MỤC LỤC
Lượng du khách cần phục vụ cả trong nước và quốc tế không ngừng gia tăng và đạt ngưỡng kỷ lục ở nhiều tháng trong khi bối cảnh chung của ngành dịch vụ khách sạn - nghỉ dưỡng và lưu trú trên toàn quốc dường như không mấy sôi động dù nhiều nơi đang trong mùa cao điểm. Phải chăng, thị trường khách sạn Việt Nam đang có dấu hiệu thừa cung?
Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế, thậm chí có những tháng đạt mức đón kỷ lục (trên 1,5 triệu người/ tháng). Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2019, nước ta đón khoảng 12.870.506 lượt khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018, nhiều nhất là du khách châu Á hơn 10 triệu lượt, phổ biến như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan..., sau đến châu Âu (khoảng hơn 1 triệu lượt) và châu Mỹ (khoảng 700.000 lượt).
Được biết, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Như vậy, chỉ trong 3 quý, chúng ta đã đạt khoảng 72%, hơn nữa, những tháng còn lại của năm 2019 sẽ vẫn là thời gian cao điểm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tại các tỉnh thành đặc trưng. Do đó, ngành du lịch hoàn toàn có căn cứ và tin tưởng sẽ đạt được, thậm chí vượt cả mục tiêu đã đề ra.
Thị trường khách sạn Việt Nam trở nên “béo bở” ở châu Á - Thái Bình Dương
Theo Tập đoàn tư vấn khách sạn JLL, thị trường khách sạn Việt Nam hiện được nhắc đến nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là “miếng mồi ngon béo bở” cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở phân khúc khách sạn - khu nghỉ dưỡng cao cấp 3-5 sao, tạo nên các thương hiệu và công ty quản lý khách sạn mang tầm cỡ quốc tế ngay trên thị trường Việt. Ngoài ra, ở phân khúc thấp hơn của những khách sạn bình dân, homestay dành cho khách nội địa được các doanh nghiệp trong nước đầu tư và kinh doanh mới. Trong đó, sôi động nhất vẫn phải kể đến 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Không thể phủ nhận sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của du lịch Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp khách sạn Việt Nam nói riêng trong nhiều năm qua. Lý do có thể là:
+ Kinh tế phát triển kéo theo đời sống con người ngày càng tăng nhu cầu hưởng thụ, mà cụ thể nhất chính là đi du lịch và sử dụng dịch vụ, được người khác phục vụ với yêu cầu chất lượng ngày càng cao
+ Chính sách miễn thị thực
+ Điều kiện giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư mới và cải tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển đến lẫn sử dụng dịch vụ.
+ Không ngừng nỗ lực trong quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương nói riêng và toàn Việt Nam với bạn bè quốc tế.
+ Mở cửa kinh tế dẫn đến giao lưu và hợp tác với nhiều nền kinh tế với nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, các nhà máy chế xuất lớn vì thế đã vào Việt Nam và kéo theo một lượng lớn chuyên gia của họ với nhu cầu tạm trú ngắn đến dài hạn để phục vụ công việc, chưa kể, gia đình họ cũng đi cùng
+ Khai thác và phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm và tìm đến trải nghiệm của du khách
+ Mở rộng kết nối và hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia có cùng nguồn cung các sản phẩm khách sạn, trao đổi lượng lớn khách tham quan, lưu trú và nghỉ dưỡng cho nhau...
Rõ ràng, chính con số thống kê về lượng khách du lịch không ngừng tăng, tiềm năng phát triển du lịch ở hiện tại và tương lai vô cùng lớn - lẽ dĩ nhiên, tình hình thị trường khách sạn sẽ khả thi và đạt mức doanh thu đáng ngưỡng mộ? Thực tế cho thấy, nhiều khách sạn tại các thành phố phát triển du lịch, dù trong mùa cao điểm nhưng không thể lấp đầy phòng trống, trong khi cùng thời điểm này ở các năm trước, tỷ lệ đã là 100%, thậm chí over.
Du lịch phát triển nhưng chưa tỷ lệ thuận với độ khả thi trong kinh doanh khách sạn
Chưa bao giờ sự bất hợp lý này lại biểu hiện rõ rệt như năm nay, nhất là ở các thành phố lớn vốn có tình hình kinh doanh du lịch và dịch vụ khách sạn Top đầu của Việt Nam. Cụ thể:
* Tại thành phố Hồ Chí Minh:
+ Tính đến tháng 9 năm 2019, lượng khách quốc tế đến TP.HCM tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt đến 72,9% mục tiêu cho cả năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng ở những tháng cuối năm do diễn ra nhiều sự kiện.
+ Mặt khác, nguồn cung khách sạn tại thành phố này có thêm 1.114 phòng phục vụ mới, nâng tổng nguồn cung lên khoảng 20.200 phòng. Điều này gây áp lực lên mặt bằng chung khiến tỷ lệ lấp đầy chỉ ước đạt 68,8%, giảm 4.8 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
+ Tuy nhiên, dự kiến vào năm 2020, nguồn cung mới được dự đoán sẽ chậm lại, đồng thời chính phủ sẽ siết chặt hơn trong quá trình phê duyệt dự án nên hy vọng đến cuối năm 2021, tổng nguồn cung toàn thành phố dự kiến ước đạt 22.000 phòng, hiệu suất toàn ngành khả năng sẽ tăng trưởng tích cực hơn trong tương lai.
* Tại Hà Nội:
+ Những tháng gần đây Hà Nội đón một lượng lớn khách du lịch quốc tế khu vực Bắc Mỹ nhờ chiến dịch quảng bá du lịch trên CNN, nâng tổng lượt khách chào đón trong 9 tháng đầu năm lên đến 21,6 triệu lượt cả trong và ngoài nước, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
+ Mặt khác, tính đến cuối năm, thành phố sẽ có khoảng 1.008 phòng được thêm mới, nâng tổng nguồn cung khách sạn phục vụ lên mức 18.699 phòng. Con số này tăng lên hơn 20.400 phòng vào năm 2021 với 59,8% cơ sở lưu trú nằm trong phân khúc cao cấp. Tuy chưa có biểu hiện thừa cung rõ rệt nhưng nếu tiếp tục gia tăng nguồn cung phòng phục vụ mới mà không kiểm soát thì trong tương lai gần, điều này không sớm thì muộn cũng xảy đến.
* Tại Đà Nẵng:
+ Đà Nẵng là minh chứng rõ ràng nhất cho dấu hiệu thừa cung khi mà dù lượng khách không ngừng tăng cao qua các tháng (đạt mức 2,4 triệu lượt tính đến tháng 7/ 2019, tăng 26,1% so với cùng kỳ) - thế nhưng, chỉ số giá bán phòng trung bình hàng ngày và doanh thu trên phòng giảm mạnh, tỷ lệ lấp đầy theo báo cáo của nhiều cơ sở, nhất là ở phân khúc trung và cao cấp cũng ở mức thấp, giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
+ Mặt khác, thống kê cho thấy, giai đoạn từ 2019 - 2021, nguồn cung khách sạn dự kiến sẽ thêm mới khoảng 9.379 phòng trong khi các sản phẩm dịch vụ mới chưa giàu tiềm năng để thu hút và giữ chân du khách, nhất là mảng giải trí về đêm. Điều này dự báo hiệu suất khách sạn tại Đà Nẵng sẽ giảm đi trong tương lai gần.
---------------------------------------
Rõ ràng, những con số thống kê đáng tin cậy này ít nhiều cũng nói lên được thực trạng của ngành du lịch Việt Nam hiện nay - biểu hiện của nghịch lý khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng nhưng các khách sạn lại than ế. Phải chăng, câu trả lời hợp lý nhất là do thị trường khách sạn Việt Nam đang thừa cung?
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên