Sớm ý thức được rằng: “Có những người sinh ra để lùi lại vạch đích, còn mình sinh ra đã ký tên trong cuộc đua để có được những thứ như họ” - Hoàng Lý Hùng đã luôn trong tâm thế “chạy” suốt 3 năm qua. Để giờ đây, khi ở độ tuổi 25 - Hùng hiện là Quản lý khách sạn 3 sao với mức lương 2.000 USD và sở hữu căn hộ riêng tiền tỷ tại Hà Nội.
Sinh ra ở xóm Bục, Sơn Hùng - một xã nghèo miền núi thuộc Huyện Thanh Sơn, Phú Thọ - từ bé, thấy bố mẹ làm nông vất vả nuôi mình ăn học, Hoàng Lý Hùng đã quyết tâm học thật giỏi mong có được việc làm tốt để sớm báo đáp công ơn và khiến bố mẹ tự hào. Năm cuối cấp 3, đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành - chọn nghề, đơn giản vì thấy "thích thích" làm kỹ sư, được đi đây đó, đi theo công trường - Hùng cứ thế trở thành sinh viên ngành Kỹ thuật máy xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Thế nhưng càng học Hùng dần nhận thấy “thực tế không như mơ” và khám phá ra sự yêu thích của mình dành cho công việc liên quan đến giao tiếp nhiều hơn. Bước ngoặt mới mở ra, Hùng “tìm thấy đam mê hơi muộn nhưng không bao giờ trễ để bắt đầu”...
“Thời sinh viên, mình đi làm thêm rất nhiều việc: gia sư, shipper, bưng bê ở nhà hàng… một phần là giúp có thu thập và cũng để có nhiều va chạm hơn, xem mình thực sự thích gì. Dần mình nhận ra rằng bản thân ngày càng thích công việc được giao tiếp nhiều, nhất là với khách nước ngoài. Hồi ấy, mình có cậu bạn cấp 3 làm sales khách sạn, nghe cậu ấy kể mình thích lắm và muốn được làm việc trong môi trường khách sạn - du lịch như thế.”
Trằn trọc với ý định đó, gần bước sang năm cuối Đại học, Hùng lên mạng mày mò xem làm khách sạn có những vị trí nào và nghĩ “chỉ có bellman và lễ tân thì may ra mình mới làm được”. Anh chàng sinh năm 1994 mạnh dạn ứng tuyển và được chọn vào vị trí lễ tân của Hanoi Rendezvous - một khách sạn nhỏ trên phố Hàng Điếu với mức lương khởi điểm 3.750.000 đồng/ tháng, tháng thử việc chỉ nhận 80% lương.
“Chân ướt chân ráo” vào nghề, giai đoạn đầu là training, Hùng được phân vào ca sáng (6h30 - 14h) để quan sát các chị lễ tân làm việc. Nhận thấy mình không có nền tảng như mọi người thì phải cố gắng nhiều hơn, hết ca, Hùng vẫn xin ở lại quan sát ca chiều làm việc, ghi chép tất cả những gì cần nhớ, “cái gì khó quá mình hỏi mọi người chứ không giấu dốt”. Hùng cũng tự học tiếng Anh giao tiếp chuyên ngành để phục vụ cho công việc. Khó khăn lớn nhất lúc đó là làm thế nào cân bằng giữa việc học - làm đồ án và đi làm nên Hùng xin chuyển sang làm lễ tân ca đêm để tối ưu tất cả thời gian mình có.
Trước khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp 2 ngày, đọc được tin khách sạn 4 sao Hanoi Pomihoa tuyển dụng Customer Service Manager - ở thời điểm cực kỳ bận rộn, nhưng vì không muốn bỏ lỡ cơ hội, Hùng liều nộp hồ sơ trong khi nghĩ khả năng lọt qua “vòng gửi xe” là rất thấp - bởi CV chỉ có 6 tháng kinh nghiệm làm lễ tân. Hy vọng mới mở ra khi cậu bạn được mời phỏng vấn ngay. Sau 30 phút phỏng vấn 1-1 bằng tiếng Anh với anh Quản lý, Hùng được hẹn về đợi kết quả vì còn nhiều ứng cử viên khác cho vị trí này.
Hôm sau, trước ngày bảo vệ đồ án 1 ngày, nhận được thông báo trúng tuyển nhưng “xém tí nữa” Hùng đã không được bảo vệ đồ án tốt nghiệp do không gửi kịp file tài liệu cho Thầy chấm sơ bộ. Hiểu hoàn cảnh cậu học trò siêng năng, Thầy cũng châm chước cho qua.
Giữa năm 2017, Hùng chính thức tốt nghiệp Đại học với điểm tổng kết cao nhất lớp. Dù nhận nhiều lời mời làm việc từ các công ty về kỹ thuật, máy móc xây dựng của nước ngoài với chế độ đãi ngộ cao, Hùng đều từ chối vì muốn đi theo đam mê công việc được giao tiếp với nhiều người.
Chính thức ra trường và theo nghề khách sạn, ban ngày làm Customer Service Manager cho Hanoi Pomihoa - hằng đêm Hùng vẫn tiếp tục làm lễ tân bên Hanoi Rendezvous. Hiếm thấy một ngày Hùng vắng bóng ở khách sạn, thậm chí những ngày ốm cậu bạn cũng vừa uống thuốc hạ sốt vừa làm. “Một phần mình cảm thấy không có nền tảng vững chắc như các bạn được đào tạo bài bản ở trường lớp nên phải cố gắng gấp đôi, học hỏi qua kinh nghiệm thực tế.” Cũng chính vì thích “chạy” như thế nên giai đoạn đó “mình thường ngủ từ 6:00 pm đến 9:30 pm, ca đêm bắt đầu từ 10:00 pm đến 7:00 am thì mình cũng ngủ chập chờn được một xíu”.
Từ lễ tân sang làm Quản lý dịch vụ khách hàng là cả “bầu trời lạ lẫm” nhưng nhờ khi làm lễ tân luôn cố gắng bắt chuyện, trò chuyện cùng khách để hiểu hơn tâm lý khách hàng nên Hùng nhanh chóng thích nghi với công việc, chuyên đi giải quyết vấn đề khách phàn nàn và giới thiệu các điểm đến du lịch hấp dẫn giúp khách có nhiều trải nghiệm ở Việt Nam hơn.
Làm Customer Service Manager được 4 tháng, Hùng muốn thử sức mình ở môi trường 5 sao chuyên nghiệp hàng đầu tại JW Marriott với vị trí Guest Relation Officer. Được biết JW Marriott là tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới nên Hùng khao khát được học hỏi cách tổ chức sắp xếp công việc nơi đây. Qua các vòng phỏng vấn căng thẳng với tỷ lệ chọi vô cùng cao, tuy không có lợi thế đào tạo qua trường lớp, nhưng với lối tư duy thông minh và nhanh nhạy - cuối cùng chàng trai này cũng được chọn.
“Mình không phải kiểu người nhanh chán nên nhảy việc liên tục, mà mình luôn muốn chinh phục những cột mốc trong nghề. Làm việc JW Marriott cực kỳ chuyên nghiệp, mình học hỏi được nhiều thứ và cũng nhận ra rằng, ở đây tính chuyên môn hóa rất cao, chuyên về lưu trú - sự kiện hơn nên mình không có nhiều thời gian để trò chuyện với khách về du lịch Việt Nam. Thực sự nước mình đẹp lắm, mình muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng cách giới thiệu về các điểm du lịch, văn hóa và ẩm thực Việt. Nên sau khi học hỏi được những điều cần thiết, mình quyết định xin nghỉ ở đây dù bạn bè người thân phản đối rất nhiều. Nhưng tính mình là vậy, phải đúng với sở thích và đam mê thì mới có thể vui vẻ đi làm mỗi ngày, như việc dù có bằng kỹ sư - mình vẫn không theo nghề đó.”
Liên tục chinh phục những cột mốc mới trong chưa đầy 1 năm, cuối năm 2017, Hùng quyết định chuyển sang làm Quản lý cho một khách sạn 3 sao đang ở giai đoạn startup. Đây có thể là một bước lùi về môi trường làm việc nhưng là một bước tiến xa trong hành trình sự nghiệp của chàng trai trẻ này. Với nhiều lợi thế về vị trí, cộng với việc làm tốt phần dịch vụ, từ một cơ sở ban đầu, sau 2 năm, Hùng đã góp phần không nhỏ phát triển hệ thống khách sạn lên 9 cơ sở. “Mình thích những môi trường kiểu Boutique như này, không quá to và sang trọng, mình có nhiều thời gian để trò chuyện với khách hơn”. Hiện thu nhập chỉ riêng từ công việc Quản lý khách sạn của Hùng vào khoảng 2.000 USD/ tháng, bao gồm cả lương cứng và phần trăm doanh thu khách sạn.
Nhìn lại hành trình vào nghề của Hùng, nhiều bạn sẽ tự hỏi cậu ấy lấy đâu ra động lực để vừa đi học - làm đồ án, đêm đến trực lễ tân, mỗi ngày chỉ được ngủ trọn vẹn 3 tiếng rưỡi đồng hồ? Câu trả lời nằm ở tâm niệm “Bố mẹ mình ở quê đã làm nông rất vất vả để nuôi anh em mình ăn học, mình muốn sớm được báo đáp công ơn đó”.
Không theo nghề kỹ sư và lựa chọn nghề khách sạn cũng đã khiến mẹ Hùng rất lo lắng. “Mẹ mình ở quê không hiểu nhiều về ngành du lịch, lúc đầu mẹ không đồng ý đâu, mẹ bảo học 5 năm Đại học mới lấy được cái bằng kỹ sư, học hành cũng không phải kém đến mức không theo được mà lại đi làm khách sạn. Mẹ còn hỏi làm khách sạn có lành mạnh không? Ý thức được nỗi lo của mẹ, mình càng phải cố gắng để mẹ thấy lựa chọn đó là đúng đắn.”
Nghĩ là làm, vài tháng sau khi ra trường, Hùng đã tích góp đủ số tiền để mua cho bố một chiếc xe tải cũ - “tài sản lớn nhất đầu đời mình sắm được cho gia đình”. Giờ đây, Hùng đã có được mức lương nghìn đô, không chỉ lo được cho bố mẹ và bà nội mà còn sở hữu căn hộ riêng sang trọng tại Hà Nội với giá trị tiền tỷ. Đó là số tiền Hùng có được từ thu nhập theo nghề khách sạn và phần hùn vốn cùng bạn kinh doanh chung.
Lúc mới vào nghề, thời điểm học ngày - “cày” đêm, Hùng gặp phải một tình huống nhớ đời thực sự. “Hôm ấy - ngày đi học, làm đồ án nhiều nên mình mệt, đêm đi làm không được tỉnh táo lắm. Bạn lễ tân ca trước check-in nhầm phòng cho khách, vì đầu óc hơi mơ màng mình không nhận ra nên check-in khách sau nhầm theo, không đúng hạng phòng khách đặt. Thế là khách xuống chửi ầm lên, mà khách sạn lại hết phòng để đổi. Mình rối rít xin lỗi mà khách không chịu, đòi tìm phòng ở khách sạn khác và mình phải trả tiền đêm đó. Sau khi gọi tán loạn cho các bên kiểm tra phòng, mình còn nhờ anh Bellman lấy xe máy chạy khắp khu phố cổ xem bên nào còn phòng không. Xui là các khách sạn khác đều full phòng. Lúc này hết cách thật rồi, mình chỉ biết xin lỗi khách và mong khách chấp nhận ở miễn phí phòng đó. Nhưng khách nhất định không nghe, nghiến răng kin kít, mắng mình té tát, bảo đặt phòng 1 giường mà giờ có tận 3 cái giường, khách không ở. Bị chửi suốt từ 11h đêm đến 2h sáng, mình vừa mệt vừa tủi thân - nên bật khóc, thì khách lại càng chửi, cấm không được khóc. Nhiều khách đi chơi về muộn chứng kiến chỉ nhìn kiểu thông cảm thôi. Cuối cùng khách bảo mệt rồi nên lên phòng ngủ, mai xuống nói chuyện tiếp.”
Có khách ưa làm căng thì cũng có khách siêu dễ thương: “Sau đó, có một bạn khách nữ mang socola xuống cho mình, an ủi và còn ôm động viên bảo mình cố lên”.
Qua làm Customer Service Manager là một tình huống nhớ đời khác, nhưng đây lại là chuyện vui. “Bữa đó có đoàn khách Trung Quốc đi công tác đến ở, khách có hẹn với 1 công ty Việt Nam về thiết bị điện tử. Đang trong ca làm việc, chị khách Trung Quốc hớt hải chạy đến khẩn thiết nhờ mình làm phiên dịch viên thay thế cho PDV Việt - Trung dự kiến đột nhiên không liên lạc được, trong khi 5 phút nữa buổi ký kết hợp đồng sẽ diễn ra. Dù hơi hoang mang vì không biết nhiều về lĩnh vực đó, nhưng chị ấy bảo tin mình làm được. Thấy khách trong tình thế gấp gáp, mình đánh liều thử sức và đi xin phép Giám đốc. Không được gửi tài liệu trước nên mình mất khoảng 10 phút đầu hơi bỡ ngỡ về thiết bị quá mới mẻ này. Sau khi nắm các thông tin cơ bản thì mình bắt nhịp được, mình dịch từ Việt sang Anh, chị đó dịch lại từ Anh sang Trung cho sếp. Cuối cùng hai bên chốt deal thành công, lúc này mọi người mới dám thở phào nhẹ nhõm. Họ cảm ơn nhiệt tình, mời mình cùng đi liên hoan, giúp được khách mình vui lắm.”
Những kinh nghiệm thực tế quý giá đó giúp ích Hùng rất nhiều trong công việc quản lý khách sạn hiện tại, không chỉ là với khách mà còn cả cách ứng xử với cấp dưới. Ở khách sạn đang làm việc, Hùng phụ trách quản lý 30 nhân viên, kể cả nhân sự thời vụ. “Lúc mới vào, mình là người nhỏ tuổi nhất khách sạn. Ngay từ lúc phỏng vấn, anh sếp đã hỏi mình có chịu áp lực được không khi mọi người đều lớn tuổi hơn, thậm chí có người tuổi cô tuổi chú. Đúng như thế, ban đầu, nhiều lần nhân viên tỏ ý không hài lòng với sự nhắc nhở hay quyết định của mình. Có thể vì mình còn trẻ lại mới nên sẽ tạo cảm giác không tin tưởng. Mình biết điều đó nên không phản ứng gay gắt lại, chỉ cố gắng nói chuyện nhẹ nhàng để mọi người hiểu, giải thích hợp tình hợp lý. Dần dần thấy được năng lực của mình nên định kiến ban đầu không còn nữa, giờ mọi người rất thân nhau.”
“Quan điểm của mình là gần gũi với mọi người như một người bạn, thường xuyên trò chuyện. Như thế thì khi có vấn đề gì trong công việc, mọi người sẽ không ngại nói ra, mình sẽ hiểu được vấn đề để giải quyết. Mình gần gũi nhưng không suồng sã quá, nếu không sẽ rất khó quản lý”.
Câu chuyện thực tế của Hùng sẽ khiến nhiều bạn trẻ mang suy nghĩ “nghề khách sạn lương thấp, có cố gắng mấy thì cũng thế thôi” phải nghĩ lại. Bởi vì “Khi đã cố gắng lên được một vị trí nhất định thì không chỉ ngành khách sạn mà các ngành khác cũng vậy, mức thu nhập chắc chắn sẽ được cải thiện. Còn ai mới đi làm cũng sẽ phải trải qua giai đoạn đầu để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm với mức lương khiêm tốn. Có thể thấy hầu hết các anh chị giữ vai trò cao trong khách sạn đều từng là lễ tân, phục vụ khi mới bắt đầu vào ngành”. Dù là dân tay ngang, xuất phát điểm không bằng ai nhưng với sự nỗ lực ít ai bằng - Hùng đã dần có được những điều mình muốn.
Thành công đó không tự nhiên đến mà được bồi tụ hàng ngày từ tinh thần mạnh dạn hỏi. Gặp vấn đề không hiểu, lúc Hùng hỏi đồng nghiệp, khi thì hỏi sếp - mọi người đều sẵn sàng trả lời với người ham học hỏi. Nói về tính cách của mình sau ngần ấy thời gian làm nghề, Hùng chia sẻ đã học được cách lắng nghe, sự nhẫn nhịn và thậm chí là chịu đựng vì trong ngành khách sạn không hiếm trường hợp khách “khoai”.
Gọi là lời “truyền cảm hứng”, Hùng khuyên “các bạn trẻ nên chọn công việc theo đam mê của mình, đừng chạy theo những ngành hot - chọn công việc theo sở thích của mình sẽ có động lực để cố gắng và mỗi ngày đi làm mới có thể vui vẻ được. Nếu có chút hứng thú với nghề khách sạn thì đừng ngại thử sức.”
Được mọi người nhận xét là vui tính, chăm chỉ, nhanh nhạy và có chí cầu tiến - ắt hẳn đó là công thức tạo nên những “quả ngọt” đầu đời cho chàng trai mang tên Hoàng Lý Hùng - thoạt nghe hệt như “Quý danh” của một diễn viên điện ảnh hào hoa. Và giờ, khi chọn gắn bó với môi trường khách sạn 3 sao, Hùng mong muốn làm giàu thêm vốn kinh nghiệm quản lý để mai này “mở một khách sạn quy mô tương đương cho riêng mình”. Với một người trẻ có chí như thế thì chắc chắn thành công sẽ mỉm cười...
Viết bài và Thiết kế: Xanh Berin
CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC
BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC