng anh Tấn không hề vi phạm các điều khoản theo bộ luật hình sự nhưng công an huyện vẫn phớt là phúc đáp này và khởi tố hình sự vụ án.
Muốn triệt đường sống của người bán phở ?
Thật khó hiểu khi công an đã có kết luận điều tra và trả hồ sơ về cho tòa án vào ngày 25-1-2016. Như vậy họ đã không còn có quyền ra các quyết định tiếp theo. Nhưng đến ngày 22-2-2016 công an huyện Bình Chánh lại có công văn yêu cầu UNBD huyện thu hồi giấy phép kinh doanh của anh Tấn. Tuy nhiên UBND huyện đã gửi trả công văn là không có cơ sở để thu hồi.
Một điều khiến người ta phải đặt câu hỏi là tại sao từ ngày 4-10-2015, anh Tấn đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng đến nay Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh vẫn không giải quyết mà cũng không trả lời lý do tại sao.
Bị khởi tố bị can vì tội…cạnh tranh với căng tin công an huyện ?
Người bán phở đơn thuần vẫn không hiểu chuyện gì đang xẩy ra với mình. Anh đã làm gì để bị khởi tố bị can ? Nhiều người đặt câu hỏi “ Phải chăng anh Tấn phạm tội …cạnh tranh với căng tin công an huyện?” Tại sao muốn bán bát phở mà phải khó khăn đến vậy ?
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên