Vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, dòng khách du lịch Ấn Độ vì thế mà bất ngờ tăng cao hơn bao giờ hết. Nhu cầu đi đây đó cao, sở thích chi tiêu khủng, đây chính là thị trường khách “béo bở” mà nhiều quốc gia đặt mục tiêu thu hút và khai thác triệt để. Đáng nói là, trong khu vực ASEAN, Việt Nam được CNN xếp vào danh sách những quốc gia được hưởng lợi từ làn sóng đi du lịch của “mỏ vàng” di động này.
Khách du lịch Ấn Độ đang trở thành “thế lực mới” trên thị trường du lịch quốc tế. Họ có tất cả những yếu tố cần thiết để đóng vai một cường quốc về du lịch nước ngoài. Tháng 4/2023, quốc gia này chính thức vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới và sẽ càng ngày càng tăng thêm cho đến khi chạm mức đỉnh gần 1,7 tỷ người vào năm 2063. Các công ty lữ hành trên toàn cầu vì thế mà nhanh chóng nhận ra rằng Ấn Độ sẽ là thị trường khách du lịch cực kỳ quan trọng và tiềm năng cần được quan tâm và đẩy mạnh khai thác hơn bao giờ hết. Nhiều ngành du lịch trên toàn cầu cũng đang nhắm Ấn Độ là thị trường “khủng” sau Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam khá cao, từ 65,6 nghìn lượt khách năm 2015 đến 169 nghìn lượt năm 2019, thuộc Top 16 thị trường gửi khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất. Đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng cao ấn tượng, đứng top 9/10 và vẫn đang không ngừng tăng cao. Vị thứ này tiếp tục được giữ vững trong 6 tháng đầu năm 2023 và được dự báo có thể đón được nửa triệu lượt khách Ấn đến du lịch trong cả năm nay.
Đáng nói hơn là, thị trường đông dân nhất thế giới này đang coi Việt Nam là điểm đến hàng đầu để xuất ngoại tham quan, nghỉ dưỡng. Sự quan tâm của du khách Ấn bắt đầu lớn hơn và bùng nổ từ sau đại dịch Covid-19, khi mà nhu cầu tìm đến những “điểm đến an toàn” chiếm đến 33% để lên kế hoạch cho một chuyến đi. Mà Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được điều đó, nhất là sau khi chống dịch thành công, gây được tiếng vang lớn trên toàn thế giới.
Theo Agoda, dự đoán lượng khách Ấn đến Việt Nam sẽ tăng ít nhất 1.000% so với trước dịch. Trang web đặt phòng này cũng chỉ ra dữ liệu về lượt tìm kiếm tới Việt Nam của khách Ấn đã tăng thêm 390% so với năm 2019. Nghĩa là, nhu cầu sang Việt Nam trải nghiệm của khách Ấn là cực kỳ cao, hứa hẹn sẽ là “mỏ vàng” triển vọng của du lịch Việt.
Các điểm đến phổ biến của khách Ấn là: Hà Nội, Tp.HCM, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Hội An. Gần đây, Vũng Tàu hay Nha Trang cũng trở thành địa điểm được yêu thích. Thống kê của Booking.com (kênh OTA hàng đầu thế giới) chỉ ra TP.HCM, Hà Nội và Vũng Tàu là các thành phố của Việt Nam được lọt vào Top các điểm đến yêu thích của du khách Ấn năm 2022. Ngoài ra, nhiều du khách Ấn cho biết họ cũng thích khám phá những bãi biển xinh đẹp tại TP.Nha Trang, cùng các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận. Vậy nên, trong chiến dịch khai thác và phát triển du lịch bền vững và hiệu quả của Việt Nam, thị trường du lịch Ấn phải được công nhận nhiều hơn, để đề ra phương hướng, giải pháp thu hút mạnh mẽ.
Dự báo của CNN rằng lượng khách Ấn Độ đi du lịch nước ngoài sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2024 và có sự tăng trưởng bùng nổ, đạt mức 28,5 triệu lượt trong năm 2025. Đây sẽ là thị trường du lịch nước ngoài tăng trưởng nhanh nhất trong vòng vài năm tới và là thị trường nguồn đầy tiềm năng mà quốc gia nào cũng mong muốn thu hút để tìm nguồn thu khủng.
Ấn Độ là một trong những thị trường du lịch nước ngoài phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Cũng là 1 trong 10 quốc gia có chi tiêu du lịch outbound cao nhất thế giới và họ đang ngày càng giàu có hơn.
Một du khách người Ấn chi trung bình khoảng 1.200 USD cho mỗi chuyến thăm quan, có nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú, so với nhóm khách châu Á đến Việt Nam tổng chi 1.000 USD, người Mỹ chi 700 USD và người Anh chỉ chi 500 USD.
Cụ thể, cơ cấu chi tiêu của họ là: thuê phòng (37,61%) + ăn uống (24,42%) + đi lại (14,7%) + mua sắm (13,03%) + tham quan và văn hóa-thể thao-giải trí (7,05%)… Chi tiêu bình quân 1 lượt khách trong ngày vào khoảng 148 USD.
Một thống kê khác chỉ ra kết quả chi tiết hơn. Với người có khả năng chi trả trung bình, khi đi du lịch, họ thường chi khoảng 150-200 USD/ngày/người, bao gồm: vé máy bay nội địa nước đến, khách sạn 4 sao, các điểm tham quan, hướng dẫn viên, phương tiện di chuyển. Với người có thu nhập cao hơn, mức chi sẽ tăng lên 200-250 USD/ngày/người và tận hưởng các dịch vụ tiện nghi hơn.
Chưa kể, tâm lý khách du lịch Ấn Độ thích đi đây đó cùng đại gia đình nhiều thế hệ. Và lên kế hoạch cho chuyến trải nghiệm nước ngoài cũng thế. Vậy nên, dù chi tiêu khi đi du lịch ở mức trung bình-cao hay cực cao thì khi nhân hệ số thành viên trong nhóm/tour lên, con số tổng thu về từ thị trường khách Ấn tiềm năng chắc chắn sẽ không hề thấp, nếu không muốn kỳ vọng là cực kỳ cao.
Ước tính năm 2024, du khách Ấn Độ sẽ chi khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Con số này tuy không thể so sánh với mức chi của khách du lịch Trung Quốc trong năm 2021 là 106 tỷ USD nhưng đây vẫn là mức chi khủng mà ngành du lịch của nhiều quốc gia không thể không khao khát.
Giới “siêu giàu” của Ấn Độ thậm chí còn không tiếc tiền chi khủng cho những dịch vụ cao cấp, xa hoa nếu thích. Điển hình như đã có tỷ phú người Ấn chọn 1 khu resort 5 sao cực kỳ sang trọng ở đảo ngọc Phú Quốc hay tại Đà Nẵng làm địa điểm tổ chức đám cưới siêu hoành tráng cho con của họ.
Tiềm năng hút khách Ấn Độ đến các nước khu vực châu Á cực kỳ lớn. Bằng chứng là nếu xét về tỷ lệ, châu Âu mới chỉ chiếm 20% tổng du khách Ấn ghé thăm, 10% nữa thuộc về các quốc gia vùng châu Đại Dương và đến 70% còn lại thuộc về châu Á. Có thể nói, châu lục này vẫn luôn là điểm đến ưa thích nhất của người Ấn, tâm điểm hàng đầu là Đông Nam Á, có lẽ vì gần gũi về mặt địa lý và có nhiều sự tương đồng về văn hóa. Thái Lan, Malaysia và Indonesia là 3 điểm đến phổ biến nhất với khách Ấn. Sau đại dịch, Việt Nam nổi lên như một cái tên đặc biệt mới lạ, có nhiều điều thú vị để khám phá khiến tốc độ tăng trưởng vượt bậc, tăng đến 1.000% trước Covid-19. “Trước đó, các nước này đều đón khách du lịch Ấn Độ rồi nhưng quy mô thế này thì chưa từng có. Đặc biệt, trong năm 2023 này sẽ có tới nửa triệu người Ấn đến Việt Nam du lịch, tập trung vào các vùng biển nổi tiếng ở miền Trung” - Giám đốc điều hành kênh Agoda dự báo.
Khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam dự kiến tăng ít nhất 1.000%
Nguyên nhân chính dẫn đến việc du khách Ấn đến Việt Nam tăng đột biến là từ việc đã có đường bay thẳng giữa 2 nước. Qua đó rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển đi-về cho khách.
Cụ thể: trước năm 2022, việc khai thác khách từ thị trường Ấn Độ gặp rất nhiều khó khăn do không có đường bay thẳng trực tiếp, giá cả các tour đến Việt Nam cũng khó mà cạnh tranh được với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore hay Malaysia… Thế nhưng, năm 2022, khi hãng hàng không Vietjet Air, sau là Vietnam Airlines, Indigo triển khai đường bay trực tiếp từ các thành phố lớn của Ấn Độ (như Mumbai, New Delhi, Kolkata…) đến Việt Nam (là Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng…) giúp kết nối 2 đất nước có vị trí địa lý không quá xa nay lại càng gần gũi chỉ trong khoảng thời gian bay có 5h. Điều này tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi để phát triển du lịch hai nước Việt Nam-Ấn Độ.
Ngoài ra, đất nước hình chữ S được đánh giá là điểm đến khá mới mẻ đối với khách du lịch Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á, sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp, có khí hậu đa dạng cùng nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc và nền ẩm thực vô cùng đa dạng, phong phú, đặc biệt là đảm bảo yếu tố an ninh, an toàn… tạo điều kiện để hình thành nên nhiều điểm đến hấp dẫn, các sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách Ấn nói riêng và khách du lịch toàn cầu nói chung đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.
Có tiềm năng hút khách Ấn là thế, tuy nhiên, hiện tại chúng ta vẫn chưa tận dụng khai thác thị trường khách du lịch này một cách hiệu quả. Bằng chứng là mặc dù tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng số khách Ấn Độ đến Việt Nam còn rất khiêm tốn so với gần 5 triệu lượt khách Ấn đến khu vực Đông Nam Á nói riêng và đi du lịch nước ngoài nói chung (tỷ lệ rất thấp, dưới 1%). Tổng lượng khách Ấn đến Việt Nam cũng chỉ bằng 3% tổng lượng khách đến các nước khác.
Trong khu vực ASEAN, 2 quốc gia hút khách Ấn lớn nhất là Thái Lan và Singapore, Việt Nam đứng thứ 5 nhưng kém xa về lượng khách Ấn đến.
Số liệu thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia VN cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đạt khoảng 141.000 lượt trong tổng số 5,6 triệu lượt khách quốc tế đến, xếp vị trí thứ 10 trong số các thị trường hàng đầu của du lịch Việt.
Thị trường Ấn Độ được ví như là một bức tranh khảm, không phải là một khối đồng nhất. Bởi Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn với hơn 1,4 tỷ dân, bao gồm nhiều tiểu bang và vùng lãnh thổ. Mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ có sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, thói quen tiêu dùng, và đặc điểm tính cách riêng.
Đối với một đất nước có quy mô và sự đa dạng như vậy, việc mô tả con người là một nhiệm vụ đáng ngại. Một số đặc điểm chung trong tính cách, văn hóa, tôn giáo, sở thích của du khách đến từ Ấn Độ được nêu ra dưới đây có thể phần nào giúp ích cho du lịch Việt Nam trước mục tiêu thu hút thị trường khách du lịch Ấn Độ trong giai đoạn mới.
Ấn Độ là đất nước mà phong tục tập quán gắn liền với giai cấp và lễ nghi tôn giáo. Mỗi hành động và cử chỉ của con người đều bị bó buộc trong những quy định chặt chẽ. Một điều rất hay là dù có sự phân biệt giai cấp, chẳng hạn như hai người có địa vị xã hội khác nhau không bao giờ ngồi cùng một bàn ăn, thế nhưng cách sống của họ lại không có sự phân biệt. Người giàu cũng sinh hoạt, ăn uống giản dị như người bình dân, khoảng cách nhu cầu hưởng thụ giữa họ không quá khác biệt.
Tính cách nhu hòa và điềm tĩnh là cách biểu đạt chuẩn cho người Ấn. Họ dễ mở lòng, dễ bỏ qua. Nếu có một cuộc va chạm giao thông nhẹ trên đường, họ sẽ không tranh cãi, phân thắng bại được thua, bực lắm thì chỉ làu bàu vài câu rồi đứng dậy tự lo giải quyết hậu quả.
Người Ấn Độ nói chung rất sùng đạo. Du khách người Ấn thường tôn trọng và tuân theo các giá trị tôn giáo và truyền thống của họ trong suốt chuyến du lịch. Họ có thể tham gia vào các nghi lễ tôn giáo hoặc thăm các địa điểm linh thiêng.
Du khách người Ấn Độ rất tự hào về văn hóa và di sản của đất nước họ. Họ có thể muốn chia sẻ thông tin về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của Ấn Độ với người khác và thường mong muốn được tôn trọng trong việc này.
Bò được xem là con vật linh thiêng đối với người theo đạo Hindu; chim công là biểu tượng của sự đẹp đẽ và điềm lành; màu xanh da trời, vàng và tím thường được coi là màu sắc đẹp và tượng trưng cho nhiều giá trị, ý nghĩa trong văn hóa Ấn Độ; màu đen và màu trắng có thể được xem là biểu hiện của sự xấu xa hoặc xui xẻo, nhưng không phải tất cả người Ấn Độ đều có quan điểm này.
Trong giao tiếp, người Ấn Độ thường chào nhau bằng cách chắp hai tay trước ngực, đồng thời hơi cúi đầu để thể hiện sự tôn trọng và khiêm tốn. Tùy theo ngữ cảnh và mức độ quen thuộc, người Ấn có thể nói lời chào như "Namaste" hoặc "Hello" trong giao tiếp tiếng Anh.
"Namaste" không chỉ là một cách chào hỏi thông thường, mà còn mang theo ý nghĩa tôn trọng tới người khác, thể hiện lòng biết ơn đối với cuộc gặp gỡ. Nó phản ánh sự tôn trọng đối với tâm hồn và tinh thần của người đối diện.
Ẩm thực Ấn Độ nổi tiếng với việc sử dụng đa dạng các loại gia vị như tiêu đen, hành, gừng, tỏi, cumin, hạt ngò gai, và nhiều loại bột gia vị đậm mùi khác. Điều này tạo ra các món ăn có hương vị đậm đà và phức tạp.
Việc ăn bốc, tức là sử dụng tay để bốc thức ăn thay vì dùng đũa hoặc dao phổ biến trong ẩm thực Ấn. Người Ấn Độ thường sử dụng bàn tay và ngón tay để bốc thức ăn. Tuy nhiên, có một số trường hợp người Ấn Độ sử dụng nĩa, đặc biệt trong môi trường ngoài nhà hoặc trong các nhà hàng quốc tế.
Do yếu tố tín ngưỡng, thói quen và cách ăn uống của người Ấn Độ theo tôn giáo khác nhau cũng khác nhau. Người theo đạo Hindu thường không ăn thịt bò vì bò được coi là con vật linh thiêng; trong khi đó tín đồ Hồi giáo không ăn thịt lợn do lợn bị coi là không hợp với quy định Halal.
Uống trà là một phần quan trọng của văn hóa Ấn Độ và được thực hiện rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Người Ấn thường uống trà đen được pha với sữa và đường, có thể có một ít gia vị như gừng, hạt tiêu, hoặc thảo dược.
Mục đích chính trong các chuyến đi của du khách Ấn Độ là tham quan, nghỉ dưỡng, ngoài ra còn có hội nghị, hội thảo, … Thời gian chuyến đi bình quân đối với khách có nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú tương đối dài với khoảng 10 ngày.
Người Ấn Độ thường đi du lịch với gia đình hoặc nhóm bạn cùng giai cấp. Du lịch là cơ hội để tận hưởng thời gian bên gia đình và thể hiện tình thân thuộc mạnh mẽ.
Khi đi du lịch nước ngoài, người Ấn Độ thường có xu hướng tìm kiếm các nhà hàng hoặc quán ăn có thực đơn chứa các món ăn Ấn Độ. Họ yêu thích thưởng thức thức ăn quen thuộc và thể hiện niềm tự hào về ẩm thực của đất nước mình.
Khách Ấn có khả năng thanh toán trung bình, thường sử dụng các dịch vụ có thứ hạng trung bình khá. Họ có thể mua quà lưu niệm, thời trang, và sản phẩm điện tử với giá tốt hơn so với Ấn Độ hoặc tìm kiếm các sản phẩm độc đáo của đất nước họ đang ghé thăm.
Khi đi du lịch, người Ấn Độ muốn được tôn trọng các đặc điểm về tôn giáo, phong tục tập quán và các nghi lễ của mình.
Khách Ấn thích dịch vụ kiểu “ông bà chủ”, được phục dịch (khác hoàn toàn với văn hóa đối đẳng của châu Âu). Dịch vụ kiểu “ông bà chủ” thường bao gồm việc nhân viên dịch vụ (như nhân viên nhà hàng, khách sạn, hoặc cửa hàng) làm mọi thứ để đảm bảo sự thoải mái của khách hàng. Họ có thể tiếp cận và tận tâm trong việc phục vụ, đưa ra gợi ý, và đảm bảo rằng khách hàng có trải nghiệm tốt nhất có thể.
Du khách Ấn Độ không đưa tiền boa, trừ phi họ được yêu cầu. Việc đưa tiền boa được xem là một hành động đẹp, nhưng không bắt buộc tại Ấn Độ.
Văn hóa và tôn giáo có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Ấn Độ. Hãy tôn trọng các tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của họ. Tránh đặt câu hỏi nhạy cảm về tôn giáo hoặc phê phán tôn giáo của họ.
Khách du lịch Ấn Độ biết giá trị đồng tiền của mình. Họ cũng đến từ một nơi có “chi phí đi lại” thấp hơn nhiều. Vì vậy, điều quan trọng là làm cho họ cảm thấy mình đang tiêu tiền một cách xứng đáng. Các đơn vị lữ hành, khách sạn có thể sử dụng ngôn ngữ nói về giá trị trải nghiệm mà họ sẽ nhận được trong suốt hành trình.
Rượu vang và bia là một trong số ít những thứ đắt đỏ ở Ấn Độ. Tất nhiên không phải tất cả người Ấn Độ đều uống rượu, nhưng du khách Ấn Độ sẽ đánh giá cao nếu được tặng một món quà hoặc một chai rượu vang miễn phí.
Khi đưa, nhận, tặng quà nên chú ý sử dụng tay phải. Bàn tay phải là bàn tay "sạch sẽ" trong đạo Hindu và được coi là tay thích hợp để sử dụng trong các tình huống quan trọng, bao gồm giao tiếp với người khác và chuyển đổi thực phẩm.
Tránh tặng quà được làm từ da thuộc hay các loài hoa có mùi thơm mạnh. Da thuộc có thể được coi là một biểu hiện thiếu tôn trọng đối với tôn giáo và văn hóa của người Ấn Độ. Các loại hoa có mùi thơm mạnh thường được sử dụng trong các lễ tang tại Ấn Độ. Vì vậy cần chú ý điều này để để tránh gây hiểu lầm hoặc không phù hợp.
Nếu bạn nhận được một món quà từ người Ấn Độ, hãy nhận nó một cách lịch sự và bày tỏ lòng biết ơn. Không nên mở quà ngay trước mặt người tặng vì điều đó được xem là mất lịch sự.
Cần tránh hết sức việc chào bằng cách bắt tay với người phụ nữ Ấn Độ nếu chưa được cho phép và hiểu rõ về họ.
Nhìn chung, các đặc điểm này có thể biến đổi từ người này sang người khác, những quy tắc cũng có thể thay đổi tùy theo vùng miền và tình huống cụ thể. Điều quan trọng là tôn trọng và hiểu rõ các đặc điểm cùng mong muốn riêng biệt của mỗi du khách khi tương tác với họ trong quá trình du lịch, từ đó lựa chọn cách phục vụ phù hợp và chính xác nhất, đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng khiến khách hài lòng.
Thêm nữa, dù sao thì Ấn Độ cũng là thị trường mới của du lịch Việt Nam nên hiện chưa có nhiều những nghiên cứu thực tế về đối tượng khách tiềm năng này, kinh nghiệm phục vụ có hiệu quả vì thế mà chưa có nhiều. Trong quá trình phục vụ du khách Ấn Độ, hầu hết các cơ sở dịch vụ du lịch đều vừa phục vụ, vừa học hỏi từ chính du khách, từ các đối tác là các hãng du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch chuyên thị trường Ấn để hiểu và điều chỉnh dịch vụ, sản phẩm sao cho ngày càng phù hợp với thị hiếu, phong cách, tập quán, xu hướng và sở thích… của du khách Ấn Độ.
Mới nhất, hội thảo "Giải pháp thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam" cũng đã được tổ chức để xin ý kiến, bàn luận, thống nhất các nội dung quan trọng về xu hướng - nhu cầu - thị hiếu nổi bật của du khách Ấn Độ, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi nhằm thu hút và khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch đặc biệt tiềm năng này trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, thông qua hội thảo, đại diện Hoteljob.vn (website nổi tiếng nhất nhì trong lĩnh vực khách sạn - nhà hàng & du lịch trên cả nước) cũng đưa ra những ý kiến thiết thực đối với thị trường khách Ấn, cùng với đó là những giải pháp hữu hiệu trong việc thu hút đối tượng khách này đến Việt Nam trong tương lai gần. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính yếu sau đây:
- Đầu tiên, đào tạo nhân sự về văn hoá và cách phục vụ là yêu cầu mà các điểm đến du lịch, khách sạn, nhà hàng cần ưu tiên, không chỉ với du khách Ấn Độ mà còn với các thị trường khách nước ngoài khác. Riêng với khách Ấn Độ có thể chuẩn bị phòng mát trước, khăn tay lạnh có mùi hương... ghi chú chi tiết những món đồ miễn phí để tránh xảy ra hiểu nhầm. Ngoài ra, cung cách phục vụ của đội ngũ nhân viên cần được đào tạo phù hợp với tôn giáo, văn hóa của đất nước họ.
- Thứ 2, du khách Ấn Độ trước khi sang Việt Nam chắc chắn sẽ tìm hiểu thông tin, vậy thì họ tìm hiểu thông tin ở các nguồn nào? Việc đưa văn hóa nước mình vào các trang thông tin, bài viết mà người Ấn Độ hay tìm hiểu trước khi đi du lịch cũng là một giải pháp truyền thông tốt. Cùng với đó, các công ty lữ hành cũng cần đào tạo nhân sự để khi đón khách tại sân bay, trên đường di chuyển về khách sạn và trong cả cuộc hành trình, mình đều có thể truyền tải được văn hóa của đất nước mình tới họ. Đó là những chi tiết nhỏ nhưng mang lại tác động rất lớn và lâu dài.
- Một vấn đề nữa được bàn đến khi nhiều chuyến bay thẳng gia tăng khiến lượng khách Ấn Độ tăng đột ngột, từ đó dẫn đến các điểm du lịch lớn sẽ bị áp lực và phục vụ không được tốt. Vậy nên, việc mở rộng điểm du lịch ra phạm vi xung quanh giúp giảm phần nào áp lực ở khu du lịch trọng điểm, phát triển du lịch đồng đều ở những điểm khác. Ví dụ, cách Hội An 80-100km, về phía Quảng Ngãi cũng có các điểm như Ba Làng An, Thảm sát Mỹ Lai, núi Thiên Ấn… . Những địa điểm hoàn toàn có thể khai thác để góp phần phát triển du lịch rộng rãi và đồng đều hơn.
Chưa hết, ngay sau thành công của hội thảo trên, Sở VH-TT&DL Quảng Nam phối hợp với Tổng lãnh sự Việt Nam tại Mumbai tiếp tục tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Quảng Nam đến du khách Ấn nhằm tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh, giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch Quảng Nam đến các doanh nghiệp du lịch, cơ quan báo chí, các đối tác tại Ấn Độ, cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam và Ấn Độ gặp gỡ, kết nối hợp tác. Hoạt động này nằm trong chương trình xúc tiến du lịch Quảng Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Ấn Độ, làm tiền đề xây dựng và phát triển vững mạnh, gắn kết hơn mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ nói chung, Quảng Nam-Ấn Độ nói riêng trong lĩnh vực phát triển du lịch của 2 quốc gia.
Thêm một thông tin nữa là Hoteljob đang cùng phòng VHTT Tp.Hội An lên kế hoạch phối hợp tổ chức buổi nói chuyện về tiềm năng, đặc tính văn hóa và những lưu ý khi phục vụ khách Ấn. Dự kiến diễn ra vào ngày 7/10. Diễn giả là Tiến sỹ Tôn Sinh Thanh, Nguyên đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.
Trên nhiều diễn đàn về du lịch hay page/group dành riêng cho dân ngành, nhiều người gọi khách Ấn bằng cách gọi khó nghe: “ín-đi-à” kèm theo lời lẽ giễu cợt thiếu tôn trọng. Họ đăng đàn khóc thét mỗi khi nghe thông tin sắp đón 1 đoàn khách Ấn 20 người lớn + 15 trẻ em - cười cợt văn hóa “ăn bốc” hay mùi cà ri đặc trưng bám trên áo quần của khách Ấn - rồi bực bội, chửi thầm mỗi khi gặp phải vị khách người Ấn khó tính, khó chiều…
Một suy nghĩ sai lệch cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến thái độ phục vụ, cung cách giao tiếp, tác phong làm việc của nhân viên khi tiếp xúc, tiếp nhận yêu cầu và phản hồi, phục vụ khách Ấn. Đừng nghĩ rằng chỉ nói thầm trong tâm, bực thầm trong lòng thì khách không biết được. Người tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra, dù chỉ một hành động nhỏ của sự phân biệt đối xử khách này với khách khác, những vị khách khác nhau đến từ những đất nước khác nhau, có tôn giáo và tín ngưỡng, văn hóa và lối sống không giống nhau…
Một nhân viên dịch vụ chuẩn ngành chẳng ai thiếu chuyên nghiệp như thế. Nếu có tồn tại xin hãy chấn chỉnh và chấm dứt ngay. Tổ chức, cá nhân liên quan, quản lý cơ sở phải cho nhân viên biết rõ tiềm năng thu lợi từ thị trường khách Ấn lớn thế nào, tương lai ngành du lịch Việt sẽ thu hút và đón tiếp số lượng khách Ấn lớn bao nhiêu thì mới có thể thay đổi thái độ và cách nhìn, suy nghĩ và hành vi của họ trong phục vụ khách.
Như vậy, cùng với nỗ lực phục hồi và tiếp tục khai thác có hiệu quả các thị trường khách ngoại truyền thống, du lịch Việt sẽ tăng trưởng cả về doanh thu lẫn thứ hạng nếu tìm kiếm và khai thác triệt để những thị trường khách mới tiềm năng. Đơn cử như khách Ấn Độ. Và cẩm nang phục vụ trên đây hy vọng sẽ hữu ích.
----- * ----- * -----
Viết bài: Hồng Thy - Đoàn Trang
Ảnh: _T.
CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC
BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC