Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn từ tháng 2?

Thay vì tiếp tục thí điểm ở quy mô hẹp và bỏ lỡ thời kỳ đỉnh cao của giai đoạn phục hồi, nhiều bộ, ngành, đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lẫn đông đảo người dân cả nước đều đồng loạt - nhất trí - kiến nghị cho phép mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn sớm nhất có thể…

việt nam sẽ mở cửa du lịch hoàn toàn từ tháng 2
 Nhiều bộ, ngành kiến nghị cho phép mở cửa du lịch hoàn toàn từ tháng 2, nên hay không?

 

Mới đây, trong Hội thảo thống nhất lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, đại diện Bộ GTVT, Bộ Công an, chuyên gia hàng không, chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ… đã bày tỏ thái độ “khẩn thiết” và sự cấp bách nên mở cửa hoàn toàn với thị trường khách du lịch quốc tế ngay từ tháng 2 này. Bởi:

“Đóng cửa du lịch không giúp giảm lây lan dịch bệnh”

Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock, Tiến sĩ Thu Anh đã nói như thế tại hội thảo. Bà cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng, vì thế sẽ vô cùng lãng phí nếu người dân và cả khách du lịch đã tiêm đủ vaccine Covid-19 mà phải “ngồi yên” đợi chờ do bị hạn chế đi lại và nhập cảnh. Do đó, bà kỳ vọng du lịch sẽ chính thức mở cửa hoàn toàn, sớm hơn dự kiến (30/4) và không còn tiến hành thí điểm cục bộ nữa. Bằng không, nếu cứ “mở he hé” như thế hoặc đóng cửa hẳn 2-3 năm nữa khả năng cao cả ngành du lịch Việt sẽ bị xóa sổ.

Tuy nhiên, bà phân tích thêm để mở cửa an toàn và hiệu quả cần quan tâm đặc biệt tới năng lực y tế quốc gia. Khách du lịch cần đảm bảo đã tiêm đủ vaccine, có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi bay - khách nhập cảnh thì cần được ứng xử như khách nội địa và không cần cách ly nếu đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch.

Đồng quan điểm với bà Thu Anh, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân cũng khẳng định “không mở cửa du lịch hoàn toàn lúc này là vô lý”. Theo ông, vấn đề cốt lõi của phòng, chống dịch là bao phủ vaccine và các biện pháp giãn cách cần thiết, chứ không phải đóng cửa du lịch. Hơn nữa, nếu tiếp tục trì hoãn kế hoạch mở cửa thì chính là đi ngược lại với chính sách của Chính phủ về thích ứng an toàn với Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế.

“Quy định quá chặt khiến khách du lịch ngại đến Việt Nam”

Là nhận định của cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch dựa trên tình hình thực tế. Nguyên nhân đến từ những quy định chống dịch quá khắt khe như thị thực, hạn chế di chuyển trong 7-14 ngày hay sự bất nhất các quy định phòng, chống dịch ở cấp Trung ương đến từng địa phương... Do đó, để cải thiện tình hình cần giảm thiểu các quy định cách ly, thủ tục nhập cảnh và check-in, lưu trú phức tạp, cho áp dụng lại chương trình miễn thị thực của năm 2019, chỉ quy định khách có kết quả âm tính với nCoV không quá 72 giờ trước khi bay... Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành cũng nên được tham gia đón khách, và được nới lỏng các quy định đăng ký không phù hợp.

Thống kê của Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, trong hơn 8.500 khách du lịch vào Việt Nam ở giai đoạn thí điểm của 2 tháng vừa qua thì có tới 50% là người Việt đang cư trú tại nước ngoài, người có vợ hoặc chồng là người Việt đi để hồi hương, thăm thân, hội nghị, chứ không hẳn hoàn toàn là nhu cầu du lịch.

việt nam sẽ mở cửa du lịch hoàn toàn từ tháng 2
Việt Nam sở hữu nhiều điểm mạnh và lợi thế cạnh tranh để mở cửa hoàn toàn du lịch càng sớm càng tốt

Quá nhiều điểm mạnh để mở cửa du lịch hoàn toàn

Xin nhắc lại, Việt Nam hiện đang ở thời điểm đỉnh cao để mở cửa và phục hồi du lịch. Bởi sở hữu nhiều điểm mạnh để cạnh tranh hút khách như nối lại đường bay quốc tế; tỷ lệ tiêm vaccine đứng thứ 6 trên toàn thế giới và dự kiến tiêm đủ mũi 3 cho toàn dân đến 30/3; nhu cầu đi lại và du lịch tận hưởng của người dân hay du khách cũng tăng cao.

Minh chứng rõ qua kết quả thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11/2021. Cụ thể, theo thống kê, Việt Nam đã đón hơn 8.500 khách quốc tế, chủ yếu là khách Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Và điều đáng mừng là tuy phát hiện 27 trường hợp dương tính Covid-19 nhưng chỉ có 1 trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế, các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và cho kết quả âm tính sau 3-5 ngày sau đó; không có tình trạng lây lan ra cộng đồng hay ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Chưa hết, hiện Việt Nam đã mở lại đường bay với 10 thị trường, 14 chuyến/tuần và đang tiếp tục đàm phán, thương thảo mở rộng thêm với một số quốc gia châu Âu như Nga, Đức…

Dù mở cửa chưa chắc Việt Nam sẽ có khách hay đông khách nhưng rõ ràng mở cửa lúc này là cần thiết. Bởi lợi thế cạnh tranh và tiềm năng đang lớn. Thêm nữa, du lịch nội địa có thể là cứu cánh nhưng doanh thu từ ngành chủ yếu đến từ thị trường khách quốc tế. Do đó, mở cửa để làm sống lại “hơi thở” của ngành du lịch là mong muốn “khẩn thiết” của nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp, nhân sự nghề và toàn dân.

Được biết, Bộ VH-TT&DL cho hay sẽ tổng hợp và kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu mở cửa hoàn toàn thị trường quốc tế, sau đó sẽ sớm công bố thời điểm cụ thể khi được thông qua.

​(Theo VnExpress)

15 thay đổi từ ngành du lịch Việt khi mở cửa hoàn toàn

Tags:
Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn từ tháng 2?
4.7 (107 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN