MỤC LỤC
Hơn 90% nhân sự ngành dịch vụ nói chung bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 gần 2 năm qua. Riêng nhóm khách sạn - nhà hàng - du lịch chiếm tỷ lệ cao nhất. Trên cả nước, hàng vạn nhân viên ở nhiều cơ sở bị nghỉ giãn ca, giảm ngày công, mất việc làm…
Tìm việc du lịch - khách sạn hậu Covid: Ai đi - Ai ở?
Du lịch Việt Nam từng điêu đứng bởi dịch Covid-19, chúng ta chính thức “bế quan tỏa cảng” hồi tháng 3/2020 khi cắt đứt các đường bay quốc tế đến. Rồi loay hoay và gồng mình chống dịch. Đã có thời điểm du lịch nội địa thoi thóp được 1,2 tháng nhưng rồi cũng im lìm chờ tình hình khả quan hơn. Riêng du lịch quốc tế gần như đóng băng hoàn toàn, thôi không đón khách để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Kết cục, rất rất nhiều người bị ảnh hưởng, từ việc làm cho đến lương, phúc lợi, thu nhập - từ điều kiện vật chất cho đến đời sống tinh thần…
May mắn thay, dịch dần được kiểm soát. Việt Nam chính thức mở cửa du lịch từ tháng 10 cho khách nội địa và tháng 11 thí điểm đón khách quốc tế. Từ đây, không ít cơ sở bắt đầu háo hức chuẩn bị cho ngày đón khách trở lại sau quá nhiều tháng “cửa đóng then cài”. Trong đó, đăng tuyển nhân viên là một trong những công việc cần thiết và bắt buộc phải làm đầu tiên.
Có khách sạn gọi lại được nhân sự cũ - Có nơi phải tuyển mới hoàn toàn và tốn thêm thời gian đào tạo nghiệp vụ từ đầu khá vất vả.
Có người “nằm nhà” đợi chỗ làm trước liên hệ đi làm lại - Có người tìm mãi chưa ra việc mới - Cũng có người làm tạm việc khác “đợi” nghề - Cả những người chuyển việc và gắn bó hẳn với công việc mới…
Sau tất cả, ai đủ yêu thì bao lâu cũng trở lại - ai thôi không còn mặn nồng nữa thì chuyện đi luôn, đi hẳn cũng dễ hiểu. Bởi, họ còn mối lo sinh kế, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” trong khi vốn dĩ lương nhân viên không đủ phần dư quá nhiều để chi tiêu thoải mái suốt 2 năm dịch bệnh.
Những kiểu nhân viên khách sạn - nhà hàng điển hình nhất mùa dịch
Nói đến đây hẳn dần lộ diện những kiểu Hotelier điển hình nhất trong và sau mùa dịch đằng đẵng này. Tùy vào tình hình thực tế của mỗi cá nhân sẽ tương ứng với quyết định công việc hay chuyện đi - ở của từng người. Dưới đây là 4 liệt kê nổi bật được Ms. Smile chỉ điểm:
+ Đổi ngành, chuyển việc
Phần đông nhân sự nghề đã và đang chuyển việc khác để kiếm tiền và sống tiếp. Có người nghỉ khách sạn này nhưng xin làm ở khách sạn khác, cũng có người đổi ngành hẳn sang làm công việc hoàn toàn mới, không liên quan đến việc làm trước đó. Kinh doanh online, tư vấn bất động sản, chuyên viên bảo hiểm nhân thọ, biên - phiên dịch viên, dạy nghề trực tuyến, shipper, xe ôm công nghệ… là những ngành, nghề được chọn chuyển hướng nhiều nhất. Có người cho hay chỉ làm tạm trong thời gian tìm việc khác tốt hơn hay đợi du lịch phục hồi mà về làm lại cho khách sạn cũ. Người cảm thấy phù hợp nên quyết định làm hẳn mà gắn bó lâu dài. Nghề khách sạn vì thế mà có nguy cơ cao mất đi nhân sự giỏi, cốt cán.
+ Thất nghiệp
Với sự năng động và chịu khó vốn có của Hotelier hẳn tỷ lệ thất nghiệp trong mùa dịch sẽ không quá cao. Bởi có nhiều sự lựa chọn việc làm tạm đến ổn định để kiếm tiền. Tuy nhiên, Hoteljob.vn vẫn ghi nhận được những trường hợp thất nghiệp nhiều tháng liền, không có việc để làm, không có lương để nhận, không có tiền để chi tiêu. Số này chủ yếu rơi vào những cá nhân thiếu suy nghĩ, mang tư tưởng muốn nghỉ ngơi thời gian vì đã “cày” liên tục nhiều năm rồi; số khác là các cô, chú bảo vệ, buồng phòng, vệ sinh công cộng, cây xanh… tuổi trung niên nên khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới.
+ Mong ngóng trợ cấp
Không ít lao động mất việc làm do kế hoạch cắt giảm nhân sự của khách sạn, nhà hàng làm thủ tục nhận Trợ cấp thất nghiệp, có người đăng ký nhận cả Bảo hiểm xã hội 1 lần để chi tiêu. Ở thời điểm cấp bách, đây được xem là “phao cứu sinh” của nhiều người.
Mặt khác, lao động nghề khách sạn nằm trong danh sách đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có người nhận được, có người không. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cứ hy vọng hết đợt này đến đợt khác, cuối cùng, kết quả nhận về vẫn là sự buồn rầu, chán nản.
Nhận được trợ cấp là quý nhưng chỉ là khoản hỗ trợ nhỏ, việc của bạn vẫn là tìm việc nhanh để sớm có thu nhập trang trải cuộc sống, thôi không ủ dột vì nghề bạc.
+ Rèn dũa kiến thức để trở lại lợi hại hơn
Có Hotelier dành một khoản tiền để dành hay từ Trợ cấp thất nghiệp để học: nghề mới, kiến thức mới. Họ bổ sung thứ chưa giỏi, điều chưa biết để hoàn thiện bản thân, chuẩn bị tốt nhất cho ngày trở lại hoàn hảo và chuyên nghiệp hơn. Điều này không chỉ giúp công việc trong tương lai suôn sẻ mà còn tạo đà cho bước thăng tiến mới và nhanh.
Dịch bệnh xảy đến là điều không ai muốn. Chưa từng có ai nghĩ Hotelier có ngày thất nghiệp vì bất kỳ lý do gì. Ấy thế mà nó đã xảy đến và kéo dài suốt 2 năm nay. Thay vì ủ rủ và chán nản, hãy lạc quan và tìm cho mình lựa chọn công việc phù hợp. Đi hẳn cũng được, làm tạm để đợi nghề cũng được… sống tốt là được!
Tình hình hiện tại của bạn thế nào? Chia sẻ cùng nhau bằng cách tham gia khảo sát Tình hình Nhân sự Nghề hậu Covid 2021 của Hoteljob.vn nhé!
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên