MỤC LỤC
Là một trong những loại thức uống nổi bật không thể thiếu tại các quầy Bar chuẩn, Bloody Mary luôn được lòng thực khách không chỉ bởi hương vị mà còn ở vẻ ngoài mê hoặc. Bạn có biết Bloody Mary là gì? Tại sao gọi là “món cocktail phức tạp nhất thế giới"? Công thức pha chế Bloody Mary cụ thể thế nào? Tất cả sẽ được Hoteljob.vn giải đáp ngay sau đây.
Không ngoa khi nói rằng dù là Bartender chuyên nghiệp hay nhân viên pha chế học việc đều không thể quên một cái tên đặc biệt - Bloody Mary trong list danh sách những món cocktail nhất định phải có mặt ở quầy Bar phục vụ khách. Vậy Bloody Mary là gì mà quyền lực và đươc ưu ái đến thế?
Bloody Mary là gì?
Bloody Mary hay Blood Mary cocktail là loại cocktail nổi bật bởi màu đỏ tươi của cà chua, được pha chế trên rượu nền Vodka cùng nhiều gia vị hoặc hương liệu khác như sốt worcestershire, sốt Tabasco, nước thịt bò, nước cần tây, ô liu, muối, hạt tiêu đen, ớt Cayenne, nước cốt chanh... tạo nên vị cay nồng hay the nhẹ đặc trưng. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều người thuận miệng gọi Bloody Mary là món cocktail kỳ quái hay “món cocktail phức tạp nhất thế giới”.
Những điều không phải Bartender nào cũng biết về Bloody Mary
♦ Nguồn gốc ra đời
Chưa có một tài liệu chính thống nào kết luận chính xác và rõ ràng về nguồn gốc ra đời của món cocktail đặc biệt này bởi có quá nhiều truyền thuyết cổ xưa xoay quanh nó. Tuy nhiên, phần đa những nhà học giả về cocktail đều đồng ý rằng câu chuyện sau đây có khả năng gần đúng với sự thật nhất.
+ “Chuyện kể về một Bartender có tên Fernand Petiot, người được cho là đã “thai nghén” ra phiên bản sơ khai của Bloody Mary vào khoảng những năm 1920 khi đang làm việc tại quán Harry’s New York Bar ở Paris với công thức 1/2 nước ép cà chua và 1/2 vodka. Tiếp đó, sau thời kỳ “cấm rượu”, Petiot đã mang thức uống này tới Manhattan khi mà ông đang quản lý quán King Cole Bar sang trọng thuộc khách sạn St. Regis. Tại đây, Bartender này đã thêm vào hỗn hợp thức uống đó nhiều gia vị như cải ngựa, sốt Tabasco, nước chanh, muối và cần tây sau lời nhận xét của thực khách rằng thứ nước này quá nhạt nhẽo. Sau đó, nó trở thành món cocktail hoàn chỉnh và dĩ nhiên nổi tiếng từ thời đó đến hiện tại. Tương truyền, có một thời gian, Bloody Mary được đặt tên là Red Snapper để thể hiện chính xác hơn vẻ ngoài quyến rũ, ma mị đến nhạy cảm, tinh tế.”
Tất nhiên, những giả thuyết về lịch sử, xuất xứ của Bloody Mary vẫn còn tồn tại.
+ Thú vị nhất có thể kể đến là tên gọi món cocktail này thể hiện sự cai trị tàn bạo của Nữ hoàng Mary Đệ Nhất của nước Anh hồi giữa những năm 1550. Theo đó, nước ép cà chua đại diện cho màu đỏ của máu đổ - trong khi vodka (một loại rượu mạnh) là biểu tượng cho phương tiện tàn bạo dùng khi hành hình các vị tử đạo. Và George Jessel (một diễn viên hài) tuyên bố rằng ông đã phát minh ra món đồ uống rùng rợn này vào năm 1939.
Một câu chuyện rùng rợn nữa về Bloody Mary, thức uống được “triệu hồi” mỗi mùa Halloween. Theo đó,
+ Món cocktail này lấy cảm hứng từ một ma nữ, cô gái trẻ bị dân làng kết tội là có liên quan đến sự mất tích của những cô gái khác trong làng; vì thế họ bắt và thiêu sống cô. Trước khi chết, cô nguyền rủa rằng nếu ai đủ ngu si gọi 3 lần Bloody Mary... trước gương lúc nửa đêm - thì sẽ thấy một ma nữ với bàn tay gầy guộc cùng 10 móng tay sắc nhọn đến để móc đi con mắt của chính kẻ đó. Thành phẩm màu đỏ như máu ấy chính là thứ nước ma nữ này uống sau khi trừng phạt kẻ dám triệu hồi mình ra với con mắt dùng trang trí trên vành ly (quả cà chua chứa máu của họ ở bên trong).
♦ Công thức pha chế Bloody Mary
+) Nguyên liệu:
Ngay trong phần Bloody Mary là gì cũng đã mường tượng chỉ ra những thành phần nguyên liệu cơ bản cho “món cocktail phức tạp nhất thế giới” rồi. Cụ thể, để tạo nên một ly cocktail Bloody Mary chuẩn, cần:
- 2 oz Vodka
- 4 oz nước ép cà chua
- 0,25 oz nước cốt chanh
- 3 dashes worcestershire sauce (cải ngựa)
- 2 dashes Tabasco sauce
- 1/4 tsp Horseradish
- 2 dashes Celery bitters / 2-3 dashes Celery salt
- 1/2 tps mỗi loại muối và tiêu
- Đồ trang trí có: chanh bổ câu, cần tây, đậu xanh ngâm (tùy thích)
- Đựng trong highball glass hay pint glass
* Lưu ý: 1 dash = 1/32 ounce = 0,92 ml
Một số tài liệu hay Bartender khác sẽ có liều lượng cùng đơn vị đo lường tùy chỉnh cũng cách trang trí khác nữa.
+) Cách pha chế:
- Rót vodka và nước ép cà chua vào ly phục vụ
- Thêm các nguyên liệu còn lại vào (tùy sở thích)
- Thêm đá và khuấy đều
- Trang trí với chanh bổ cau, cần tây hoặc bất kỳ thứ gì bạn thích
* Một cách nữa cũng vô cùng đơn giản là cho tất cả nguyên liệu vào shaker và lắc kỹ với đá - tiếp đến, lọc đá và rót thức uống vào ly có sẵn đá vụn - trang trí chanh bổ cau và một nhánh cần tây hoặc tùy thích
+) Yêu cầu thành phẩm:
- Cocktail phải có màu cam đỏ thành phẩm tựa như máu
- Được phục vụ lạnh, kèm đá, có thể biến tấu trang trí tùy thích
- Vị thơm, cay nồng nhưng không quá mặn hay gắt
♦ Kết luận đặc biệt về Bloody Mary
- Bloody Mary không phải là món cocktail thiên về rượu nền, cả vodka và nước ép cà chua đều giữ vai trò như nhau; và khi hòa quyện vào nhau tạo nên một “bức tranh trống”, khi đó, Bartender có thể tự do sáng tạo nên vị cho món cocktail đặc biệt này với đa gia vị và hương liệu theo ý thích
- Với loại cocktail này, người pha chế không nhất thiết phải dùng đến Jigger, thậm chí shaker cũng không, thay vào đó là một chút bản năng về ẩm thực
- Bloody Mary không phải là thức uống dành cho buổi tối, chúng thường được uống vào lúc sáng (cho những người hiểu biết và có nhận thức đúng đắn) hay sau khi mặt trời lặn (người có những khiếm khuyết về mặt nhân cách) - được xem là “loại thuốc” giải độc cho hiện tượng nôn nao...
Hy vọng với chừng này thông tin chi tiết đã giúp các bartender mới vào nghề hiểu được Bloody Mary là gì, nguồn gốc và đặc biệt là công thức pha chế, từ đó bổ sung vào list danh sách pha các loại classic cocktail phổ biến nhất tại quầy Bar làm vốn lận lưng.
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên