MỤC LỤC
Thông tin du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ 15/3 mang đến niềm vui và hy vọng cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Tuy nhiên, trong sự hồ hởi về kỳ vọng hồi sinh của ngành thì vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Rằng lượng khách đón sau mở cửa có thực sự đông? Doanh nghiệp kinh doanh du lịch hoạt động trở lại có chắc chắn hiệu quả? Quy mô tuyển dụng lao động có mở rộng? Dân ngành có hăng say quay lại với nghề?...
Nhiều kỳ vọng sau ngày mở cửa du lịch hoàn toàn
Trước vô vàn tiềm năng mở cửa sớm để khôi phục nhanh “ngành công nghiệp không khói” sau 2 năm “chết yểu”, Chính phủ Việt Nam vừa cho phép mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3 này, đề nghị các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan khẩn trương lên kế hoạch và báo cáo lộ trình đón khách cụ thể để kịp tiến độ.
Khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội, ai ai cũng hân hoan chúc mừng ngành du lịch trước thông tin không thể tốt đẹp hơn này. Bởi, kể từ khi Covid-19 xuất hiện cho đến giai đoạn bùng phát đỉnh điểm rồi được thích ứng dần sau khi triển khai tiêm vaccine phòng, ngừa… ngành dịch vụ tiềm năng này chưa từng 1 lần được “tháo rào” thực sự. Cơ sở kinh doanh thì đóng cửa đến hoạt động cầm chừng, nhân sự ngành thì bị giảm việc, nghỉ giãn ca đến thất nghiệp vì vắng khách… Du lịch - khách sạn vốn nhộn nhịp bỗng ảm đạm, buồn bã. Vì vậy, việc mở cửa trở lại sớm ngày nào khiến đông đảo mọi người vui mừng, phấn khởi ngày đó.
Covid-19 đã khiến nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, năm 2020 các doanh nghiệp du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70 - 80%. Năm 2021, lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 được đánh giá là giai đoạn chuyển mình của du lịch Việt, khi lượng khách tăng đột biến đến khó tin. Nhiều địa phương mạnh về du lịch lễ hội hay tâm linh, những điểm đến có cảnh đẹp và dịch vụ tốt bỗng hút hàng chục đến trăm nghìn lượt khách ghé thăm. Khá nhiều doanh nghiệp cho hay cơ sở mình bị thiếu nhân lực phục vụ khách những ngày cận Tết và cuối tuần. Phải chăng, đây chính là hồi chuông báo hiệu ngày du lịch hưng thịnh như trước?
Dạo một vòng quanh các trang mạng đăng tải thông tin du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ 15/3, nhiều bình luận bày tỏ kỳ vọng ngành phục hồi nhanh và phát triển mạnh mẽ như thời chưa dịch. Rằng:
- Lượng khách đi du lịch sẽ đông dần lên, kể cả khách quốc tế và khách nội địa, ở cả những thị trường quen thuộc và mới tiềm năng
- Doanh thu và lợi nhuận từ du lịch sẽ tăng dần qua các tháng, nhất là vào mùa cao điểm hè hay các dịp lễ lớn trong năm
- Các khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch sẽ khôi phục, thậm chí mở rộng quy mô hoạt động
- Người lao động tìm việc nhanh chóng và dễ dàng hơn, với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn…
Thực tế đôi khi không giống như kỳ vọng!
Lượng khách đến thế nào, doanh thu và lợi nhuận du lịch ra sao hiện tại chưa thể biết được. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) bước đầu có những nhận định, thậm chí quyết định bám sát thực tế thay vì kỳ vọng nhiều dễ thất vọng lớn. Bên cạnh một số cá nhân, tổ chức cho biết sẵn sàng và ngay lập tức bắt tay vào cuộc “đại tuyển dụng” hay tìm việc làm để chuẩn bị cho ngày mở cửa quy mô lớn thì số khác cho hay đang “chững” lại để quan sát và chờ đợi thêm.
+ DN cần lộ trình mở cửa rõ ràng mới bắt đầu tuyển dụng
Gần như mọi doanh nghiệp đều kỳ vọng mở cửa du lịch hoàn toàn càng sớm càng tốt. 15/3 được xem là thời điểm lý tưởng vì sắp sửa bước sang mùa du lịch cao điểm trong năm. Một số nơi cũng bắt đầu đăng tuyển đa dạng các vị trí khuyết trên website công ty hay qua đơn vị tuyển dụng trực tuyến uy tín - tuy nhiên, hồ sơ thu về chưa thực sự khả thi, về cả số lượng lẫn chất lượng ứng viên.
Dịch Covid khiến nhân sự ngành bị tổn thương rất lớn. Trên cả nước, nhiều người bỏ việc, bỏ nghề hoặc trở về địa phương tránh dịch đến nay chưa hoặc không trở lại với nghề nữa do đã ổn định với công việc mới nhiều tháng qua. Số ít còn lại không mới ra trường thì cũng là dân nhảy việc, trái nghề, không có hoặc quá non kinh nghiệm lẫn trình độ… trong khi chỉ 1-2 tháng không đủ để đào tạo một nhân viên từ không biết gì trở nên thành thạo mọi kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách; đặc biệt, vốn ngoại ngữ vẫn còn nhiều hạn chế.
“Chúng tôi sẵn sàng tuyển số lượng lớn nhân viên và chấp nhận đào tạo từ đầu. Tuy nhiên, cần chắc chắn rằng lượng khách đến là ổn định và tiềm năng. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan phải đưa ra lộ trình, kế hoạch mở cửa chi tiết, rõ ràng thì doanh nghiệp mới có cơ sở để lên phương án triển khai, thực hiện có hiệu quả và đúng quy định được.” - đại diện công ty chuyên mảng lữ hành, lưu trú và nhà hàng cho hay.
+ NLĐ chần chừ chưa dám mạo hiểm quay lại nghề
Rõ ràng, 2 năm là khoảng thời gian quá dài để một người, dù yêu nghề nuôi hy vọng về sự hồi sinh của ngành bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng từng ngày. Nhiều người vì sinh kế mà bỏ việc, đổi nghề rồi ổn định với công việc mới. Và nay, khi nghề sắp bắt đầu lại, họ đau đáu nỗi lo:
- Lương và chế độ đãi ngộ có hấp dẫn, hay còn thấp do lấy lý do vẫn trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch
- Sợ nghỉ công việc hiện tại để về với nghề rồi không may dịch nữa, xong lại thất nghiệp tiếp, khi đó phải tìm việc từ đầu trong khi cạnh tranh luôn cao
- Đã sớm tìm được công việc mới ổn định và giàu tiềm năng phát triển nên muốn gắn bó thêm để tận dụng cơ hội thay vì quay trở lại công việc cũ với mức lương và chế độ chẳng cao hơn là mấy
- …
Thông tin mở cửa du lịch hoàn toàn trở lại là đáng mừng và cấp thiết, vì không thể trì hoãn thêm nữa. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp và nhân sự ngành có suy nghĩ và nhận định riêng, để đưa ra đánh giá và lựa chọn phù hợp thay vì nôn nóng quyết định rồi tiếp tục khủng hoảng…
Dự định của bạn trong thời gian tới thế nào?
[Quan điểm và đánh giá chủ quan của _Thy,
một Hotelier yêu nghề nhưng đã nhảy việc]
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên