MỤC LỤC
- Cất bằng Cử nhân Kinh tế làm nhân viên Giặt ủi – bước đường cùng mở ra con đường mới
- Bước thăng tiến “nhảy cóc” và sự lựa chọn quay về nền tảng ban đầu
- Cây bút mực bỏ quên và bài học nhớ đời khi làm nghề
- Muốn thành công trong Nghề Khách Sạn nhất định phải giỏi ngoại ngữ, giàu sự tận tâm và yêu nghề
- … cũng đừng quên thần tượng một ai đó
Đứng ở bước đường cùng sau quá nhiều thất bại - nản chí, chỉ muốn có một công việc để làm tạm, có tiền lo cho gia đình, chàng thanh niên 8X Nguyễn Hoàng khi ấy quyết định bắt đầu lại với Nghề Khách Sạn ở vị trí Giặt ủi. Anh Hoàng sau đó đã “kinh” qua nhiều công việc, tại nhiều bộ phận và tạm “cán đích” với vai trò Trợ lý chiến lược cho CEO một Tập đoàn khách sạn Việt, bao gồm chuỗi 9 khách sạn trải dài từ 3-5 sao tại TP.HCM.
Cất bằng Cử nhân Kinh tế làm nhân viên Giặt ủi – bước đường cùng mở ra con đường mới
Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Tp.HCM, chuyên ngành Thống kê Kinh tế - cầm tấm bằng cử nhân trên tay sau 4 năm nỗ lực học tập, nhưng khi ấy anh Nguyễn Hoàng “không tìm được việc làm phù hợp”. Thế rồi, anh Hoàng chuyển sang tự kinh doanh nhưng thất bại liên tiếp, đến mức lụn bại. Chán nản, tuyệt vọng, chàng trai trẻ quyết định bước vào Nghề Khách Sạn khi ở bước đường cùng, không việc, không tiền trong khi gánh nặng chăm lo cho gia đình đè nặng trên vai. Khi ấy, “anh hoàn toàn không có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này - phần nữa, tâm lý lúc đó khá nản chí, chỉ muốn có một công việc - nên anh đã xin apply vào vị trí thấp nhất và cực nhất ở khách sạn – nhân viên Giặt ủi.” - anh Hoàng chia sẻ đầy xúc động khi nhớ về thời điểm quyết định đến với nghề.
Công việc hàng ngày ở vị trí này là tiếp xúc và làm sạch các loại quần áo, drap, ga giường, khăn bàn, khăn ăn… nói chung là mọi đồ vải trong khách sạn, bao gồm cả đồ của khách – và dùng hóa chất xử lý để mọi thứ trở lại sạch sẽ. “Công việc nghĩ đơn giản nhưng thực tế không dễ làm. Nó khá cực và tốn sức. Tuy nhiên, được làm việc luôn tay khiến anh cảm thấy mình đỡ cảm giác vô dụng và buông xuôi trước đó. Dần dần, anh trở nên yêu thích công việc của mình. Đến một lúc nào đó, anh quên rằng mình đã bắt đầu công việc như thế nào, công việc của mình ở vị trí thấp thế nào, anh chỉ tập trung làm việc một cách thoải mái, hăng say và trách nhiệm nhất.” - anh Hoàng cho biết.
Bước thăng tiến “nhảy cóc” và sự lựa chọn quay về nền tảng ban đầu
Đặc thù công việc Giặt ủi giúp anh Hoàng may mắn được tiếp xúc với tất cả nhân viên trong khách sạn – vì ai cũng phải dùng đồng phục; từ đó, chàng Laundry dần dần hiểu một chút về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mỗi người, mỗi bộ phận và mường tượng ra mình được làm việc trong một hệ thống, có sự liên kết và hỗ trợ chặt chẽ cùng nhau với cùng một mục đích là cung cấp dịch vụ khách sạn có cho khách hàng. Bản thân anh Hoàng cũng hiểu được rằng, vị trí mình đang làm có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng dịch vụ và thương hiệu của khách sạn, sự hài lòng của khách lưu trú – từ đó, anh lại càng quyết tâm tiếp tục theo đuổi nghề, tìm hiểu sâu hơn về nghề và các bộ phận liên quan – vì “anh nhìn thấy cơ hội phát triển của ngành là rất rộng”.
May mắn, mọi nỗ lực hoàn thiện kỹ năng và làm tốt hơn nhiệm vụ công việc mỗi ngày của một nhân viên Giặt ủi được nhìn nhận - sau 1 năm, anh Hoàng được Giám đốc Buồng phòng đưa vào thử việc ở vị trí Giám sát Buồng – “nhảy cóc” tận 2 cấp so với công việc cũ (tính theo hệ thống chức vụ của Sofitel Dalat Palace lúc đó), trong khi việc thăng tiến 1 cấp đã là không dễ dàng. Trong 2 tháng thử việc, anh Hoàng đã thể hiện xuất sắc trình độ và kỹ năng của mình, dĩ nhiên, Hoàng chính thức được giữ lại bộ phận buồng phòng với chức vụ Giám sát. Tuy nhiên, 1 năm sau nữa, chàng Giám sát Buồng lại quyết định từ bỏ vị trí quản lý khi đó để chuyển sang bộ phận Tiền sảnh, đi từ nhân viên lên Supervisor chỉ sau 3 tháng làm việc. “Anh đắn đo rất nhiều vì Lễ tân ở khách sạn 5 sao khá áp lực, tiêu chuẩn cũng cực kỳ gắt gao. Tuy nhiên, chính vì cảm nhận được khó khăn như thế nên anh nghĩ rằng cơ hội ở đó cũng sẽ tương xứng, và anh không muốn từ chối cơ hội chuyển từ backhouse lên fronthouse. Bản thân anh may mắn có background ở HK nên khi lên FO anh đã biết hết cấu trúc phòng của khách sạn, nắm rất rõ sơ đồ phòng nên việc sắp xếp phòng cho khách rất nhanh và hợp lý. Dĩ nhiên, việc anh được lên Sup mọi người đều ủng hộ.”
Trong thời gian làm tại FO, anh Hoàng lại có cơ hội tiếp xúc với gần như tất cả các bộ phận của khách sạn như F&B, Sales, Kế toán – rồi bắt đầu tìm hiểu đến cách thức vận hành khách sạn, sự lưu thông của dòng khách và dòng tiền. “Đó là tiền đề hỗ trợ anh cho công việc Reservation đến chịu trách nhiệm chính về mảng thương mại điện tử, e-commerce và quản lý doanh thu của hiện tại.”
Làm FO Supervisor được hơn 1 năm thì khách sạn có biến động lớn - thay đổi toàn bộ hệ thống quản lý, dẫn đến đội ngũ nhân sự cũng vì thế mà thay đổi theo nên xuất hiện nhiều vị trí trống - lúc đó, anh Hoàng được chuyển qua làm Sales, ban đầu Hoàng làm Sales Admin - nhưng sau đó lại chuyển hẳn sang làm Reservation và in-charge chính mảng Thương mại điện tử, bao gồm việc làm việc với các đối tác OTA trong xu hướng bùng nổ đặt phòng qua mạng.
Năm 2012, có một số lý do khiến anh Hoàng quyết định thay đổi môi trường làm việc. Trong đó, lý do lớn nhất đó là "anh cảm thấy công việc của mình đã tương đối bão hòa. Vốn kiến thức anh nhận được không thể nói là hoàn thiện và đầy đủ nhưng đã làm cho anh đủ tự tin để bắt đầu một sự nghiệp khác. Thêm nữa, anh ý thức được rằng, nếu tiếp tục ở lại chỗ cũ thêm nữa, sau 7 năm thì anh sẽ không thu thập được gì thêm.”
Thời điểm đó, với kinh nghiệm có được, cộng với độ hot của công việc từng đảm nhiệm, việc tìm việc mới tại Sài thành không quá khó. “Anh đã định hướng mình theo hướng E-commerce và quản lý doanh thu nên anh tập trung vào mảng này” - anh Hoàng đã apply vào khách sạn Ibis của Accor ở Q.7 với vị trí Reservation Manager - được 1 năm thì chuyển ra làm cho InterContinental Đà Nẵng cũng với vị trí tương đương trong khoảng 6 tháng rồi quay lại Sài Gòn sau khi nhận được offer của Movenpick SaiGon cho vị trí Revenue Manager giữa năm 2015. “Đó cũng là thời điểm anh quyết định tập trung hơn vào mảng Revenue và không còn nhiều gắn bó với Reservation.”
Tính từ lúc đó thì anh Hoàng chỉ chuyên về mảng doanh thu, có qua thêm một nơi nữa là Oakwood Apartment Q.3. Đến cuối năm 2017, anh Hoàng gặp chị chủ của Silverland và bị thuyết phục bởi cái tâm và cái tầm của chị. “Trước đó, anh chưa từng làm việc cho các công ty hay chuỗi khách sạn người Việt quản lý. Nhưng khi gặp chị chủ Silverland và nói chuyện với chị, anh cảm nhận được tâm huyết của chị với việc xây dựng thương hiệu quản lý khách sạn Việt để cạnh tranh với các chuỗi quốc tế ngay tại Việt Nam. Trước đó, Silverland chưa từng có Revenue chính thức, nên rất cần người về tổ chức và hệ thống lại. Vì thế, anh quyết định đầu quân về đây, gắn bó để xây dựng những ý định mà cả chủ đầu tư và anh đều mong muốn - đến nay đã được hơn 2 năm.”
Hiện tại, nhìn lại con đường sự nghiệp, anh Nguyễn Hoàng tự nhận thấy “mình cũng may mắn không ít” khi ban đầu, anh quyết định “chọn đại” công việc giặt ủi để có việc làm tạm sau khi cất lại tấm bằng cử nhân kinh tế sau 4 năm “đốt đèn học” đằng đẵng - “kinh” qua rất nhiều vị trí, nhân viên có, giám sát và cả quản lý ở khá nhiều bộ phận - giờ đây, công việc của anh có liên quan không ít đến chuyên ngành kinh tế, ngay trong ngành khách sạn.
Cây bút mực bỏ quên và bài học nhớ đời khi làm nghề
Nói về sự cố hy hữu khiến anh Hoàng nhớ lại vẫn thấy đáng sợ và đúng nghĩa là “để đời” đó là tai nạn thời còn làm Giặt ủi. “Nó ấn tượng vì đó là sự cố đầu tiên của anh với ngành này – và hậu quả để lại cũng rất đau khổ”. Đợt đó, trong một mẻ giặt đồ vải trắng (là tất cả đồ vải màu trắng của khách sạn từ quần áo sơ mi của các bộ phận, đồng phục bếp, khăn tay…), vì bất cẩn nên anh Hoàng đã để sót 1 cây bút mực ở ngăn để bút trên tay áo của đồ áo bếp. Đồ trắng được giặt ở nhiệt độ cao – đến 70 độ, và trong một máy giặt lớn có đến 35kg đồ. Kết quả là trong 35kg quần áo trắng có một nửa bị dính mực từ cây bút đó – một nửa không bị dính là do khi giặt anh Hoàng quan sát thấy nước hơi đổi màu nên đã giật nắp lôi ra, nhưng cũng bị lem sang khá nhiều. Kết quả, anh đã phải mất đến 2 ngày để ngồi xử lý từng cái đồ bị dính màu bằng hóa chất cực mạnh. Dĩ nhiên không trắng lại được 100% nhưng cũng có thể chấp nhận được, và cũng có một số đồ phải bỏ đi.
“Sự cố đó với anh rất đáng nhớ vì nó nhắc nhở anh rất nhiều điều. Một phút bất cẩn trong một công việc đơn giản cũng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Sau sự việc ấy, mỗi một nhiệm vụ anh nhận – khi anh xác định mình đang làm việc – anh đều dành sự tập trung cao độ và không quên kiểm tra lại lần thứ hai cho chắc chắn.” - bài học tâm đắc rút ra sau sự cố nhớ đời của anh Hoàng
Muốn thành công trong Nghề Khách Sạn nhất định phải giỏi ngoại ngữ, giàu sự tận tâm và yêu nghề
Hỏi về nguyên do nào giúp chàng Trợ lý CEO được đánh giá cao và trọng dụng như thế, anh Nguyễn Hoàng khẳng định “đó là khả năng ngoại ngữ và sự tận tâm”. Thật vậy, đặc thù công việc trong ngành dịch vụ sẽ phải thường xuyên tiếp xúc khách hàng và trao đổi thông tin với các bộ phận khác cũng như trả lời email, làm việc với phần mềm quản lý khách sạn… tất cả đều phần lớn sử dụng tiếng Anh. May mắn thay, “anh có gốc học rất tốt ngoại ngữ”. Mặt khác, trong quá trình làm việc, Sếp và đồng nghiệp chắc chắn có thể đánh giá được hiệu suất và thái độ của từng nhân viên với công việc. Đến tận bây giờ, anh Hoàng cũng vẫn luôn cho rằng 2 điều ấy chính là yếu tố chính giúp mình tồn tại và thăng tiến được với nghề này, bên cạnh tình yêu và niềm đam mê, hăng say cống hiến.
Giờ đây, khi được hỏi về những được - mất khi chọn và theo Nghề Khách Sạn, anh Hoàng cho hay mình thật sự không hề cảm thấy mất mát. “Công việc này đến với anh lúc anh ở tình trạng tệ nhất - và nó đã đi cùng anh đến bây giờ”. Với anh Hoàng, những khó khăn thông thường như mọi người hay nói về nghề như làm việc trái giờ giấc, không có ngày nghỉ lễ… - “đối với anh nó rất tự nhiên, chủ yếu là do cách mình chủ động sắp xếp thôi”.
Còn được, khi ở độ “tuổi băm”, anh Hoàng tương đối hài lòng vì mình đã có được một sự nghiệp - có những đồng nghiệp và bạn bè là khách hàng yêu quý ở khắp nơi trên thế giới - bản thân anh cũng nhận thấy cuộc sống gia đình dần ổn định hơn, có thể chăm lo cho gia đình tốt và đầy đủ hơn - và hơn hết, còn truyền được tình yêu nghề cho mọi người để họ tin, có thêm động lực nếu muốn theo nghề…
… cũng đừng quên thần tượng một ai đó
Với anh Hoàng, có 3 người mà đến bây giờ anh vẫn thần tượng. Một là chị FOM - hai là chị Reservation Manager - ba là anh Revenue Manager. Cả 3 anh chị đều làm ở Sofitel Dalat Palace hồi đó.
“Anh học ở chị FOM về dịch vụ khách hàng và cách xử lý tình huống với khách hàng, với nhân viên như thế nào là hiệu quả nhất, từ đó mang lại sự hài lòng cho tất cả mọi người.
Anh học ở chị Reservation Manager tính chi tiết trong công việc, sự tận tâm với những điều nhỏ nhất - như một nụ cười qua điện thoại chẳng hạn.
Còn anh Revenue Manager thì anh thần tượng vì đơn giản ảnh giỏi, anh ấy là Revenue Manager người Việt đầu tiên của Accor.”
Không giống như thần tượng Idol, chọn lấy người để thần tượng trong Nghề Khách Sạn mang lại nhiều cái lợi thực tế - để từ chỗ ngưỡng mộ, bạn có thêm động lực cố gắng làm tốt hơn nhiệm vụ công việc mỗi ngày với ước ao “một ngày được giống một phần nhỏ của họ”, thay vì bị “mê hoặc” bởi những nét vẽ màu hồng được tô đậm hơn sau mỗi giờ lên lớp về triển vọng tương lai của ngành theo học.
Bởi, theo anh Hoàng, “không có trường nào đào tạo một sinh viên sau 4 năm ra để làm Giám đốc. Trừ khi bạn có sẵn ghế hoặc bạn cực kỳ xuất sắc, còn 99% sinh viên ra trường ở bất kỳ ngành nghề nào cũng phải bắt đầu từ công việc cơ bản nhất mà bạn được đào tạo. Với ngành khách sạn, việc cơ bản đó là phục vụ khách.”
Thêm nữa, các bạn trẻ hiện nay có nhiều sự lựa chọn để bắt đầu sự nghiệp. Họ cũng có nhiều lợi thế về cách thức tiếp cận thông tin cũng như cơ hội trau dồi kiến thức. Vì thế, “hãy nhìn xa hơn để lấy đích đến cho mình - bổ sung những kỹ năng cần, đặc biệt là ngoại ngữ, tin học và khả năng giao tiếp - chuẩn bị cả tâm lý để có thể chịu được những áp lực trong nghề để không thấy khó mà từ bỏ, đứt gánh giữa đường.”
Kết thúc cuộc trò chuyện liên tục sau nhiều giờ, bản thân admin cảm nhận được rõ rệt tình yêu nghề và sự lạc quan vô cùng cao trong anh khi nói về nghề - cả niềm khát khao được truyền ngọn lửa nghề cho thế hệ trẻ hôm nay. Anh Hoàng cho rằng “khi bạn tôn trọng nghề nghiệp của mình, mọi người sẽ tôn trọng bạn. Dù công việc của bạn có thấp kém đến đâu, cứ làm việc với thái độ nghiêm túc thì trước sau gì bạn sẽ được ghi nhận – rồi từ đó sẽ có những bước phát triển tiếp theo. Và ở vị trí nào đi nữa cũng đừng quên yêu và tự hào lấy công việc của mình.”
Từ Người kể chuyện Nghề
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên