“Từng 2 lần muốn tự tử vì quá bế tắc và tuyệt vọng nhưng rồi nghĩ đến gia đình và con gái nhỏ, chị đã bừng tỉnh và mạnh mẽ vượt qua. Thành công của ngày hôm nay là sự quyết tâm cao của ý chí và nỗ lực đạp lên biến cố để tự tin hơn mỗi ngày. Làm việc cùng nhân viên, chị không coi mình là Sếp mà là bạn bè, là người thân của từng người để khóc - cười cùng nhau cả trong công việc lẫn cuộc sống đời thường…”
Không giữ được mái ấm hạnh phúc trọn vẹn cho con, chị Trần Thị Kim Liên nỗ lực làm tốt vai trò của một người mẹ nhẹ nhàng, mềm dẻo cũng là một người cha bản lĩnh, giàu ý chí tiến thân. Thay vì đay nghiến quá khứ cùng cực, chị lấy đó làm động lực để mạnh mẽ và kiên cường trước mọi khó khăn gặp phải, cả áp lực trong công việc lẫn bế tắc trong cuộc sống. Sau tất cả, chị tìm lại được chính mình, tin yêu và lạc quan hơn mỗi ngày.
Trong công việc, chị tìm được niềm vui và mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Sự thành công được minh chứng qua từng vị trí, chức vụ chị đảm nhiệm, đặc biệt là Tổng giám đốc điều hành (GM) của một loạt khách sạn 5 sao đình đám thuộc các Tập đoàn lớn mạnh nhất nhì Việt Nam. Chưa hết, ở giai đoạn dịch bệnh khó khăn, chị dám mạo hiểm thôi việc rồi quay ra Bắc đăng ký thi Hoa hậu Doanh nhân và xuất sắc lọt Top 15 thí sinh xuất sắc nhất toàn quốc trong đêm chung kết diễn ra hôm 24/12 vừa qua.
Minh chứng như thế để thấy rằng: ít ai sinh ra đã may mắn “ngậm thìa vàng”, con đường mình đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng và trải hoa hồng. Thay vì than thân trách phận hay bế tắc, tuyệt vọng mà buông bỏ - hãy mạnh mẽ đương đầu và kiên cường vượt qua, trái ngọt luôn dành cho người nỗ lực và quyết tâm không ngừng, ngay phía cuối con đường.
Giữ vị trí GM trong vài khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao, quản lý hàng nghìn nhân viên nhưng lạ kì thay “tổ chức” của chị luôn đoàn kết và hòa đồng. Mỗi ngày, chị gần như là sợi dây kết nối mọi bộ phận, mọi vị trí, mọi con người lại với nhau, cùng làm, cùng chơi, hết mình và nhiệt huyết. Hỏi: “Điều đặc biệt nào giúp chị “thâu tóm” được tất cả nhân viên như thế?”, chị nhoẻn miệng cười, bảo: “Chắc vì sự chân thành, quan tâm và tử tế của chị được các đồng nghiệp, nhân viên cảm nhận và lan tỏa - nên… họ quý và tôn trọng chị, để phục và hợp tác cùng nhau trong công việc, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.”
- “Vậy có kỷ niệm nào đáng nhớ để minh chứng cho điều chị nói?”, tôi hỏi
- “Có chứ em. Nhiều lắm!”, chị phản hồi rồi thao thao bất tuyệt kể:
Ngày quyết định thôi làm GM ở thành phố Đà Nẵng hiền hòa, xinh đẹp để quay trở về Hà Nội thi Hoa hậu Doanh nhân và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh riêng, chị bất ngờ nhận được khá nhiều tin nhắn hỏi thăm sức khỏe kèm lời xin lỗi hay biết ơn từ nhân viên cũ trong khi chị thậm chí không biết họ là ai - làm ở vị trí/ bộ phận nào - đã làm gì hay giúp gì cho họ chăng…?
Đó là một bạn nhân viên nhỏ tuổi người miền Trung. Bạn bảo bạn từng cực kỳ không thích, thậm chí thấy ghét chị ngay từ lần gặp đầu tiên. Lý do vì chị là người Bắc, cộng thêm lúc nào chị cũng xuất hiện với phong thái tự tin nên bạn mặc định chị chảnh chọe, khó gần, nghiêm khắc - làm việc với chị sẽ áp lực, căng thẳng và hiển nhiên bị chì chiết… Chị thấy nhiều người miền Trung có ác cảm với người Bắc. Không biết tại sao nhưng khá nhiều người có tư duy người Bắc khó làm việc, khó nói chuyện nên dĩ nhiên sẽ khó chơi, khó thân. Tuy nhiên, sau thời gian tiếp xúc và làm việc, cộng thêm được nhiều người kể cũng như thấy chị tương tác với mọi người thì bạn tự thấy mình đã sai và có lỗi khi hiểu sai về chị.
- “Nghe tin chị thôi không còn làm nữa em rất buồn và tự thấy nên gửi một lời xin lỗi thật tâm nhất đến chị. Vì những suy nghĩ hời hợt và trẻ con trước đây của em. Với em và mọi người, chị luôn là GM tốt nhất, chân thành nhất, yêu thương, bảo vệ và trân trọng nhân viên nhất, dù ở vị trí gì, mà chưa từng có GM nào được vậy trước đó. Cảm ơn chị vì những điều đã làm, nó tạo động lực và tình yêu nghề trong em rất nhiều. Hy vọng chị vui và thành công với lựa chọn mới, chị nhé!” - bạn gửi thêm.
Chị bảo đọc tin nhắn của bạn chị vui, vì mình là một GM thành công khi kết nối được nhân viên ở cả những vị trí cấp thấp, những người mà đôi khi chỉ chạm mặt thoáng qua hay có không quá 1 lần giao/ chỉ việc. Đúng như lời bạn nói, chị dù tự tin và nghiêm khắc trong công việc thật nhưng luôn cười để không tạo thêm áp lực cho nhân viên. Ngoài công việc vận hành hàng ngày, chị luôn cố gắng nghĩ và tạo các hoạt động đội nhóm để liên kết tổ chức, tạo không khí vui tươi, thoải mái để nhân viên làm việc hiệu quả hơn, đoàn kết, yêu thương và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, với những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, chị tự bỏ tiền túi ra để tặng quà cho họ, là những bao gạo, thùng mì tôm … dù nhỏ thôi nhưng thiết thực để san sẻ phần nào, cùng họ vượt qua giai đoạn khủng hoảng, nhất là trong mùa dịch và mùa mưa lũ. “Có lẽ nhờ vậy mà khoảng cách giữa GM và nhân viên dường như ngày càng ngắn lại”.
Có thể không ai ngoại trừ chị và bạn ấy biết được, đêm hôm đó hai chị em đã phải cùng nhau nỗ lực như thế nào để vực dậy tinh thần muốn sống và cần được sống trong bạn.
Đó là một nữ nhân viên bếp dễ thương nhưng không may có hoàn cảnh cực kỳ phức tạp. Bạn lớn lên với hình hài hoàn toàn là nữ, cũng từng dịu dàng và say mê được làm đẹp. Nhưng sau biến cố không ngờ do những hành vi quấy rối từ chính một người thân trong gia đình nên bạn bị mất niềm tin vào cuộc sống, vào đàn ông và dần muốn biến mình thành phái mạnh để không phải chịu đựng thêm cảnh tai quái đó nữa.
Rồi thêm giai đoạn dịch bệnh, Tập đoàn áp dụng quy chế cắt giảm định biên và không may, bạn nằm trong danh sách nhân viên bị cho nghỉ việc. Hoàn cảnh gia đình, vấn đề cá nhân giờ đến công việc - mọi thứ không thể tồi tệ hơn, bạn hoàn toàn suy sụp nên rơi vào khủng hoảng tâm lý. Bế tắc, tuyệt vọng, bạn muốn TỰ TỬ nên cứ liên tiếp đập đầu vào tường và không nhận thức, giao tiếp với ai ngay cả quản lý của mình.
Ngay sau khi nhận được cú điện thoại báo cáo từ bạn Tổng Bếp Trưởng, dù bận rộn công việc vì phải hoàn thành deadlines và các báo cáo, lúc đó đã hết giờ làm việc từ lâu nhưng vì cảm nhận được tính nghiêm trọng của tình hình, chị cảm thấy mình cần thiết và nên có trách nhiệm giúp bạn vượt qua khủng hoảng này.
Sau khi nghe thông tin sơ bộ về câu chuyện và tình hình của bạn, chị xác định ngay việc này cần được ưu tiên xử lý gấp. “Bạn cần người biết lắng nghe và nói chuyện vừa đủ để trấn an tâm lý cũng như vực dậy tinh thần nếu không hậu quả sẽ khôn lường”. Và vì cấp trên lẫn đồng nghiệp thân thiết của bạn đã cố động viên, an ủi nhưng đều không hiệu quả nên chị quyết định gọi điện thoại trực tiếp cho bạn ngay lập tức.
Qua điện thoại, sau khi được bạn Tổng bếp trưởng giới thiệu trước khi chị mở lời, bạn rất bất ngờ vì không bao giờ nghĩ một GM sẽ gọi điện cho mình để nói chuyện. Tuy nhiên, chị bảo rằng mình gọi điện để trò chuyện với bạn không phải với tư cách của một người Sếp dạy bảo hay ra lệnh cho nhân viên, mà là một người chị gái, người đã từng trải qua khó khăn và biến cố trong quá khứ để đủ hiểu và chia sẻ với bạn về những khủng hoảng, áp lực, căng thẳng mà bạn đang trải qua
Càng bất ngờ hơn khi chị dành hơn 1 tiếng đồng hồ để lắng nghe bạn trải lòng, để động viên, an ủi bạn. Tất nhiên là những phút đầu không dễ thuyết phục bạn ngay vì bạn vẫn còn trong trạng thái hỗn loạn và khủng hoảng tinh thần. Tuy vậy, chị vẫn bình tĩnh chia sẻ tất cả những biến cố mình từng trải qua, chị chân thành mộc mạc kể lại câu chuyện đời mình với hai lần có ý định tự tử trước đó nhưng rồi chị mạnh mẽ gạt nước mắt, gạt nỗi đau để đứng dậy làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Và giờ đây, sau những cố gắng nỗ lực, dù làm mẹ đơn thân nhưng chị thấy hạnh phúc với con gái nhỏ và công việc của một GM... Cứ thế, bạn im lặng nghe chị tâm sự. Sau đó, bạn dịu cảm xúc lại và dần bình tĩnh để nói chuyện. Bạn bảo mình hiểu ra vấn đề và cảm thấy bản thân cần mạnh mẽ vượt qua khủng hoảng, bởi rõ ràng, bạn chưa phải là người kém may mắn nhất thế giới. Bạn cảm thấy chị hơn cả bác sĩ tâm lý đang theo điều trị cho bạn, vì câu chuyện của chị là thật chứ không phải mượn câu chuyện của một bệnh nhân hay sách tâm lý nào khác - nên nó thực tế và thuyết phục ghê gớm. Bạn cảm thấy mình được đồng cảm và cũng đồng cảm cộng ngưỡng mộ ngược lại chị vô cùng.
- “Đêm nay em xác định mình nên tự tử rồi nhưng may sao, sau khi nói chuyện với chị em bình tĩnh và muốn được sống hơn. Cảm ơn chị, vì chị đã ở đây giữ em lại khỏi ý định điên rồ và dại dột này!”
Chia tay bạn với tinh thần ổn hơn rất nhiều, chị bảo thêm: cuộc sống này không ai may mắn hoàn toàn và ít nhiều sẽ có những va vấp nhỏ to để trưởng thành và mạnh mẽ. Mỗi biến cố trong đời sẽ như một thử thách, vượt qua được là thành công.
Một câu chuyện đáng nhớ khác được chị tự hào kể lại.
Hồi chị làm ở InterContinental Danang Sun Peninsula Resort với vai trò là Quản lý bộ phận phục vụ các khách VIP. Hôm đó có một gia đình khách Úc lưu trú và được chị trò chuyện, phục vụ họ hàng ngày. Ngày đầu trôi qua êm đẹp không vấn đề gì nhưng sang ngày thứ hai, gia đình vị khách này đang đi tour thì người vợ không may bị ngã gãy chân, phải nhập viện bó bột rồi được đưa về dưỡng thương tại phòng. Đau cộng thêm chán nản và tuyệt vọng, bà ấy khóc suốt đến chồng hay con cũng không dỗ được. Thế là người chồng gọi cho chị nhờ giúp đỡ. Ông bảo cả cái resort này chắc chỉ mình chị mới giúp được ông, nhờ chị đến phòng nói chuyện và động viên vợ ông vui vẻ và lạc quan lên để tận hưởng chuyến đi theo một cách tích cực khác.
Bỏ bữa trưa chạy xuống xem tình hình. Trong nửa tiếng đầu trò chuyện, vị khách ấy khóc nhiều và không dứt. Bà bảo tai nạn ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tham quan Việt Nam của bà và bà rất buồn vì điều đó. Bởi gia đình bà đã mong đợi rất nhiều vào chuyến đi này. Họ mất vài năm và khá nhiều tiền để sắp xếp lịch trình, bao nhiêu dự định về điểm tham quan, nơi vui chơi giải trí, trải nghiệm dịch vụ giờ phải bỏ dở hết trong khi tour đã đặt rồi, chi phí cũng đã thanh toán gần như tất cả. Chưa kể, với cái chân đau như thế này, về nước bà cũng phải nằm nhà nên ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và sinh hoạt, chán càng thêm chán.
Lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm, khuyên nhủ đều đã làm nhưng không hiệu quả, chị quyết định đổi phương án. Và một lần nữa, chị mượn câu chuyện của chính mình để vực tinh thần một con người đang bế tắc và buồn chán dậy. Chị kể lại những khó khăn và khủng hoảng chị từng trải qua (tương tự như câu chuyện đã kể với bạn nhân viên bếp kia), chị nói thêm mình từng bị chồng đánh đập thế nào, truy sát tại chỗ làm ra sao để công việc bị chặn đứng đến mức nào trong khi chị đang trên đà thăng tiến rất tốt; rồi tại sao chị thậm chí đã phải nghĩ đến chuyện tự kết thúc cuộc đời mình nhưng sao chị đã không làm thế… - Vì chị nghĩ đến gia đình, ba mẹ, và nhất là đứa con gái dễ thương nên đã mạnh mẽ đương đầu và quyết tâm vượt qua để ngồi tại đây, có cơ hội được trò chuyện và chia sẻ cùng chị khách này.
“Tôi hiểu cảm giác bà đang trải qua nhưng hãy hiểu rằng bà chưa phải là người kém may mắn nhất. Mọi biến cố xảy đến giống như một thử thách để rèn tính mạnh mẽ cho mình. Quan trọng ở tư duy và cách nghĩ tích cực, hễ nghĩ tốt thì sẽ tốt, mà nghĩ tồi tệ thì cứ tồi tệ hoài. Tôi hay nhiều người khác đã dám đương đầu và vượt qua được để thành công. Vậy không có lý do gì để bà không làm được điều đó, đúng không?”
Sau một hồi nghe chị trải lòng về câu chuyện bất hạnh của cuộc đời mình, bà ấy không khóc nữa mà cười nhẹ và ôm chầm lấy chị. Bà bảo bà được tiếp thêm sức mạnh và thay đổi tư duy tích cực ngay lập tức. Bà cảm thấy cuộc sống của bà còn quá nhiều màu hồng để hy vọng về những điều tốt đẹp hơn mỗi ngày. Bà sai vì đã làm phiền đến người khác cả ngày hôm nay. Ngay bây giờ bà sẽ không buồn hay than trách nữa, thay vào đó sẽ chấp nhận, coi đây là chút thử thách nhỏ và vui vẻ sống chung cho đến khi trở lại cuộc sống bình thường. Và thế là, sáng hôm sau, chị đã thấy bà ngồi ăn vui vẻ tại nhà hàng và nói chuyện, cười đùa cùng chồng và hai con, hay thân thiện với cả nhân viên resort
Sau một hồi say sưa kể chuyện nghề, chị bảo vẫn còn rất nhiều những câu chuyện thú vị và đáng nhớ khác mà qua một lần trò chuyện không thể chia sẻ hết được. Chị nói vui rằng mong ước của chị khi về “già” (hưu) là tổng hợp tất cả lại và viết nên một cuốn tự truyện kể về những tình huống, mẩu chuyện thật và đời như vậy trong ngành khách sạn để lan toả, truyền cảm hứng cho thế hệ Hotelier sau này. Rằng ngoài sự chỉnh chu và chuyên nghiệp về những kỹ năng, kiến thức thì hơn hết, đã là dịch vụ thì phải bắt nguồn từ tâm. Đấy mới chính là thứ tạo nên sự khác biệt, chứ không phải là hình thức bên ngoài, như khách sạn đẹp hay sản phẩm xinh mà cái khách nhớ mãi - quay lại hoặc không quay lại và ghim lại trong tim họ đấy là sự tử tế, chân thành của nhân viên, đúng chuẩn “dịch vụ tận tâm”, giống như câu châm ngôn mà chị luôn tâm đắc khi đào tạo nhân viên là: “Đẳng cấp của dịch vụ là dịch vụ tận tâm”.
----- o0 0o -----
Kết thúc buổi trò chuyện, chị bảo chị trân trọng tình cảm và sự yêu quý của mọi người, cả nhân viên và khách hàng, dành cho mình. Dù ở đâu, với ai, sự kiện gì thì chị cũng luôn giữ nụ cười thân thiện, sự tôn trọng, chân thành và tử tế trong công việc lẫn cuộc sống. “Có thể nhờ vậy nên chị được nhiều người yêu thương. Bởi, có đôi khi không cần phải là điều gì cao sang, cầu kỳ mà chỉ cần sự chân thành cũng có thể thay đổi, thậm chí cứu sống một con người - vực họ dậy từ hố sâu của tuyệt vọng - tiếp thêm cho họ niềm tin và sự lạc quan, tư duy tích cực để bắt đầu lại hay làm tiếp những chuyện dở dang…”
Chia sẻ thêm về lý do dành nhiều thời gian để chia sẻ câu chuyện nghề, câu chuyện cuộc đời mình công khai trên Hoteljob.vn như thế này, chị bảo vốn dĩ chị không muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình cho người khác nhưng nếu không làm thế chị sợ lời khuyên của mình thiếu chân thật và chân thành, để họ đủ kiên nhẫn lắng nghe và nghiêm túc nhìn nhận vấn đề hiện có của họ rồi nhẹ nhàng chấp nhận và mạnh mẽ vượt qua, như cách chị đã làm vậy.
----- o0 0o -----
Có thể bạn chưa biết, vào ngày 18/1 tới, chị Liên sẽ livestream truyền lửa nghề cho Hotelier. Các bạn quan tâm có thể đón xem tại fanpapge Nghề Khách Sạn. Đặc biệt, ngay bây giờ có thể đặt trước câu hỏi cho chị tại đây!
Rất nhiều điều thú vị và hữu ích sẽ có trong buổi livestream - nhớ đón xem và tiếp lửa từ diễn giả để thêm yêu và sẵn sàng quay trở lại khi nghề “gọi” nhé!
----- o0 0o -----
Viết bài: Hồng Thy
Thiết kế Ảnh: P.A.T
CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC
BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC