Cross-training là gì? Những điều cần biết về Cross-training trong ngành khách sạn

Bạn đã từng nghe đến thuật ngữ “Cross-training”? Vậy bạn có biết Cross-training là gì? Có những điều gì cần biết về thuật ngữ này trong ngành khách sạn? Hãy cùng Hoteljob.vn tìm hiểu điều này.

Cross training là gì

Ảnh nguồn Internet

► Cross-training là gì?

Trong khách sạn, Cross-training là hình thức đào tạo chéo nhân viên giữa các vị trí trong 1 bộ phận (bàn – bar – banquet…) hay giữa các bộ phận trong 1 khách sạn (Lễ tân – F&B – buồng phòng…). Ví dụ nhân viên phục vụ bàn được đào tạo chéo về nghiệp vụ Banquet hay lễ tân được chuyển sang học việc và làm việc tại bộ phận sales… Đối tượng được các quản lý khách sạn chọn để tham gia các khóa Cross-training là những nhân viên được đánh giá có tiềm năng phát triển.

► Những điều cần biết về Cross-training

♦ Các phương pháp Cross-training

  • Đào tạo On-job-training (Đào tạo cầm tay chỉ việc)

Với phương pháp này, 1 người được đào tạo sẽ được 1 nhân viên chuyên lĩnh vực đó trang bị những kiến thức, hướng dẫn trực tiếp các kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến công việc. Việc đào tạo này sẽ diễn ra trong 1 khoảng thời gian xác định (2 – 3 tháng) tùy theo chính sách của khách sạn và có quá trình giám sát, kiểm tra, đánh giá.

Cross training là gì

Ảnh nguồn Internet

Bạn muốn xem thêm: Up-selling là gì? Nghệ thuật Up-selling trong khách sạn

  • Đào tạo tập trung

Đào tạo tập trung là phương pháp đào tạo cho nhiều người cùng lúc do 1 người hướng dẫn có chuyên môn phụ trách. Phương pháp này đòi hỏi cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch tổ chức, cơ sở hạ tầng phải đảm bảo để đáp ứng nhu cầu đào tạo về cả lý thuyết lẫn thực hành. Muốn phương pháp này đạt hiệu quả cao thì cần phải tạo điều kiện để người được đào tạo ứng dụng vào công việc thực tế.

  • Đào tạo trực tuyến

Để đảm bảo tiêu chí tiện lợi, giảm chi phí xây dựng chương trình đào tạo, tiết kiệm thời gian thì đào tạo trực tuyến là phương pháp thích hợp nhất. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp với những công việc không cần phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng như: đặt phòng, sales, marketing… Người hướng dẫn và được đào tạo sẽ tương tác nhau qua các ứng dụng công nghệ hỗ trợ nên hoàn toàn có thể linh động về mặt thời gian.

♦ Lợi ích từ hình thức Cross-training

  • Linh hoạt điều chuyển nhân sự: Khi khách sạn có biến động nhân sự, ví dụ như 2 nhân lễ tân nghỉ việc đột xuất thì những nhân viên được cross-training về lễ tân sẽ được điều động đảm nhận công việc này. Nhờ có lực lượng nhân sự đào tạo chéo mà khách sạn sẽ phản ứng nhanh nhạy hơn trước những thay đổi bất ngờ về nhân sự.
  • Giảm chi phí đào tạo người mới: Trong trường hợp 1 nhân viên giám sát Banquet nghỉ bệnh dài ngày hoặc nghỉ sinh thì có thể thay bằng 1 nhân viên đã được đào tạo chéo về nghiệp vụ của vị trí này, giúp giảm chi phí tuyển dụng – đào tạo người mới. Nhân viên thay thế sẽ làm việc cho đến khi nhân viên của vị trí đó trở lại.
  • Đào tạo lực lượng kế nhiệm có đủ kỹ năng và năng lực đảm đương công việc: Nếu trường hợp khách sạn cần người thay thế 1 trưởng bộ phận hay 1 quản lý thì phải đảm bảo nhân sự kế nhiệm đủ năng lực để đảm đương công việc. Nhân sự được ngắm đến sẽ được đào tạo, hướng dẫn giải quyết công việc hiệu quả, tham gia vào các công việc ở cấp độ quản lý.
  • Gia tăng tính đoàn kết giữa các nhân viên – hỗ trợ công việc nội bộ hiệu quả: Khi nhân viên hiểu được tính chất công việc và có thể đảm nhận được công việc của nhân viên khác thì họ sẽ sẵn lòng tiếp ứng và hỗ trợ khi nhân viên đó “quá tải”.

Cross training là gì

Ảnh nguồn Internet

  • Nâng cao quy trình làm việc: Đôi khi những nhân viên tham gia các khóa Cross-training sẽ đề xuất những cái nhìn mới, ý tưởng mới giúp cải tiến quy trình làm việc hiệu quả hơn.
  • Gia tăng sự hài lòng ở nhân viên: Với hình thức đào tạo chéo, nhân viên sẽ được khám phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân – được phát triển nhiều kỹ năng, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, giúp nhân viên có thể thực hiện đa nhiệm vụ, tạo cơ hội phát triển sự nghiệp. Qua đó, nhân viên sẽ cảm thấy được khách sạn trân trọng, thúc đẩy thái độ làm việc tích cực hơn.

Xem thêm: Kiểm toán đêm là gì? Mô tả công việc và mức lương nhân viên kiểm toán đêm trong khách sạn

Ms.Smile

Tags:
Cross-training là gì? Những điều cần biết về Cross-training trong ngành khách sạn
4.4 (974 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN