“2 năm rồi tôi chưa được mặc lại bộ đồng phục lễ tân của khách sạn. Mấy anh em trong bộ phận vẫn chat qua nhóm và thỉnh thoảng có hẹn gặp nhau để tâm sự, tám chuyện cho qua ngày rồi cùng giữ nhau lại với nghề. Bởi, dù hiện mỗi người mỗi việc nhưng không ai thấy hào hứng - vì không quen việc, cũng không tìm thấy niềm vui được lao động mỗi ngày…”
----- o0 0o -----
Tháng 3/2021, tôi và một vài anh em khác nhận được quyết định cho nghỉ việc không hưởng lương do khách sạn vắng khách. Một số khác may mắc hơn thì 1 tháng được vài công, vừa đi làm đỡ buồn lại có chút lương sống tạm. Thế rồi dịch nặng dần. Trên cả nước, hàng trăm cơ sở phải đóng cửa, hàng nghìn nhân sự nghề mất việc. Ngành du lịch - khách sạn bước vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có…
Theo thống kê, 18% doanh nghiệp du lịch phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% cho khoảng 50-80% nhân viên nghỉ việc. Có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh...
Từ trước đến nay, chỉ có nghề bạc với mình vì những định kiến xưa cũ của một bộ phận xã hội chứ chưa từng một ai nghĩ sẽ có ngày thất nghiệp khi lựa chọn theo nghề này. Bởi kinh tế phát triển, đời sống nâng cao thì du lịch cũng phất lên nhờ thế - Ngành du lịch chỉ có hưng thịnh hơn nữa chứ không thể tụt lại qua từng năm được. Ấy vậy mà nó đã xảy đến. Mọi thống kê từ chỗ “lượng khách quốc tế đến năm 2019 vượt mức chỉ tiêu”; “doanh thu du lịch năm 2019 đạt 755 nghìn tỷ đồng”... và chốt hạ đầy hùng hổ “2019 tiếp tục là năm thắng lợi của du lịch Việt Nam” – nhưng sang năm 2020 và kéo dài đến tận 2021, ngành lao đao vì dịch khi tất cả các chỉ số đều giảm mạnh…
Năm 2020, dịch bệnh gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch Việt Nam. Khách quốc tế đến giảm 80%, khách nội địa giảm 45%, ước tính thiệt hại khoảng 23 tỷ USD.
- “Công việc vốn dĩ đang rất tốt và ổn định thì đùng một phát có dịch. Những tưởng Covid ở tận đâu, hay chỉ như một trận cúm mùa rồi bình thường trở lại - chứ ai mà ngờ nó càn quét diện rộng ra cả nước khiến tình hình kinh doanh của toàn ngành dịch vụ bị ngưng trệ, việc làm và thu nhập của lao động trong ngành bị ảnh hưởng đến mất trắng…”
- “Chúng tôi nào đâu có ý định nghỉ việc - chuyển nghề. Một phần vì công việc và thu nhập ổn, phần khác là do yêu nghề và muốn gắn bó lâu dài để phát triển sự nghiệp hơn nữa. Nhưng dịch nặng và cứ dai dẳng mãi khiến khách sạn đóng cửa buộc nhân viên mất việc làm phải tìm kiếm công việc khác để làm tạm, tạo thu nhập nuôi thân”
- “Tôi may mắn vẫn có việc suốt năm 2020 dù có bị giảm ngày công gần 1 nửa. Tuy nhiên, điều không mong muốn cũng đến vào tháng 7 năm ngoái, tôi chính thức mất việc do đợt bùng dịch mạnh. Thay vì ở nhà nằm chờ, tôi đổi nghề sang làm công nhân…”
- …
Dành một ngày làm quen và trò chuyện trực tiếp với một vài anh chị em trong ngành du lịch - khách sạn mới thấy, cuộc sống hiện tại của đa số đều chật vật - duy chỉ một số rất ít người tìm thấy niềm vui, sự ổn định và cơ hội phát triển sự nghiệp khá tốt từ công việc mới.
- “Từ ngày mất việc làm, tôi và chồng đều chuyển ngay sang việc khác để làm vì còn phải lo nhiều khoản chi tiêu cho gia đình 3 thành viên. Tôi bán hàng online còn chồng đăng ký làm cộng tác viên dạy tiếng Anh ở trung tâm gần nhà nhưng tổng thu nhập của cả 2 vẫn không đủ khá. Các đồng nghiệp khác cũng đang làm đủ nghề để sống tiếp. Có người cố bám trụ ở thành phố chờ ngành phục hồi để đi làm lại. Số khác không chịu nỗi nữa nên đành bỏ phố về quê…” - chia sẻ của chị An, từng là lễ tân resort 5 sao ở Sơn Trà, Đà Nẵng.
- “Chưa bao giờ nghề hướng dẫn lại chật vật như thế này. Thời gian qua thực sự là cơn ác mộng trong suốt mấy chục năm làm nghề của tôi. Vốn làm tự do và được nhiều công ty mở lời hợp tác nên trước nay chưa hề thiếu việc. Ấy vậy mà Covid khiến tôi ngồi không gần 2 năm nay. Tiền dành dụm hưởng an nhàn tuổi già đang được dùng cho những ngày thất nghiệp tìm việc mới. Giờ với tuổi gần 50 như thế này liệu còn công ty nào tuyển tạm ở vị trí gì không?” - chú Chính, HDV quốc tế hơn 20 năm kinh nghiệm tâm sự.
Du lịch - khách sạn - nhà hàng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ dịch bệnh. Do đó, dễ hiểu khi lượng nhân viên thất nghiệp phải đổi việc, chuyển nghề vô cùng đông. Bán hàng online, dạy ngoại ngữ, tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ, bán bất động sản, mở cửa hàng đồ ăn vặt hay ăn uống, thậm chí chạy Grab, giao hàng, bảo vệ, công nhân nhà máy… đều được lựa chọn. “Tầm này cứ có việc để làm, có tiền để nhận là may. Kén cá chọn canh chỉ có đói…”
Trong số gần 200 nhân viên của một chủ khách sạn 8 cơ sở ở Hà Nội phải nghỉ việc không lương mùa dịch, đa số hiện đã chuyển sang các nghề khác để mưu sinh. Khi được hỏi “cứ sống tạm vậy và đợi nghề hay sẽ đoạn tuyệt hẳn?” - Người gật đầu nhưng có phần ái ngại, người thẳng thừng bảo đi luôn. Bởi, không ít nhân sự tìm được công việc mới phù hợp và đang dần thích nghi để gắn bó lâu dài, mong sớm ổn định để cải thiện cuộc sống trong và sau dịch thay vì đau đáu nỗi nhớ nghề cùng lo sợ không biết liệu quay trở lại rồi nhưng có ngày nào ngành sẽ lại phủ một màn sương u ám khiến họ tiếp tục mất việc, tìm việc mới trong vòng lẩn quẩn từ năm này qua năm khác.
“Tôi yêu nghề và sẵn sàng quay trở lại khi mọi hoạt động chắc chắn ổn định và bình thường mới - môi trường làm việc an toàn - lương lẫn chế độ đủ hấp dẫn và cam kết duy trì đến tăng đều như trước đây… Còn không, cứ chấp nhận sống và làm việc với một nghề an toàn mới, với đầy đủ chế độ và quyền lợi cơ bản của một người lao động có giao kết hợp đồng hợp pháp” - anh Thiên, từng làm Giám sát nhà hàng trong khách sạn 4 sao nhận định về tương lai và tiềm năng phục hồi của ngành cùng lời đáp cho câu hỏi đợi nghề hay đoạn tuyệt hẳn.
Khác với sự kiên quyết hay mập mờ, cũng có số đông bạn trẻ nôn nóng ngày ngành du lịch phục hồi, khách du lịch mua dịch vụ nườm nượp, công việc nhiều đến mức rụng rời tay chân. “Em hiện làm công nhân phụ may cho xí nghiệp tư nhân gần nhà. Chuyển việc vì khách sạn đang cho nghỉ không lương. Khi nào được gọi đi làm trở lại hay có nơi khác tuyển mới em sẽ ứng tuyển để quay lại với nghề. Bởi, công việc hiện tại không khiến em vui và hào hứng làm việc, em nhớ khách, nhớ đồng nghiệp, nhớ những ngày tháng hì hục phục vụ khách mà quên hết ngày giờ mỗi ca…” - bạn Ánh, trước làm phục vụ nhà hàng ở TP.HCM nói.
Nói về lo sợ thiếu hụt nhân sự vững nghiệp vụ, giỏi chuyên môn khi ngành phục hồi, các lãnh đạo cấp cao của nhiều khách sạn, resort đồng ý “có nguy cơ” nhưng chưa hẳn sẽ thành hiện thực. Bởi, những người yêu nghề và tràn trề nhiệt huyết cùng đam mê chắc chắc sẽ quay trở lại, không sớm thì muộn. Thêm nữa, thời gian đầu của giai đoạn hồi sinh lượng khách không quá đông nên có thể linh hoạt đáp ứng nhu cầu của họ ở mức chuẩn dịch vụ, đồng thời tận dụng khi đó để đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân viên mới. Chưa kể, một bộ phận sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành, khóa học ngắn hạn tại các trường, trung tâm chất lượng trên cả nước cũng sẽ tốt nghiệp ra trường và sẵn sàng gia nhập và đội ngũ nhân sự nghề trong thời gian ngắn và nhanh nhất có thể.
Trong khi đông đảo người lao động ở những lĩnh vực - ngành nghề khác nôn nao đợi được công ty thưởng Tết thì nhân sự ngành du lịch - khách sạn gần như chắc chắn không. Bởi hiện tại, có đến 95% doanh nghiệp du lịch rơi vào trạng thái thê thảm kịch sàn, còn lại thì cũng khó khăn chồng chất do nỗ lực duy trì hoạt động. Doanh thu không có đến rất thấp, vì vậy, khả năng thưởng Tết cho nhân viên rất hiếm, nếu không muốn nói là không thể.
Về phần lao động trong ngành, tất cả dường như đang dần chấp nhận với thực tế nghề khách sạn tiếp tục ảm đảm - khách vắng - việc ít - lương thấp - không thưởng lễ Tết… sau quá nhiều hy vọng ở năm Covid đầu tiên. Do đó, họ từng bước “sống chung an toàn với dịch” bằng cách thích nghi để sớm ổn định và sống tích cực hơn. Đầu tiên là tìm việc làm mới, dù tạm thời hay gắn bó hẳn. Sau là điều chỉnh mức sống, mức chi tiêu. Tiếp nữa là điều chỉnh tâm lý, hướng đến những điều tốt đẹp cùng lối suy nghĩ khả quan hơn. Với đông đảo mọi người, giờ bắt buộc phải sống ổn, sống tốt, còn lại cứ hy vọng dịch sớm chấm dứt để mọi thứ trở lại bình thường, cả cuộc sống và công việc.
“Tôi nghỉ việc tại khách sạn và chuyển sang chạy Grab gần nửa năm nay. Lúc đầu cũng buồn chứ, lại chưa quen với việc chạy đơn ngoài trời nên chán nản và nhiều lần muốn bỏ về. Nhưng ở nhà thì tiền đâu ra để chi tiêu. Giờ làm nghề gì cũng được, miễn có thu nhập và hợp pháp là phải cố.” - anh Sơn, trước làm Bellman cho khách sạn ở Nha Trang tâm sự.
Với những ai vẫn đau đáu nỗi nhớ nghề, họ tìm cách khơi gợi công việc chuyên môn để trước là vơi đi chút cảm xúc bâng khuâng khi nghĩ về chuỗi ngày bận sấp mặt nhưng vui trong ca làm; sau cũng là cách ôn luyện kỹ năng, tránh sao nhãng mà lụt nghề. Hỏi ra mới ngộ nghĩnh, mỗi vị trí lại có cách thức thể hiện riêng:
- HDV gọi con cháu ra nghe thuyết minh, đưa gia đình ra vùng ngoại ô ngắm cảnh
- Bếp thì lên thực đơn nấu tiệc mỗi cuối tuần hoặc tháng cho người thân
- Phục vụ nhận trách nhiệm setup bàn tiệc, order món và phục vụ tận bàn
- Buồng phòng décor giường ngủ nhân ngày kỷ niệm 50 năm bên nhau của bố mẹ hay lau dọn nhà cửa dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022
- Lễ tân thao thao bất tuyệt những câu hỏi tiếng Anh với đứa cháu mới tròn 1 tuổi đang í ới những phát âm đầu đời
- …
Cứ thế, họ say sưa thực hành với niềm vui nhỏ kèm hy vọng về một ngày không xa ngành phục hồi và được quay trở lại công việc như cũ.
----- o0 0o -----
Dân du lịch từng buồn rầu bởi Tết họ được tung tăng còn mình lại bận đi làm sấp mặt. Rồi đùng một cái lại “ước có cái Tết muộn nhưng bất thành…” - vì dịch. Nếu 2021 được xem là Tết nằm nhà đầu tiên của dân ngành thì sang năm 2022 này, mọi thứ dường như vẫn chưa khả quan hơn, nhưng có hy vọng. Chỉ mong kế hoạch thí điểm mở cửa du lịch đạt nhiều tín hiệu tích cực để mở rộng ra nhiều tỉnh thành, khu vực khác; hoạt động kinh doanh dịch vụ từ đó mà dần sống trở lại, để ổn định và phát triển như xưa…
.../...
Viết bài & Thiết kế: Hồng Thy
CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC
BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC